Một quốc gia châu Phi nghèo nhưng có thứ khoáng sản quý hơn kim cương, khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều chay đua để được hợp tác

    Thùy An, Nhịp sống thị trường 

    Các nhà lãnh đạo sở tại đang tìm cách kiểm soát chặt chẽ nguồn tài nguyên này.

    Một quốc gia châu Phi nghèo nhưng có thứ khoáng sản quý hơn kim cương, khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều chay đua để được hợp tác - Ảnh 1.

    Châu Phi là nơi chứa 30% trữ lượng khoáng vật, 40% trữ lượng vàng và ít nhất 90% trữ lượng crom của toàn thế giới. Ngoài ra, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho lục địa này vô số các khoáng sản quý giá khác như cobalt, bạch kim, uranium, kim cương và đặc biệt là lithium.

    Các hãng sản xuất ô tô đang lần lượt chuyển sang làm xe điện, khiến nguồn cầu lithium và một số loại khoáng sản khác tăng vùn vụt. Năm 2021, thế giới đã khai thác 540.000 tấn mét lithium. Theo dự kiến, nhu cầu về lithium sẽ chạm ngưỡng 1,5 triệu tấn mét đến năm 2025.

    Zimbabwe, quốc gia của 60 loại khoáng sản

    Trữ lượng lithium dồi dào phân bổ rải rác khắp châu Phi, điển hình là ở Zimbabwe, Namibia, Ghana, cộng hòa Congo và Mali. Zimbabwe là quốc gia đã khai thác lithium suốt 60 năm nay. Năm 2020, Zimbabwe là nước sản xuất lithium lớn thứ 6 thế giới. Quốc gia này sở hữu hơn 60 loại khoáng sản, bao gồm bộ năm khoáng sản tối quan trọng trong sản xuất pin xe điện: lithium, cobalt, mangan, nickel và graphite. Khoáng sản đóng vai trò thiết yếu trong tăng trưởng kinh tế của Zimbabwe, chiếm 60% xuất khẩu, còn ngành khai thác đóng góp 11% vào GDP.

    Tuy vậy, bối cảnh kinh tế ở Zimbabwe không mấy hấp dẫn các nhà đầu tư. Zimbabwe hiện có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, đạt đỉnh 283% vào năm 2022 và lãi suất cho vay lên tới 45%. Thế nhưng, trong tháng 5 năm 2022 vừa qua, khi giá lithium đã tăng gấp 7 lần so với đầu năm 2021, Zimbabwe nhận thấy đây là thời cơ để vươn lên trên chuỗi giá trị và trở thành nhà cung cho 20% nhu cầu lithium toàn cầu.

    Một quốc gia châu Phi nghèo nhưng có thứ khoáng sản quý hơn kim cương, khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều chay đua để được hợp tác - Ảnh 2.

    Lithium ở đây dồi dào đến nỗi nó còn xuất hiện cả ở tầng đất gần với bề mặt tại nhiều nơi trên khắp đất nước. Dân làng các nơi này thậm chí còn tự đào lithium để bán cho thương nhân nhằm cải thiện cuộc sống. Cách thức khai khoáng tự phát bằng công cụ, máy móc thô sơ này tuy giúp nuôi sống hơn 1 triệu người dân, nhưng lại làm quốc gia thất thoát 2 tỉ USD khoáng sản vì bị buôn bán bất hợp pháp qua biên giới.

    Tháng 12 năm 2022, Zimbabwe thông qua đạo luật Kiểm Soát Xuất Khẩu Khoáng Sản Thô, trong đó cấm xuất khẩu lithium thô. Tuy nhiên, các công ty xây dựng khu mỏ và nhà máy chế xuất ở Zimbabwe thì được miễn khỏi đạo luật này. Trong đó có cả các công ty Trung Quốc như Huayou Cobalt, Sinomine Resource Group và Chengxin Lithium Group. Được biết, họ đã đầu tư 678 triệu USD vào các dự án lithium.

    Đạo luật này gây ảnh hưởng nặng nhất lên các thợ mỏ tự phát vì trước đó họ đã tích trữ một lượng lớn lithium thô nhưng chưa kịp bán đi. Thực chất, đạo luật chủ yếu nhằm ngăn chặn việc buôn bán khoáng sản bất hợp pháp, chứ không gây khó khăn cho những ai muốn hợp tác kinh doanh, nhất là nếu việc làm ăn có lợi cho đất nước.

    Không chịu thua Trung Quốc, Mỹ nỗ lực nối lại quan hệ với Zimbabwe

    Năm 2009, Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Đây là bước đà thuận tiện để doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận nguồn lithium dồi dào.

    Tại Zimbabwe, có hơn 80 công ty quốc doanh của Trung Quốc. Kể từ năm 2005 đến năm 2020, các thương nhân Trung Quốc đã đầu tư vào đây khoảng 10,4 tỉ USD, đồng thời mua lại các công ty của Úc và Mỹ. Các công ty như Huayou Cobalt hay Sinomine Resource Group đều sở hữu những mỏ lithium quan trọng và dồi dào nhất Zimbabwe, ví dụ như mỏ Bikita - cách thủ đô Harare 300 cây số về phía nam, có chứa 11 triệu tấn mét lithium.

    Tháng 12 năm 2022, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón 49 nhà lãnh đạo châu Phi tại thủ đô Washington trong Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-Phi. Mất 8 năm mới có được hội nghị này, nên đây là bước đi quan trọng để tái thiết lập mối quan hệ giữa hai bên. Trước đó, Liên minh châu Phi và Cộng đồng phát triển Nam Phi đề nghị phía Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Zimbabwe.

    Một quốc gia châu Phi nghèo nhưng có thứ khoáng sản quý hơn kim cương, khiến cả Mỹ và Trung Quốc đều chay đua để được hợp tác - Ảnh 3.

    Tài nguyên không phải của phương Đông, cũng không phải của phương Tây

    Người Zimbabwe đủ khả năng nhận ra rằng, khi cho phép quá nhiều các nhà đầu tư Trung Quốc hay Mỹ bước vào, họ đang làm giàu cho người ngoài, thay vì cho quê hương mình. Rốt cuộc, tài nguyên thuộc về họ, không phải của phương Tây cũng chẳng phải của phương Đông. Các nhà lãnh đạo nước này đang kiếm tìm giải pháp để phát huy tiềm năng đất nước, trong đó bao gồm cả ý tưởng thành lập một các-ten giống như OPEC. Đây sẽ là nơi các quốc gia giàu khoáng sản liên kết với nhau để kiểm soát thị trường cũng như giá lithium toàn cầu.

    Tham khảo từ: CNBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ