Một ngày trải nghiệm cùng camera Galaxy S7 edge: lấy nét cực nhanh, chụp thiếu sáng tuyệt vời
Hài lòng và thỏa mãn là những gì tôi muốn chia sẻ về chất lượng camera của chiếc máy ảnh này.
Kể từ khi dùng thử Galaxy S6 và Galaxy S6 edge hồi năm ngoái, tôi đánh giá khá cao hiệu năng chụp ảnh của 2 siêu phẩm này. Và khi biết được Samsung sẽ ra mắt thêm siêu phẩm Galaxy mới trong năm nay, tôi lại thêm phần háo hức mong mỏi được chụp ảnh bằng một trong hai chiếc smartphone này.
Dù phải tới ngày 18/3, Samsung mới chính thức bán ra 2 chiếc smartphone siêu phẩm tại Việt Nam là Galaxy S7 và Galaxy S7 edge, nhưng sau biết bao lâu chờ đợi, cuối cùng hôm nay tôi cũng đã may mắn được cầm trên tay chiếc Samsung Galaxy S7 edge nhằm trải nghiệm nhanh tính năng camera.
Ngoại hình và thông số
Trước khi đi sâu vào phần trải nghiệm, tôi cũng muốn điểm sơ qua “ngoại hình” cũng như thông số camera của Samsung Galaxy S7 edge để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn.
Nhìn vào mặt sau của máy, tôi thấy rõ phần camera đã bớt lồi hẳn, có vẻ như Samsung đã tiếp thu ý kiến của người dùng và đang cố gắng loại bỏ dần phần nhược điểm này trên chiếc smartphone mới. Tất nhiên đây chỉ là phần liên quan đến thẩm mỹ, điều quan trọng nhất vẫn là thông số và chất lượng ảnh.
Camera sau 12 MP với khẩu độ f/1.7.
Được biết, độ phân giải của Galaxy S7 edge giảm xuống còn 12 MP (thấp hơn so với 16 MP của dòng Galaxy S6), tuy nhiên bù lại người dùng sẽ có được kích cỡ điểm ảnh vật lý cao hơn (1,4 micron) so với trước kia (1,12 micron). Với việc tăng kích thước điểm ảnh này, cảm biến có thể thu sáng tốt hơn hẳn và vì thế việc chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại. Hơn nữa, độ mở khẩu của chiếc smartphone này cũng được cải thiện hơn, với f/1.7 ống kính sẽ thu được lượng sáng nhiều hơn 25% so với f/1.9 của Galaxy S6.
Camera trước 5 MP với khẩu độ f/1.7.
Như vậy theo lý thuyết, siêu phẩm năm nay của Samsung có khả năng chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn nhiều so với phiên bản năm ngoái. Ngoài ra, lần đầu tiên Samsung giới thiệu công nghệ Dual Pixel trên chiếc Galaxy S7 edge này, theo đó mỗi điểm ảnh trên cảm biến sẽ đóng vai trò hỗ trợ lấy nét theo pha, hứa hẹn sẽ cho kết quả lấy nét siêu nhanh và tự động bắt nét chuyển động chính xác hơn. Bên cạnh đó, chiếc điện thoại này cũng có thêm một số tính năng đáng chú ý khác như hệ thống chống rung quang học (OIS) giúp ổn định hình ảnh hơn khi quay video cũng như hỗ trợ quay video 4K – một xu hướng cần có cho camera của những chiếc điện thoại “đỉnh” hiện nay.
Trải nghiệm chụp ảnh
Cầm chiếc điện thoại này trên tay, tôi mừng rỡ muốn tuôn trào nước mắt vì cuối cùng cũng đã được chạm đến nó. Sau khi mở hộp và thực hiện một vài bước thiết lập ban đầu, tôi nhanh tay tìm đến phần camera ngay mà chẳng cần quan tâm đến những ứng dụng khác đang có trên máy. Còn nhớ ở S6, máy hỗ trợ nhấn 2 lần vào phím Home để kích hoạt nhanh camera, và tôi cũng đã thử điều này trên S7 edge xem có gì thay đổi không.
Thật bất ngờ! Tôi đã phải há hốc mồm khi chỉ sau khi ấn 2 lần phím Home, giao diện camera đã hiện ra ngay lập tức. Phải công nhận rằng Samsung đã cải thiện quá tốt ở phần này khiến tôi đã có ngay thiện cảm từ ban đầu, dù S6 trước đây khởi động camera khá nhanh nhưng vẫn chưa là gì so với anh chàng S7 edge này.
Thời gian khởi động camera rất nhanh.
Sau khi kịp bình tĩnh trở lại, tôi liền thử chụp ngay vài tấm ảnh, và điều bất ngờ tiếp theo ập đến: ngay cả ở chế độ Auto, máy lấy nét rất nhanh cũng như chụp ảnh trong tích tắc. Sau vài ba tấm ảnh chụp thỏa thích, tôi bắt đầu nhìn lại kỹ phần giao diện chụp ảnh trên chiếc smartphone này. Dường như chẳng có gì thay đổi cả, vị trí sắp xếp của các phím ảo chức năng vẫn giữ nguyên – gọn gàng, đơn giản và dễ sử dụng.
Đặc trưng của các dòng điện thoại Samsung là cho ra màu ảnh khá rực (độ bão hòa màu cao) nhằm "nịnh mắt" người dùng, và với chiếc máy này này cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, có người sẽ cảm thấy thích khi ảnh cho ra màu rực hoặc cũng sẽ có người thích tông màu gần với thực tế mắt thường hơn. Bù lại, Samsung cho thêm vào tính năng tinh chỉnh tông màu trực tiếp trên giao diện chụp ảnh: người dùng có thể điều chỉnh nhiệt độ màu, độ tương phản, độ bão hòa màu, căn chỉnh vùng sáng - tối... và lưu lại thiết lập này theo từng filter riêng theo ý thích của mình.
Tự tạo bộ lọc màu cho riêng mình.
Trong tất cả các chế độ chụp, Pro là chế độ chụp đáng được quan tâm nhất khi cho phép người dùng tự căn chỉnh mọi thứ từ độ nhạy sáng (ISO), cân bằng trắng (White Balance), lấy nét khoảng cách, bù trừ sáng...Tất nhiên tôi cũng không thể bỏ sót được phần này, và cuối cùng cũng thấy được điểm cải tiến cực kỳ đáng giá: máy đã có thể phơi sáng lên đến 10 giây, còn ở S6 trước đây con số này cực kỳ khiêm tốn – 0,5 giây.
Như đã đề cập ở trên, chiếc Samsung Galaxy S7 edge có độ mở khẩu lớn f/1.7 và kèm theo đó là điểm ảnh lớn hơn, hứa hẹn đem lại chất lượng ảnh tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu. Khi biết thông tin này, dù theo mặt lý thuyết thì đúng nhưng tôi vẫn không khỏi thắc mắc: “Vậy máy cho ra chất lượng ảnh thế nào nếu chụp ở điều kiện thiếu sáng?” Thế là ý nghĩ này thôi thúc tôi, quyết định chờ đến trời sập tối để thử nghiệm.
Về khoản selfie, Samsung cũng rất biết chiều chuộng khách hàng khi đem đến camera 5 MP với độ mở khẩu cũng f/1.7, có nghĩa người dùng có thể “chụp tự sướng” dưới điều kiện ánh sáng yếu một cách thoải mái và đỡ bị nhiễu hạt hơn. Tính năng “Wide Selfie” (selfie góc rộng) từ S6 vẫn tiếp tục được mang lên S7 edge, cho phép người dùng chụp panorama selfie để có được góc ảnh rộng hơn, rất phù hợp cho việc chụp ảnh nhóm đông người mà không cần lo góc camera không đủ rộng. Thêm vào đó, máy còn có tính năng làm đẹp, nhờ vậy người dùng có thể tự tin up ảnh lên các trang mạng xã hội mà không cần phải tốn quá nhiều công đoạn chỉnh sửa da.
Một điểm khác liên quan đến phần trải nghiệm chính là khả năng tản nhiệt của chiếc Galaxy S7 edge đã được cải thiện đáng kể. Trước đây khi cầm trên tay chiếc Galaxy S6 để đi dạo bộ chụp, tôi nhận thấy phần lưng máy nóng lên khá nhiều chỉ sau 15-20 phút sử dụng, tuy nhiên chiếc S7 edge này có phần ít nóng hơn hẳn. Thật may mắn rằng Samsung đã nhận ra điều này và sửa chữa trên siêu phẩm năm nay của họ, hãy thử tưởng tượng nếu cứ dạo bộ chụp ảnh mà cầm theo một chiếc điện thoại nóng hổi trên tay, liệu bạn có đủ thoải mái sáng tạo và kiên nhẫn để thao tác không?
Khả năng quay video
Camera sau của Samsung Galaxy S7 edge hỗ trợ quay ở độ phân giải cao nhất là 2160p (4K). Ngoài ra, chiếc điện thoại này còn hỗ trợ quay 60 fps (60 khung hình / giây, chỉ dành cho độ phân giải Full HD 1080p) và chống rung quang học OIS.
Hệ thống chống rung hoạt động khá tốt, ngay cả trong trường hợp tôi vừa đi bộ vừa quay video nhưng kết quả nhận được khá ấn tượng, màu sắc và khả năng cân bằng trong video cũng được xử lý khá tốt. Ngoài ra, máy cũng hỗ trợ cả quay Slow Motion và Hyperlapse để người dùng có thể thỏa thích sáng tạo những video cho riêng mình.
Thử Slow Motion.
Thử tính năng quay Slow Motion trên Samsung Galaxy S7 edge.
Hyperlapse.
Thử khả năng chống rung OIS trên Samsung Galaxy S7 edge.
Kết luận
Nhìn chung, chất lượng camera của Samsung Galaxy S7 edge phải nói là rất tốt, khả năng bắt nét và tốc độ chụp ảnh cực kỳ nhanh, bên cạnh đó cũng nhờ hệ thống chống rung hoạt động hiệu quả nên chất lượng hình ảnh lẫn video luôn được ổn định. Sau một ngày trải nghiệm nhanh, tôi cảm thấy rất hài lòng và thỏa mãn với những gì mà camera Galaxy S7 edge mang lại.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"