Một sao chổi 'ngoài hành tinh' khổng lồ đang lao thẳng về phía Mặt trời

    Anh Việt, Trí Thức Trẻ 

    (Tổ Quốc) - Theo các nhà khoa học, 96P/Machholz 1 có thể bị đẩy ra khỏi hệ sao ban đầu bởi lực hấp dẫn của một hành tinh khổng lồ.

    Với chiều rộng 3,7 dặm (6 km), sao chổi này được gọi là 96P/Machholz 1, được cho là đến từ một nơi nào đó bên ngoài hệ Mặt Trời của chúng ta. Vật thể này hiện đang được theo dõi bởi tàu vũ trụ Đài quan sát Mặt trời và Nhật quyển (SOHO) của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA). Khi 96P/Machholz 1 tiến về phía Mặt Trời bên trong quỹ đạo của Sao Thủy, sao chổi này để lại một vệt băng giá trên đường đi của nó. Đuôi sao chổi chủ yếu bao gồm khí, chảy ra sau các khối băng và khí đóng băng khi chúng được làm nóng bởi bức xạ Mặt Trời.

    Một sao chổi 'ngoài hành tinh' khổng lồ đang lao thẳng về phía Mặt trời - Ảnh 1.

    96P/Machholz 1 được chụp bởi tàu vũ trụ Galaxy Evolution Explorer (GALEX) của NASA. Ảnh: NASA

    Năm 2008, một phân tích về vật chất do 150 sao chổi thải ra cho thấy 96P/Machholz 1 chứa ít hơn 1,5% hàm lượng dự kiến của chất hóa học xyanogen, đồng thời cũng có hàm lượng carbon thấp. Đây được coi là dấu hiệu cho phép các nhà thiên văn học kết luận, nó có thể là một vật thể tới từ một hệ sao khác. Bây giờ, việc 96P/Machholz 1 lao về phía Mặt Trời có thể tiết lộ nhiều bí mật hơn nữa của nó.

    "96P là một sao chổi rất không điển hình, cả về thành phần lẫn hành vi, vì vậy chúng tôi không bao giờ biết chính xác những gì chúng tôi có thể nhìn thấy", Karl Battams, nhà vật lý thiên văn tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân ở Washington DC, nói với spaceweather.com.

    "Hy vọng rằng chúng ta có thể thu được một số kiến thức khoa học tuyệt vời từ điều này và chia sẻ [nó] với mọi người ngay khi có thể."

    96P/Machholz 1 được phát hiện lần đầu vào năm 1986, bởi nhà thiên văn học David Machholz bằng cách sử dụng kính viễn vọng bằng bìa cứng tự chế. Bản thân tên của sao chổi này cũng đã được đặt theo tên người đã phát hiện ra nó.

    Thông thường, hầu hết các sao chổi lao về phía Mặt Trời có xu hướng nhỏ hơn 32 feet (10 mét), vốn thường bị đốt cháy hoàn toàn khi chúng đến gần ngôi sao của chúng ta.

    Tuy nhiên, 96P/Machholz 1 lại là một trường hợp đặc biệt. Kích thước khổng lồ của nó (cao bằng 2/3 chiều cao của đỉnh Everest) dường như bảo vệ nó khỏi sự bốc hơi hoàn toàn. SOHO đã phát hiện sao chổi này thực hiện 5 lần bay gần quanh Mặt Trời kể từ khi phát hiện ra nó. Lần cận gần nhất của 96P/Machholz 1 với Mặt Trời sẽ diễn ra vào hôm nay, khi nó ở gần ngôi sao của chúng ta ở khoảng cách gần hơn ba lần so với Sao Thủy.

    Theo các nhà khoa học, 96P/Machholz 1 có thể bị đẩy ra khỏi hệ sao ban đầu bởi lực hấp dẫn của một hành tinh khổng lồ.

    Sau một khoảng thời gian đáng kể lang thang trong vũ trụ, một cuộc 'gặp gỡ' tình cờ với Sao Mộc có thể đã bẻ cong quỹ đạo của nó, khiến nó trở thành một vị khách không mời trong hệ Mặt Trời.

    Các giả thuyết khác cũng cho rằng sao chổi này có thể không phải là 'kẻ ngoại đạo', mà có thể đã hình thành ở những vùng chưa được hiểu rõ trong hệ Mặt Trời. Bên cạnh đó, thành phần hóa học của nó có thể đã bị biến đổi khi liên tục tiếp cận ở khoảng cách gần so với Mặt Trời.

    Đài quan sát Mặt trời và Nhật quyển (SOHO) của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã phát hiện hơn 3.000 sao chổi kể từ lần phóng vào tháng 12 năm 1995, mặc dù nhiệm vụ chính của tàu vũ trụ là quan sát mặt trời để tìm các vụ phun trào dữ dội được gọi là phun trào khối vành nhật hoa, hoặc các tia sáng mặt trời có thể gây ra bão địa từ trên Trái đất.

    Tham khảo Live Science

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ