Một người đàn ông nhiễm độc xyanua do đọc hướng dẫn trên mạng, tự chữa trị ung thư bằng hạt mơ

    zknight,  

    Đầu năm 2016, không hiểu vì lý do gì mà “sự kỳ diệu của hạt mơ” bắt đầu được lan truyền trở lại.

    Ung thư là căn bệnh mà y học chưa thể điều trị dứt điểm. Các biện pháp truyền thống như phẫu thuật, hóa xạ trị thường để lại tác dụng phụ mạnh và có chi phí cao.

    Trong bối cảnh đó, nhiều người bệnh đã đặt niềm tin của mình vào các phương pháp điều trị được gọi là “liệu pháp thay thế”. Chúng có thể là những bài thuốc từ thảo mộc, thực vật, hướng dẫn ăn kiêng… lan truyền trên internet mà không được khoa học kiểm chứng.

    Tháng trước, một nghiên cứu của Đại học Yale đã cảnh báo: Bệnh nhân ung thư sử dụng các liệu pháp thay thế có nguy cơ tử vong gấp 2,5 lần so với điều trị y tế truyền thống. Mới đây, một nghiên cứu trên tạp chí BMJ Case Reports tiếp tục lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của các hình thức điều trị này.

    Theo đó, một người đàn ông 67 tuổi người Australia đã bị nhiễm độc xyanua, sau khi ăn chiết xuất hạt mơ với hi vọng ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt tái phát. Người đàn ông này đã tự chiết xuất và ăn khoảng 2 muỗng cà phê hợp chất từ hạt mơ mỗi ngày, đồng thời sử dụng một loại thực phẩm chức năng có tên Novodalin.

    Phương pháp này làm nồng độ xyanua trong máu ông tăng gấp 25 lần ngưỡng cho phép. Chất độc đã làm giảm oxy trong máu, giết chết tế bào và đặt người đàn ông vào nguy cơ tổn thương tim, não thậm chí tử vong, theo cảnh báo của các bác sĩ.

     Bệnh nhân ung thư sử dụng các liệu pháp thay thế có nguy cơ tử vong gấp 2,5 lần so với điều trị y tế truyền thống

    Bệnh nhân ung thư sử dụng các liệu pháp thay thế có nguy cơ tử vong gấp 2,5 lần so với điều trị y tế truyền thống

    "Ông này có kiến thức khoa học và ông đã đọc ở đâu đó rằng chiết xuất hạt mơ sẽ ngăn ngừa bệnh ung thư tái phát”, bác sĩ Alex Konstantatos, người điều trị cho bệnh nhân cho biết.

    Trên thực tế, nhiều lời đồn đại về hạt mơ chữa ung thư đã xuất hiện từ những năm 1950. Bởi khoa học hoàn toàn không ủng hộ chúng, nên trào lưu dùng hạt mơ chữa bệnh đã sớm bị dập tắt. Đầu năm 2016, không hiểu vì lý do gì mà “sự kỳ diệu của hạt mơ” bắt đầu được lan truyền trở lại.

    Các chuyên gia y tế ngay lập tức đã phải lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tiêu thụ hạt mơ. Theo đó, trong hạt mơ có chứa một hợp chất được gọi là amygdalin. Nó có thể được tổng hợp thành laetrile.

    Khi chúng ta ăn amygdalin hoặc laetrile, các vi khuẩn đường ruột và enzyme tiêu hóa sẽ phân hủy chúng thành cùng một sản phẩm: Xyanua (HCN), một chất độc có khả năng bóp chết tế bào trong cơ thể bằng cách ngăn không cho chúng sử dụng oxy.

    Những người ủng hộ dầu hạt mơ như một liệu pháp điều trị ung thư, nhầm lẫn tin rằng loại xyanua này chỉ giết chết tế bào ung thư. Tuy nhiên, những nghiên cứu lâm sàng mới nhất đã chứng minh chẳng có lợi ích gì khi amygdalin hay laetrile được sử dụng để điều trị ung thư.

    Khi cơ thể nhiễm một lượng xyanua nhỏ, nó thể được chuyển hóa thành thiocyanate và đào thải ra theo đường nước tiểu. Nhưng ngưỡng nhiễm độc xyanua là cực kỳ thấp. Một người trưởng thành chỉ cần ăn 2 hạt mơ là đã có thể đi quá giới hạn.

    Vài năm qua, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư tử vong do nhiễm độc xyanua, bởi họ tin rằng ăn hạt mơ và các chiết xuất của nó có thể chữa bệnh.

     Ăn hạt mơ sẽ giải phóng xyanua trong cơ thể. Ở liều cao, chất độc này có thể gây tổn thương não và tim, dẫn đến tử vong

    Ăn hạt mơ sẽ giải phóng xyanua trong cơ thể. Ở liều cao, chất độc này có thể gây tổn thương não và tim, dẫn đến tử vong

    Trong trường hợp của người đàn ông Australia, tình trạng của ông may mắn được các bác sĩ phát hiện sớm. Một xét nghiệm máu trước phẫu thuật đã cho kết quả không bình thường. Người đàn ông không hút thuốc, có lối sống lành mạnh, không mắc bệnh phổi, thiếu máu hay bệnh tim nhưng lại có rất ít oxy trên hồng cầu.

    Các bác sĩ tìm thấy thiocyanit và mẫu máu của ông được gửi đi xét nghiệm xyanua. Sau khi nói chuyện với các bác sĩ, người đàn ông tiết lộ rằng mình đã ăn chiết xuất hạt mơ trong suốt 5 năm nay.

    Người đàn ông này đã uống những viên thực phẩm chức năng có tên Novodalin, trong đó đã chứa chiết xuất hạt mơ. Đồng thời, ông cũng tự chế một dạng chiết xuất riêng cho mình tại nhà.

    Theo tính toán của các bác sĩ, ông đã nạp vào người 17,32 miligam xyanua mỗi ngày - đủ để làm nồng độ cyanua trong máu vượt ngưỡng 25 lần so với mức chấp nhận được.

    Từ cuối năm 2015, chính phủ Australia đã cấm bán hạt mơ nguyên liệu làm thực phẩm. Nhưng thực tế, mặt hàng này vẫn có thể được mua từ nước ngoài. Laetrile và amygdalin có thể được mua trực tuyến dưới dạng thực phẩm chức năng "vitamin B17", mặc dù, về mặt khoa học thì chúng không phải là vitamin.

    Theo nghiên cứu được báo cáo, các bác sĩ đã yêu cầu người đàn ông ngừng sử dụng chất chiết xuất hạt mơ trong ba ngày. Ngay lập tức, mức oxy trong máu của ông này đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, bất chấp những lời cảnh báo của bác sĩ, sau đó, người đàn ông quyết định tiếp tục sử dụng hạt mơ để chữa bệnh.

    Điều gì sẽ xảy đến với ông trong tương lai? Các bác sĩ cũng không dám chắc. Chưa có một thử nghiệm liệu lượng xyanua nào được thực hiện trên người. “Nhưng những gì chúng ta biết chắc là một liều đủ lớn có thể giết chết bạn”, bác sĩ Konstantatos nói.

    Nếu bạn đang dùng một sản phẩm có khả năng giải phóng xyanua trong cơ thể, theo cách mà bạn không thể đo được liều lượng, nên nhớ rằng chỉ có một sự khác biệt rất nhỏ giữa liều nhỏ xyanua chấp nhận được và mức độ nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bộ phận trên cơ thể như não và tim”.

     Laetrile và amygdalin có thể được mua trực tuyến dưới dạng thực phẩm chức năng vitamin B17, mặc dù, về mặt khoa học thì chúng không phải là vitamin.

    Laetrile và amygdalin có thể được mua trực tuyến dưới dạng thực phẩm chức năng "vitamin B17", mặc dù, về mặt khoa học thì chúng không phải là vitamin.

    Hiện nay, có rất nhiều người đang tự mình sử dụng những biện pháp chữa bệnh ung thư và thực phẩm chức năng không được kiểm chứng. Hậu quả là chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, thậm chí làm giảm hiệu quả của điều trị y tế.

    Một nghiên cứu tháng trước của Đại học Yale đã cảnh báo: Bệnh nhân sử dụng các liệu pháp điều trị ung thư chưa được kiểm chứng (bao gồm sử dụng thảo mộc, thực vật, vi lượng đồng căn, ăn kiêng…) có nguy cơ tử vong gấp 2,5 lần so với điều trị y tế truyền thống như hóa xạ trị và phẫu thuật.

    Với trường hợp người đàn ông người Australia, các nhà nghiên cứu hi vọng đây sẽ là một trường hợp minh họa việc tự chữa bệnh và tin vào những lời khuyên vô căn cứ có thể dẫn đến ngộ độc. Họ tỏ khá lo ngại về thực trạng ngày càng có nhiều liệu pháp chữa bệnh được lan truyền trên internet, trong khi chưa được xác nhận bởi khoa học.

    Mọi người nên nghiên cứu kỹ tất cả các phương pháp mà họ chọn, để xem nó có dùng được cho mình hay không và phải tự biết đến cả những hậu quả tiềm tàng của chúng”, bác sĩ Konstantatos nói. Bên cạnh đó, ông cũng hi vọng các bác sĩ sẽ quan tâm hơn đến bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, hỏi xem họ có đang tự sử dụng một liệu pháp gì đó hay không và giúp đánh giá hiệu quả cũng như độ an toàn của chúng.

    Tham khảo SicenceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ