Một vài cảm nghĩ về Moto Z: Chiếc smartphone dành cho người ưa mạo hiểm

    Minh Trang,  

    Trước cảnh smartphone ngày càng trở nên bão hòa, Lenovo cho rằng thiết kế module là "ý tưởng lớn" của tương lai. Nhưng liệu đây có phải là sự lựa chọn đúng đắn?

    Có một điều tôi phải thừa nhận là tôi có một tình cảm hết sức đặc biệt dành cho những chiếc điện thoại Moto. Kể từ chiếc StarTAC cho đến nay, những sản phẩm của Moto vẫn mang một phong thái trầm lặng của người Mỹ, chứ không phô trương, bày vẽ như của người Hàn hay Trung.

    Những chiếc smartphone của Motorola tuy đa phần chỉ được làm bằng nhựa chứ không phải là nhôm hay kính hào nhoáng, nhưng sự vững chắc, bền bỉ thì vẫn là một điều mà người dùng có thể cảm nhận qua thời gian sử dụng lâu dài. Những chiếc smartphone của Motorola tuy chỉ chạy một phiên bản Android gần như gốc, không sở hữu các tính năng hoa hòe như các đối thủ, nhưng trải nghiệm ở những tác vụ cơ bản thì lại cực kỳ nhanh nhạy, mượt mà. Và sự đơn giản nhưng hiệu quả này chính là điều mà tôi yêu ở Moto.

     Cái vẻ lầm lì mà người dùng đã quen thuộc ở smartphone Moto

    Cái vẻ "lầm lì" mà người dùng đã quen thuộc ở smartphone Moto

    Nhưng tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy chiến lược (tưởng rằng như rất tốt) này lại khiến cho chỗ đứng của hãng trên thị trường ngày một lung lay. Đối với những người dùng am tường về công nghệ, hiểu rằng không ít những tính năng "hoa lá cành" của các nhà sản xuất kia chỉ nhằm tạo ấn tượng ban đầu chứ không đem lại nhiều lợi ích trong quá trình sử dụng lâu dài, thì họ dễ dàng hiểu và trân trọng giá trị mà smartphone Moto đem lại. Nhưng, đối tượng này không nhiều, nếu không muốn nói là rất nhỏ. Còn với biết bao người dùng bình dân ngoài kia, họ sẽ quan niệm đơn giản rằng: "cấu hình mạnh hơn = tốt hơn, nhiều tính năng hơn = đáng mua hơn", đơn giản là vì họ mong muốn sở hữu nhiều thứ nhất với số tiền mà họ bỏ ra. Thế là từ đó, Moto thất thế.

     Không bóng bẩy như những đối thủ, vẻ đẹp của smartphone Moto đến từ sự hữu dụng: cảm giác cầm nắm tốt, bền bỉ, chắc chắn

    Không bóng bẩy như những đối thủ, vẻ đẹp của smartphone Moto đến từ sự hữu dụng: cảm giác cầm nắm tốt, bền bỉ, chắc chắn

    Và rồi thì Lenovo và Moto trở thành "người một nhà". Có thể coi như đây là một cuộc thay máu toàn diện cho thương hiệu Moto, khi đi kèm với những con người mới là những chiến lược mới. Moto nhận ra rằng cái chiến lược "người Mỹ thầm lặng" ấy sẽ không còn hiệu quả nữa, khi mọi smartphone trên thị trường giờ đây đều đẹp, đều mượt và đều sở hữu những tính năng độc đáo. Đã đến lúc Moto cần phải thoát khỏi vùng an toàn (comfort zone) của mình và sẵn sàng thử nghiệm với những ý tưởng mới. Moto Z và hệ thống module Moto Mods là sản phẩm kết hợp tất cả những ý tưởng này.

    Độ mỏng 5.2mm, nhưng đi kèm với đó là hàng loạt những thứ mà bạn phải hy sinh

    Nếu bạn đã quen với những chiếc máy Moto trước đây, bạn sẽ bị bất ngờ trước vẻ ngoài hoàn toàn khác biệt của Moto Z. Cái vẻ "cục mịch" của những chiếc Moto X trước đây đã không còn, thay vào đó là sự "bóng loáng, thời thượng, thu hút mọi ánh nhìn" đến từ sự kết hợp của hai chất liệu là kính và kim loại. Chỉ cần nhìn từ xa, bạn đã biết rằng Moto Z là một chiếc điện thoại cao cấp.

     Moto Z

    Moto Z

     Thiết kế của Moto Z đã buộc phải chạy theo xu hướng bóng bẩy của thị trường

    Thiết kế của Moto Z đã buộc phải chạy theo xu hướng "bóng bẩy" của thị trường

     Và, điều đó cũng khiến máy mất đi tính thực dụng vốn có của mình, bao gồm cảm giác cầm nắm không tốt và bám đầy dấu vân tay sau một thời gian sử dụng

    Và, điều đó cũng khiến máy mất đi tính thực dụng vốn có của mình, bao gồm cảm giác cầm nắm không tốt và bám đầy dấu vân tay sau một thời gian sử dụng

    Nhưng thế mạnh thật sự của thiết kế của Moto Z lại nằm ở độ mỏng chỉ 5.2mm - và có thể coi đây là chiếc flagship mỏng nhất tính đến thời điểm hiện tại. RAZR V3 là chiếc điện thoại thành công nhất trong lịch sử của Motorola, và Lenovo mong muốn lặp lại sự thành công này với Moto Z. Và người dùng yêu thích nhất ở RAZR V3 điều gì? Độ mỏng. Vậy nên không ngạc nhiên khi Lenovo đã lại một lần nữa áp dụng "bí kíp" này với Moto Z.

     Độ mỏng ấn tượng chỉ 5.2mm

    Độ mỏng ấn tượng chỉ 5.2mm

    Tuy nhiên, để đạt được độ mỏng này thì người dùng buộc phải hy sinh một số thứ. Đầu tiên và cũng được cho là đáng kể nhất, đó là jack cắm tai nghe 3.5mm bị gỡ bỏ (trước cả iPhone 7!), thay vào đó là một cổng USB-C duy nhất. Đi kèm hộp là một adapter USB-C to 3.5mm và một tai nghe chuẩn 3.5mm truyền thống. Như vậy, bạn sẽ không thể kết nối trực tiếp tai nghe đi kèm Moto Z mà không cần thông qua một chiếc adapter. Đây tưởng rằng là một điều nghịch lý, tuy nhiên khi xét trên tình hình thực tế với số lượng thiết bị dùng cổng USB-C vẫn chưa nhiều, việc Moto bán kèm một tai nghe 3.5mm để bạn có thể sử dụng cùng các thiết bị khác cũng là dễ hiểu.

     Cuộc sống với những chiếc adapter

    Cuộc sống với những chiếc adapter

    Thứ hai, đó là thời lượng pin hạn chế của Moto Z. Đi kèm với máy là viên pin 2600mAh - một con số tuy không phải ít, nhưng khi kết hợp với màn hình 5.5 inch 2K, một cấu hình mạnh mà người dùng sẽ tin tưởng giao phó hàng loạt các tác vụ nặng, và đương nhiên là cả hệ thống Moto Mods với một số module không tích hợp pin như Hasselblad True Zoom - thì rất khó để có thể sử dụng Moto Z thoải mái trong một ngày. Thời gian screen-on time (màn hình bật) mà tôi đạt được ở chiếc máy này chỉ khoảng 3 tiếng.

    Thứ ba, đó là cảm giác cầm nắm. Mặt lưng của Moto Z là một lớp thép phẳng và không được bo cong liền mạch với hai bên viền. Khi cầm trên tay, phần tiếp giáp giữa phần viền và mặt lưng sẽ cọ vào tay, tạo nên một cảm giác khá khó chịu. Và do máy rất mỏng, vậy nên để có thể cầm nắm chắc chắn nó là một điều không hề dễ dàng.

     Do mỏng và mặt lưng lại không được bo cong, cầm Moto Z khá cấn và không chắc chắn

    Do mỏng và mặt lưng lại không được bo cong, cầm Moto Z khá cấn và không chắc chắn

    May thay, vấn đề trên có thể giải quyết bằng cách sử dụng nắp lưng gỗ được tặng kèm trong hộp của Moto Z. Không những giúp cải thiện đáng kể cảm giác cầm nắm, nó còn che đi khuyết điểm về camera lồi của máy. Ngoài ra, lớp vỏ này cũng sẽ mang lại cho Moto Z một dáng vẻ quen thuộc hơn từ các dòng máy Moto trước đây, vốn nổi tiếng bởi việc cho phép người dùng lựa chọn giữa hàng loạt các nắp lưng độc đáo, sử dụng các chất liệu như gỗ hay da.

     Khi lắp nắp lưng gỗ, điều này được cải thiện đáng kể

    Khi lắp nắp lưng gỗ, điều này được cải thiện đáng kể

    Tuy nhiên, có một điều mà người dùng sẽ không thể thay đổi trong thiết kế của Moto Z là mặt trước. Nếu bạn có ý định mua chiếc máy này, tôi khuyên thật lòng rằng bạn hãy mua phiên bản màu đen. Moto Z có lẽ là chiếc máy sở hữu nhiều thành phần ở mặt trước nhất mà tôi từng thấy, khi nó sở hữu màn hình, loa ngoài kiêm loa thoại, cảm biến tiệm cận, camera selfie, đèn flash, hai cảm biến hồng ngoại cho tính năng Moto Display, hai micro cho tính năng Moto Voice, logo Moto và cảm biến vân tay.

    Mặc dù được sắp xếp khá cân đối, tuy nhiên do có quá nhiều chi tiết, không ít người dùng ưa thích sự đơn giản sẽ cảm thấy bị rối mắt bởi thiết kế này. Những cảm biến thêm vào mặc dù đều phục vụ cho một vài tính năng hữu ích, nhưng tôi tin rằng, Lenovo có thể tìm cách để làm tốt hơn thế.

     Moto Z sở hữu rất nhiều thành phần ở mặt trước

    Moto Z sở hữu rất nhiều thành phần ở mặt trước

    Trong đó, một thành phần mà Lenovo nên thay đổi ở thế hệ Moto Z tiếp theo là cảm biến vân tay. Với việc là một nhà sản xuất luôn một mực tuân theo những quy chuẩn của Google, Moto Z sử dụng phím cảm ứng ảo bên trong màn hình. Tuy nhiên, cảm biến vân tay của máy lại được đặt ở dưới màn hình, và nó lồi lên như một nút Home. Điều này đã khiến cho tôi không ít lần bấm nhầm vào đó, và vô tình kích hoạt tính năng tự động khóa màn hình khi giữ vào cảm biến vân tay trong một vài giây. Trên một số sản phẩm gần đây như Moto M, hãng đã cho thấy sự biến chuyển khi đặt cảm biến vân tay ở mặt sau, và tôi tin rằng thế hệ Moto Z tiếp theo cũng sẽ được hãng tiếp thu và sửa đổi.

     Cảm biến vân tay lồi lên, không thể bấm được như một phím Home có lẽ sẽ khiến nhiều người cảm thấy chướng mắt

    Cảm biến vân tay lồi lên, không thể bấm được như một phím Home có lẽ sẽ khiến nhiều người cảm thấy chướng mắt

    Hmm... Nhưng nếu đặt cảm biến vân tay ở mặt sau thì sẽ bị module Moto Mods che khuất, dùng thế nào được nhỉ?

    Moto Mods, tầm nhìn của Motorola vào tương lai của smartphone và lý do tại sao nó sẽ thất bại

    Như đã nói ở trên, để tự cứu mình trước thị trường smartphone đang ngày một bão hòa, những chiếc smartphone Moto cần có những ý tưởng mới. Và thiết kế module chính là thứ mà Lenovo đã lựa chọn và cố gắng xây dựng trong suốt một năm qua.

     Sức mạnh của Moto Mods nằm ở những chiếc pin này đây

    Sức mạnh của Moto Mods nằm ở những chiếc pin này đây

    Sau khi đã sử dụng Moto Z kèm hai module JBL SoundBoost và Hasselblad True Zoom (các bạn có thể đọc bài review về hai module này tại đâyđây), cảm xúc để lại cho tôi là khá lẫn lộn. Để nói về những điểm mạnh, Moto đã tạo ra một hệ thống lắp ghép module đơn giản, dễ sử dụng và khá ổn định. So với một sản phẩm khác cũng được trang bị tính năng module là LG G5, cách thức gắn và kết nối module của Moto Z là tiện lợi hơn rất nhiều, khi người dùng không cần tắt máy, không cần tháo pin mà chỉ cần tháo và lắp. Đương nhiên, những module này sẽ giúp trải nghiệm của người dùng đối được cải thiện đáng kể, và cả hai module mà tôi đã thử nghiệm đều cho thấy rõ độ hiệu quả của mình.

     Moto Mod Hasselblad True Zoom

    Moto Mod Hasselblad True Zoom

    Nhưng khi bạn thiết kế một hệ thống module như thế này, bạn sẽ mong muốn sử dụng nó trong một thời gian dài, và coi đó là nền tảng cho các sản phẩm tiếp theo. Và theo tôi, đây chính là điểm yếu chí mạng của thiết kế module.

    Hãy cùng lật lại câu hỏi phần trước: "Nhưng nếu đặt cảm biến vân tay ở mặt sau thì sẽ bị module Moto Mods che khuất, dùng thế nào được nhỉ?". Câu trả lời sẽ là không thể. Cho rằng Lenovo rất mong muốn đặt cảm biến vân tay ở mặt lưng trên thế hệ Moto Z2 tiếp theo, họ cũng sẽ không thể làm như vậy được. Moto Mods chính là yếu tố cản đường mọi ý tưởng mới.

     Hạn chế về thiết kế của các Moto Mods khiến cho Moto không thể di chuyển cảm biến vân tay ra mặt sau được

    Hạn chế về thiết kế của các Moto Mods khiến cho Moto không thể di chuyển cảm biến vân tay ra mặt sau được

    Vấn đề ở đây không chỉ nằm ở cảm biến vân tay, mà nó còn là ở thiết kế tổng thể của sản phẩm, khi các Moto Mods hiện nay đều được thiết kế dưới dạng một chiếc ốp lưng và kết nối chặt chẽ thông qua các pin kết nối. Chỉ cần một thay đổi nhẹ trong kích thước đã đủ khiến cho chúng lệch lạc và ngưng hoạt động. Hay trong trường hợp Lenovo mong muốn tích hợp hệ thống camera kép để theo kịp xu thế hiện nay, họ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do phần cắt cho camera của các MotoMods đã được cố định, và cũng như trên, một thay đổi nhỏ cũng sẽ khiến chúng không thể lắp vừa được nữa.

     Moto buộc phải đi theo thiết kế này suốt đời, và đó là yếu tố gây cản trở sự sáng tạo của hãng

    Moto buộc phải đi theo thiết kế này suốt đời, và đó là yếu tố gây cản trở sự sáng tạo của hãng

    Vào thời điểm ra mắt, Moto khẳng định sẽ "theo đuổi" thiết kế module này đến cùng. Mới đây, hãng đã hứa hẹn sẽ tung ra 12 module mới trong năm 2017. Những cam kết này là một tin tức rất tốt cho người dùng Moto Z hiện nay, nhưng cùng lúc đó, nó cũng tạo thế khó cho chính Moto trong việc thu hút người dùng mới, đặc biệt là khi thiết kế đang trở thành yếu tố đóng vai trò then chốt trong quyết định mua smartphone của người dùng.

    Mức giá cao, thị hiếu người dùng và thêm một lý do tại sao thiết kế module khó có cơ phát triển

    Hiện nay, Moto Z đang được bán chính hãng với mức giá 15,990,000 đồng. Đây là một số tiền không hề nhỏ, và người dùng sẽ kỳ vọng rất nhiều từ một chiếc smartphone đầu bảng như thế này. Thế nhưng, cái hay, cái lạ của Moto Z lại không nằm ở chiếc máy, mà là ở những chiếc module. Và để sử dụng những chiếc module đó, họ sẽ phải bỏ ra thêm một số tiền không nhỏ nữa (tối thiểu từ 1,4-2 triệu cho một số module pin dự phòng, loa và có thể lên đến 6,8 triệu cho module máy chiếu và camera). Với việc tương lai của Moto Mods vẫn chưa được định đoạt, liệu người dùng có sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn như vậy để tham gia vào "bài thí nghiệm dài hạn" của Lenovo?

     Moto Mods có giá không hề rẻ, có thể lên đến gần 7 triệu đồng (299 USD) cho module Hasselblad True Zoom

    Moto Mods có giá không hề rẻ, có thể lên đến gần 7 triệu đồng (299 USD) cho module Hasselblad True Zoom

    Khi tôi cho một vài người bạn (không mấy quan tâm về công nghệ) xem chiếc Moto Z và hệ thống module, tất cả đều tỏ ra khá thích thú và hào hứng với ý tưởng mới. Tuy nhiên khi hỏi liệu có ai sẵn sàng mua nó không, thì tất cả đều lắc đầu nguây nguẩy. Bên cạnh một vài lý do khách quan (thương hiệu không nổi tiếng, thiết kế) thì có một ý kiến mà tất cả mọi người đều đồng tình: "Thay vì phải mua thêm các phụ kiện lắp thêm như loa hay camera này, tại sao Moto lại không cố gắng tích hợp luôn những công nghệ này vào bên trong sản phẩm và biến nó trở thành một chiếc điện thoại tốt hơn và người dùng không cần phải tốn tiền "nâng cấp"?"

    Người dùng không quan tâm đến các hạn chế kỹ thuật, vì đó là trách nhiệm của các nhà sản xuất. Điều mà họ mong muốn mỗi khi mua một chiếc smartphone là có được thứ tốt nhất với số tiền mà họ bỏ ra. Và Moto Z với hệ thống module của mình tạo cho người dùng suy nghĩ "đây là một sản phẩm chưa hoàn hảo, vậy nên Moto mới buộc phải tung ra những thứ phụ kiện này". Khi mà các smartphone trên thị trường đang ngày một trở nên hoàn thiện, suy nghĩ này sẽ khiến Moto Z mất điểm trong mắt người dùng.

    ... Nhưng may thay, Moto Z vẫn là một chiếc smartphone tốt

    Ơn trời, nếu chúng ta gạt bỏ những cái nhìn tiêu cực về Moto Mods, thì Moto Z vẫn là một chiếc smartphone rất tốt. Với cấu hình mạnh mẽ đi kèm với hệ điều hành Android gần như gốc của Google, máy hoạt động rất mượt mà và ổn định, khác với một vài chiếc smartphone khác khi bị các phần mềm rác và các tính năng thừa thãi gây ảnh hưởng đến hiệu năng.

     Bên cạnh cấu hình mạnh, Moto Z còn đạt được hiệu năng ấn tượng nhớ phần mềm thuần gốc, không có ứng dụng rác

    Bên cạnh cấu hình mạnh, Moto Z còn đạt được hiệu năng ấn tượng nhớ phần mềm thuần gốc, không có ứng dụng rác

     Tôi không phải là người thích benchmark, nhưng sau đây là một vài kết quả để các bạn tham khảo

    Tôi không phải là người thích benchmark, nhưng sau đây là một vài kết quả để các bạn tham khảo

    Màn hình của Moto Z cũng thuộc dạng xuất sắc. Panel 5.5 inch AMOLED không chỉ sở hữu những ưu điểm có sẵn của loại màn hình này về màu sắc tươi tắn, góc nhìn rộng, độ tương phản tuyệt đối, mà độ phân giải 2K cũng giúp cho tình trạng rỗ (pentile) được giảm thiểu đáng kể. Không chỉ có vậy, Moto còn khéo léo sử dụng đặc tính về khả năng tiết kiệm năng lượng khi hiển thị màu đen của AMOLED để phát triển tính năng Active Display, cho phép hiển thị các thông tin về ngày giờ, thông báo khi người dùng hơ tay qua. Nó cũng cho phép người dùng tương tác nhanh với thông báo.

     Màn hình của Moto Z cho chất lượng hiển thị ấn tượng

    Màn hình của Moto Z cho chất lượng hiển thị ấn tượng

     Tính năng Moto Display cho phép hiển thị ngày giờ, thông báo chỉ bằng một cú hất tay qua màn hình

    Tính năng Moto Display cho phép hiển thị ngày giờ, thông báo chỉ bằng một cú hất tay qua màn hình

     Ngoài ra, người dùng cũng có thể tương tác nhanh với những thông báo này mà không cần mở khóa thiết bị

    Ngoài ra, người dùng cũng có thể tương tác nhanh với những thông báo này mà không cần mở khóa thiết bị

    Camera của Moto Z cũng cho chất lượng khá tốt. Cảm biến của máy có độ phân giải 13MP, khẩu độ ống kính f/1.8, hỗ trợ chống rung quang học (OIS), lấy nét laser và đèn flash kép dual-tone. Ảnh của Moto Z cho độ chi tiết cao và màu sắc khá trung thực trong điều kiện ánh sáng tốt. Tuy nhiên, Moto hơi lạm dụng thuật toán xử lý phần mềm khiến cho ảnh bị thừa sáng (over-exposed) và thừa độ nét (over-sharpened). Kết hợp với hiệu ứng khử nhiễu, ảnh trong điều kiện thiếu sáng của máy không thật sự tự nhiên và sắc nét.

     Một số ảnh chụp từ Moto Z

    Một số ảnh chụp từ Moto Z

    Ngoài ra, camera của Moto Z cũng không có tính năng gì đặc biệt. Chế độ Pro mode (chỉnh tay) cũng được tích hợp, tuy nhiên tốc độ phơi sáng tối đa chỉ dừng lại ở mức 1/2s, một con số khiến cho các tay chơi ảnh cảm thấy nản lòng. Nhìn chung, camera của Moto Z tốt, nhưng không thật sự đặc sắc và vẫn kém cạnh các đối thủ cùng phân khúc như Samsung Galaxy S7 hay Google Pixel.

     Camera của Moto Z không có nhiều tính năng nổi trội. Chế độ Pro cũng bị hạn chế về tốc độ màn trập

    Camera của Moto Z không có nhiều tính năng nổi trội. Chế độ Pro cũng bị hạn chế về tốc độ màn trập

    Như đã đề cập ở trên, thời lượng pin của Moto Z không thật sự tốt. Để bù lại, máy được trang bị công nghệ sạc nhanh Turbo Charger, cho phép sạc 25% pin trong 15 phút đầu, và đầy pin sau khoảng 70 phút. Khá ấn tượng đấy chứ?

    Nhìn chung, mặc dù tập trung thử nghiệm cho những ý tưởng mới, Moto Z tiếp tục được xây dựng trên nền tảng của những chiếc smartphone Moto trước đây - vốn nổi tiếng từ việc làm rất tốt những điều cơ bản. Chính vì vậy, ngoài jack cắm tai nghe và thời lượng pin, tôi tin rằng người dùng Moto Z sẽ không gặp quá nhiều vấn đề khi sử dụng chiếc máy này.

     Moto Z Play (trái) dày hơn đôi chút so với Moto Z, nhưng đem đến một thời lượng pin tốt hơn rất nhiều, kèm theo đó là sự trở lại của jack cắm 3.5mm ​

    Moto Z Play (trái) dày hơn đôi chút so với Moto Z, nhưng đem đến một thời lượng pin tốt hơn rất nhiều, kèm theo đó là sự trở lại của jack cắm 3.5mm

    Một điều nghịch lý là tất cả những vấn đề trên đều được giải quyết trên chiếc Moto Z Play. Tuy máy dày hơn một chút so với Moto Z và đạt 7mm, nhưng bù lại, Moto Z Play cho cảm giác cầm nắm tốt hơn, sở hữu jack cắm 3.5mm và thời lượng pin RẤT TỐT, thường xuyên đạt mức 7-8h on screen và có thể dễ dàng sử dụng trong 1-2 ngày. Vậy nên, trong trường hợp bạn hứng thú với chiếc Moto Z, thì hãy cân nhắc chiếc Moto Z Play mặc dù nó sở hữu cấu hình thấp hơn, có mức giá rẻ hơn (9,9 triệu), nhưng theo tôi lại đem lại giá trị tốt hơn rất nhiều chiếc Z.

    Chiếc smartphone dành cho người mạo hiểm

    Moto Z là chiếc smartphone của những ý tưởng mới. Và trong thời điểm mà người dùng đã tỏ ra quá đỗi hài lòng với những gì smartphone của họ làm được, thì thay đổi là điều mà không phải ai cũng có thể thích nghi. Xét cho cùng, chỉ những người con người ưa sự mạo hiểm, chuộng sự mới lạ mới sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn cho một chiếc smartphone với hệ thống module mà sự tương lai vẫn còn bỏ ngỏ. Sự "can đảm" đến từ người dùng Moto Z & Moto Mods càng được trân trọng khi Google và LG - hai nhà sản xuất lớn từng theo đuổi thiết kế module với Project Ara và G5, đều đã chính thức xác nhận sẽ từ bỏ hướng đi này.

     Đây là chiếc smartphone dành cho người mạo hiểm

    Đây là chiếc smartphone dành cho người mạo hiểm

    Cho dù Moto Z có thành công hay không, Lenovo cũng đáng được biểu dương vì đã mang đến một làn gió mới cho thị trường di động, vì đã cho tất cả thấy rằng thời kỳ hoàng kim của những sáng tạo là vẫn còn đó. Với việc là một fan Moto, mặc dù tôi cảm thấy đôi chút hụt hẫng khi cái chất của Moto X trước đây đã không còn hiện hữu trên Moto Z, nhưng cùng lúc đó, tôi cũng cảm thấy rất háo hức khi cuối cùng thì tượng đài một thời đã bừng tỉnh sau một thời gian dài ngủ yên.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày