Dường như cả thế giới, trừ Donald Trump, đang ủng hộ Apple trong cuộc chiến pháp lý với FBI.
Chồng của một nạn nhân sống sót trong vụ khủng bố San Bernardino vừa lên tiếng ủng hộ quyết định không mở khóa chiếc iPhone của tên sát nhân của Apple.
Salihin Kondoker, chồng của Anies Kondoker - người bị bắn ba phát trong vụ khủng bố San Bernardino nhưng may mắn sống sót, vừa gửi tới tòa án một bức thư bày tỏ sự ủng hộ của ông với quyết định của Apple. Trong bức thư đầy nhiệt huyết gửi thẩm phán Sheri Pym, Salihin cho rằng sẽ chẳng moi được thông tin gì hữu ích từ chiếc iPhone của tên tội phạm Syed Farook. Thay vào đó, điều chính phủ yêu cầu Apple làm có thể mở đường cho làn sóng theo dõi công dân một cách tràn lan.
"Đây là một chiếc điện thoại dùng cho công việc. Tên tội phạm Syed Farook và vợ tôi cũng như những nhân viên khác tại trung tâm y tế khác đều sở hữu một chiếc iPhone như thế. Chính quyền San Bernardio cung cấp cho họ những chiếc iPhone này để phục vụ công việc. Vợ tôi không hề lưu bất cứ thông tin cá nhân nào lên chiếc iPhone của cô", Salihin Kondoker chia sẻ trong một bức thư gửi tòa án.
"Tôi nghĩ chẳng có thông tin gì hữu ích trong chiếc iPhone đó", Salihin viết. "San Bernardino là một trong những quận lớn nhất nước Mỹ. Họ có thể theo dõi những chiếc iPhone này qua GPS trong trường hợp họ muốn xác định vị trí của nhân viên. Cả tài khoản iCloud và thuê bao trên những chiếc iPhone này đều được quản lý bởi chính quyền quận để họ có thể theo dõi những liên hệ của nhân viên.
Salihin Kondoker, chồng của Anies Kondoker - người bị bắn ba phát trong vụ khủng bố San Bernardino nhưng may mắn sống sót.
Vợ tôi và những nhân viên khác bao gồm cả Syed Farook đều biết rõ những điều trên. Do vậy, Farook chẳng dại gì đi lưu những thông tin quan trọng có liên quan tới cuộc tấn công trên chiếc iPhone mà hắn ta biết rằng đã bị quận theo dõi. Sau cuộc tấn công, những tên khủng bố đã phá hủy smartphone cá nhân nhưng vẫn để lại chiếc iPhone này. Vì sao ư, đơn giản là vì trong đó chẳng có dữ liệu gì quan trọng".
Trước khi lên tiếng ủng hộ Apple, Salihin cũng cảm thấy thất vọng khi Apple từ chối giúp FBI chống khủng bố. Tuy nhiên, sau đó anh nhận ra đâu mới là mối đe dọa thực sự.
"Khi tôi mới biết về việc Apple từ chối mở khóa iPhone, tôi đã rất thất vọng. Nhưng sau khi tìm hiểu thêm, tôi biết rằng Apple đang bảo vệ một thứ gì đó lớn hơn nhiều so với một chiếc điện thoại", anh viết.
Apple sợ rằng "cửa sau" mà hãng tạo ra cho chính phủ sẽ được sử dụng để chống lại những người vô tội và Salihin hiểu điều đó. "Tôi ủng hộ Apple và quyết định mà họ đã đưa ra", anh tuyên bố.
Giá trị của chiếc iPhone với cuộc điều tra là mối quan tâm chung của Salihin và những người chịu trách nhiệm chính trong cuộc điều tra. Tuần trước, giám đốc FBI, James Comey, thừa nhận rằng có thể chiếc iPhone này không chứa những thông tin hữu ích.
"Có lẽ chiếc điện thoại này có chứa đầu mối để chúng tôi lần ra những kẻ khủng bố. Cũng có thể không", Comey viết. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không thể nhìn vào mắt những nạn nhân sống sót và không thể đối mặt với chính mình trong gương nếu không kiểm tra kỹ manh mối này".
Trong một cuộc phỏng vấn, Jarrod Burgan, cảnh sát trưởng San Bernardino, cũng không tin tưởng lắm về việc chiếc iPhone này có chứa những thông tin có giá trị với các điều tra viên FBI.
"Thành thật mà nói, tôi không tin rằng trong chiếc iPhone này có những thông tin giá trị", Burgan nói. "Đây chỉ là nỗ lực để không bỏ sót bất cứ manh mối nào của cuộc điều tra".
Tham khảo Buzzfeed
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming