Một mạng lưới phòng dịch có từ thời Liên Xô đã giúp nước Nga kiểm soát COVID-19 trong giai đoạn sớm

    zknight,  

    Hệ thống phòng dịch hạch mà Liên Xô thành lập gần 1 thế kỷ trước, bây giờ, đang cung cấp kiến ​​thức chuyên môn về kiểm dịch cho Nga và các nước Đông Âu đối phó với COVID-19.

    Vài năm trở về trước ở một vùng núi hẻo lánh trên dãy Alpes thuộc Kyrgyzstan ngày nay, có một cậu bé bắt được một con sóc đất khi đang chăn cừu trên đồng cỏ. Con thú tội nghiệp đã bị giết chết và lột da. Nhưng chỉ 5 ngày sau đó, cậu bé lên cơn mê sảng. 

    Cha mẹ bế cậu bé ướt đẫm mồ hôi tới cầu cứu một bác sĩ trong làng nhưng đã quá muộn. Cậu ấy đã chết vì bị nhiễm dịch hạch.

    Giống như một bóng ma thời trung cổ, bệnh dịch hạch thi thoảng vẫn xuất hiện ở các vùng hẻo lánh xưa thuộc Liên Bang Xô Viết cũ. Chủng trực khuẩn Yersinia pestis gây ra nó hiện vẫn lưu hành trong quần thể động vật, chủ yếu là các loài gặm nhấm hoang dã.

    Một mạng lưới phòng dịch có từ thời Liên Xô đã giúp nước Nga kiểm soát COVID-19 trong giai đoạn sớm - Ảnh 1.

    Qua nhiều thế kỷ với việc cải thiện được vệ sinh cộng đồng, các đợt bùng phát bệnh dịch hạch lớn đều đã bị đẩy lùi ở khắp nơi trên thế giới. Khi một ai đó vô tình bị nhiễm trực khuẩn từ động vật, dịch hạch cũng có thể được điều trị khỏi bằng kháng sinh, miễn là bệnh nhân được phát hiện kịp thời.

    Nhưng cho đến tận những năm 1920, dịch hạch vẫn được coi là một mối đe dọa chết người ở Liên Xô, khiến các quan chức y tế nhà nước phải bối rối. Để kiểm soát tình hình, họ đã thành lập một cơ quan nhà nước chuyên trách chỉ để theo dõi và ngăn chặn bệnh dịch hạch.

    Kế thừa cơ quan khổng lồ này là một loạt các hệ thống kiểm soát dịch bệnh hiện vẫn đang hoạt động ở Nga và khoảng gần một chục quốc gia khác, từng là thành viên của Liên Xô cũ. Họ lúc nào cũng có kế hoạch kiểm dịch được xây dựng trước để luôn sẵn sàng trong mọi tình huống.

    Cùng với các nhân viên y tế được đào tạo, hệ thống kiểm soát dịch bệnh này đang trở thành một trụ cột trong chiến dịch chống lại virus corona ở Nga hiện nay.

    Một mạng lưới phòng dịch có từ thời Liên Xô đã giúp nước Nga kiểm soát COVID-19 trong giai đoạn sớm - Ảnh 2.

    Mặc dù số lượng ca nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 vẫn đang tăng lên, trong giai đoạn đầu dịch, Nga và hầu hết các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa thuộc Liên Bang Xô Viết cũ đã trì hoãn được sự lây lan của COVID-19 tốt hơn các nước Tây Âu và Hoa Kỳ.

    Công lao này thuộc về các nhân viên làm việc trong hệ thống phòng chống dịch bệnh, mà trước đây được triển khai để ngăn chặn bệnh dịch hạch. 

    Ravshan Maimulov, giám đốc trung tâm chống dịch hạch cấp khu vực ở Kyrgyzstan, người đã trực tiếp điều tra cái chết của cậu bé năm 2013 cho biết: Ông đã áp dụng chính các biện pháp kiểm soát dịch hạch sang đại dịch COVID-19. "Và tất nhiên, nó có hiệu quả", Maimulov nói.

    Khi cậu bé 15 tuổi được đưa tới bệnh viện trong làng, "cơ thể cậu ấy vẫn ướt đẫm mồ hôi, tôi cảm thấy hạch sưng ở dưới nách và cằm", ông Maimulov nhớ lại. Đã quá muộn để cứu cậu bé ấy, vài tiếng đồng hồ là khoảng thời gian cuối cùng còn lại trước khi cậu tắt thở.

    Ravshan Maimulov năm nay đã 57 tuổi, ông ấy từng được đào tạo tại một viện nghiên cứu chống vi sinh vật của Nga có tên là Microbe. Sau khi cậu bé chết, Maimulov lập tức được trao quyền lập kế hoạch phong tỏa, mặc dù tại thời điểm đó, ông ấy chỉ mới có chẩn đoán ban đầu cho bệnh dịch hạch.

    Một mạng lưới phòng dịch có từ thời Liên Xô đã giúp nước Nga kiểm soát COVID-19 trong giai đoạn sớm - Ảnh 3.

    Một lều y tế dành cho bệnh nhân bệnh dịch hạch ở Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ năm 1948. Liên Xô đã gửi các nhà khoa học của mình tới nhiều quốc gia bao gồm Mông Cổ và Trung Quốc để hỗ trợ họ chống lại bệnh dịch.

    Maimulov gửi điện tín cho thống đốc khu vực bằng mã bảo mật - họ cần phải làm vậy để tránh thông tin lộ ra ngoài quá sớm, khiến người dân nháo nhác tìm cách chạy trốn trước khi lệnh phong tỏa được thiết lập.

    "Chúng tôi cần phải ngăn chặn việc mọi người trốn chạy", Maimulov nói. Đến sáng hôm sau, các trạm kiểm soát của cảnh sát đã vào vị trí và toàn bộ ngôi làng bị niêm phong.

    Dựa trên kinh nghiệm này, Maimulov đã tư vấn cho chính quyền ở khu vực Issyk-Kul thực hiện các biện pháp tương tự khi đối phó với virus corona vào tháng 3. "Chúng tôi làm việc theo kế hoạch đã được lập sẵn cho bệnh dịch hạch", Maimulov nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

    Trong một khu vực có khoảng nửa triệu dân của Kyrgyzstan đã báo cáo 3 trường hợp nhiễm COVID-19. Toàn quốc có 5 người tử vong vì virus corona mới.

    Tại Nga, đất nước rộng lớn này đang duy trì tổng cộng 13 trung tâm phòng chống dịch hạch từ vùng Viễn Đông đến dãy núi Kavkaz. Họ có 5 viện nghiên cứu bệnh dịch hạch và nhiều trạm thực địa rải đều trên lãnh thổ. 

    Một mạng lưới phòng dịch có từ thời Liên Xô đã giúp nước Nga kiểm soát COVID-19 trong giai đoạn sớm - Ảnh 4.

    Một trạm kiểm soát COVID-19 gần Sân bay Quốc tế Manas, Kyrgyzstan ngày nay.

    Vào tháng 3, chính quyền Moscow đã chuyển các thiết bị thí nghiệm mới vào trung tâm chống dịch hạch ở thủ đô, biến nó trở thành một cơ quan phản ứng nhanh và xét nghiệm virus corona mở rộng.

    Viện Microbe ban đầu được thành lập chỉ để đối phó với bệnh dịch hạch. Nhưng sau đó, họ đã mở rộng khả năng để đối phó với cả các bệnh truyền nhiễm khác như dịch tả, sốt vàng da, bệnh than và bệnh sốt thỏ. Bây giờ, Viện Microbe tiếp tục nhận nhiệm vụ đương đầu với COVID-19.

    Bắt đầu từ tháng 1, giám đốc các trung tâm chống dịch hạch trong Liên minh kinh tế Á-Âu - một liên minh thương mại do Moscow đứng đầu bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga - đã tổ chức các cuộc hội nghị trực tuyến về virus corona. 

    Một viện nghiên cứu bệnh dịch hạch ở Odessa, Ukraine cũng nằm trong số các cơ quan phản ứng với virus corona mới.

    "Có một thực tế rõ ràng rằng Nga và các quốc gia thuộc Liên Bang Xô Viết cũ cùng có chung một di sản", Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow cho biết. Một trong số các di sản hữu ích đó là các trung tâm phòng chống dịch hạch, và chúng đã một lần nữa giúp ích khi đối phó với COVID-19.

    Một mạng lưới phòng dịch có từ thời Liên Xô đã giúp nước Nga kiểm soát COVID-19 trong giai đoạn sớm - Ảnh 5.

    Tổng thống Nga Vladimir V. Putin phát biểu với các nhà lãnh đạo Liên minh kinh tế Á-Âu về phản ứng của họ đối với đại dịch COVID-19.

    Trước khi tan rã, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Liên Xô đã đạt tới được tới đỉnh cao thành công. Mọi người dân đều được chăm sóc y tế miễn phí, năm 1960, tuổi thọ trung bình của người dân Liên Xô thậm chí đã vượt qua cả Hoa Kỳ.

    Trong hai thập kỷ từ thập niên 1950 đến 1970, Liên Xô đã kiểm soát thành công bệnh thương hàn ở với tỷ lệ mắc giảm gần bốn lần. Đối với ho gà, mức giảm lên tới tám lần và bệnh bạch hầu là hơn 70 lần. Vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị, bại liệt và cúm đã được phát triển và tiêm chủng. Liên Xô đã thiết lập được một hệ thống tiêm chủng hiệu quả trên toàn quốc.

    Năm 1980, Liên Xô chính thức tuyên bố xóa sổ hoàn toàn bệnh đậu mùa. Và trong lịch sử Tổ chức Y tế Thế giới, lượng vắc-xin đậu mùa từ thiện lớn nhất mà họ nhận được chính là từ Liên Xô để phân phối tới các quốc gia khác trên thế giới, giúp cả hành tinh xóa sổ hoàn toàn căn bệnh nguy hiểm này.

    Một mạng lưới phòng dịch có từ thời Liên Xô đã giúp nước Nga kiểm soát COVID-19 trong giai đoạn sớm - Ảnh 6.

    Một hệ thống tiêm chủng hiệu quả đã được thiết lập trên toàn Xô Viết từ những thập niên 1970.

    Tuy nhiên, một số nhà phân tích y tế khác cho biết, về lâu về dài, một di sản phòng chống dịch bệnh từ thời Liên Xô sẽ không còn là món quà từ quá khứ đối với nước Nga và các nước Đông Âu khác.

    Giáo sư Yevgeny S. Gontmakher tại Trường Đại học Kinh tế của Liên Bang Nga, một thành viên của cơ quan chăm sóc sức khỏe nhà nước cho biết kể từ khi Liên Xô tan rã, khả năng phòng chống dịch bệnh của họ đã bị giảm sút, trong khi hệ thống y tế ít được cải thiện để chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh.

    "Các bác sĩ dịch hạch là giới tinh hoa của một trăm năm trước, không phải ở thời đại bây giờ", ông ấy nói.

    Một mạng lưới phòng dịch có từ thời Liên Xô đã giúp nước Nga kiểm soát COVID-19 trong giai đoạn sớm - Ảnh 7.

    Các nhà khoa học tại một trung tâm chống bệnh của Liên Xô vào cuối những năm 1950.

    Tại Kyrgyzstan, Maimulov có một phòng thí nghiệm bằng gỗ, nơi ông làm việc từ bấy đến giờ. Công việc trước đại dịch COVID-19 của ông ấy là lên kế hoạch cho các đợt phun thuốc diệt côn trùng vào hang chuột, để làm chết bọ chét được cho là loài trung gian truyền bệnh dịch hạch trong quần thể động vật gặm nhấm.

    Dịch hạch không thể được dập tắt hoàn toàn. "Bởi chúng lây trên loài gặm nhấm, chúng có tốc độ sinh sản rất nhanh", Maimulov nói. "Giết chết chúng cũng không thấm vào đâu cả".

    ***

    Sinh ra trong một gia đình nông dân Kyrgyzstan, công việc hàng ngày của cậu bé 15 tuổi xấu số là đi chăn cừu trên đồng cỏ. Trong thời gian rảnh, cậu bé bẫy sóc đất, lột da lấy lông bán để có thêm thu nhập. Mặc dù Cái chết đen thường lây lan qua vết cắn của bọ chét, nhưng trong trường hợp này, cậu bé đã mắc bệnh vì vô tình cắt dao vào tay mình.

    Năm đó ở Kyrgyzstan, 32 ngôi làng đã được phong tỏa để kiểm dịch. Khoảng 700 nhân viên y tế đã được huy động để đi đến từng nhà tìm kiếm nguồn lây nhiễm. Con sóc đất mà cậu bé bắt được đã được hỏa táng. Và đội chống dịch hạch ở Kyrgyzstan đã hành động đủ nhanh. 

    Ngoài cậu bé xấu số, không có bất kể một trường hợp nhiễm dịch hạch nào nữa được ghi nhận trùng vào khoảng thời gian đó.

    Tham khảo Nytimes

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ