Sự tăng trưởng của Xiaomi phụ thuộc nhiều vào việc bán các sản phẩm với giá rẻ, cạnh tranh. Khi tiến lên phân khúc cao cấp và bắt buộc phải tăng giá sản phẩm, đi kèm với linh kiện đắt đỏ, Xiaomi chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
*Lược dịch từ ý kiến của nhà báo Doug Young trên SeekingAlpha
Xiaomi đang hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư vào thương vụ sắp tới bằng sự tăng trưởng doanh thu mạnh gần đây. Tuy nhiên, có khả năng công ty sẽ phải mất vài năm để có thể có lợi nhuận vì Xiaomi đang phụ thuộc quá nhiều vào các mẫu sản phẩm giá rẻ, lợi nhuận thấp.
Trong thương vụ IPO lần này của Xiaomi, hầu hết mọi người đều đổ dồn sự chú ý vào chỉ số doanh thu của công ty, tăng trưởng 67,5% vào năm ngoái. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh không phải lúc nào cũng đẹp như mơ, nhất là khi công ty vừa có một khoản lỗ lớn vào năm 2017. Ngoài ra, dữ liệu cho thấy công ty cũng đang bị mắc kẹt trong phân khúc dưới của thị trường smartphone toàn cầu về mặt thương hiệu.
Thương vụ IPO sắp tới của Xiaomi tại Hồng Kông sẽ là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm nay. Điều này cũng cho thấy công ty đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Đa số các nhãn hiệu mà chúng ta có ngày hôm nay đều không phải là thương hiệu cao cấp khi họ mới bắt đầu kinh doanh. Các ví dụ điển hình là các nhà sản xuất điện máy tại Nhật và Hàn Quốc. Khi mới bắt đầu, họ cũng thường là những nhà sản xuất sản phẩm giá rẻ nhưng đáng tin cậy.
Chúng ta hãy cùng nhìn vào bản cáo bạch mới phát hành của Xiaomi. Bản cáo bạch cho thấy doanh thu của Xiaomi đã tăng 67,5% so với năm ngoái, đạt được mức doanh thu là 18,2 tỷ USD. Con số này có phần hơi thấp, do sự trở lại của Xiaomi sau hai năm suy thoái chỉ thực sự bắt đầu vào nửa sau của năm.
Số lô hàng smartphone bán ra đã tăng gần gấp đôi trong quý IV năm ngoái, và có nhiều khả năng là doanh thu của công ty cũng có thể đã tăng gần gấp đôi trong cùng kỳ, mặc dù Xiaomi đã không tiết lộ dữ liệu quý. Thêm vào đó, lượng smartphone mà Xiaomi bán ra đã tăng đến 88% trong quý đầu năm nay. Vì thế, có khả năng là công ty sẽ có tăng trưởng doanh thu khoảng 50% hoặc cao hơn trong năm nay, và điều này thì không phải là điều gì xấu cả.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng doanh thu lại có những tác động lớn đến lợi nhuận. Năm 2017, công ty đã có lỗ ròng đến 44 tỷ nhân dân tệ. Điều này có nghĩa là lỗ ròng của công ty chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của Xiaomi trong năm 2017. Đây là một con số khá cao, nhất là khi Xiaomi hiện đang là một công ty đã trưởng thành, không phải là 1 startup mới mẻ nữa.
Một thực tế đáng ngại nữa là giá bán sản phẩm trung bình của Xiaomi, hiện đang rơi vào khoảng 140 USD. Giá thành rẻ đã khiến sản phẩm của Xiaomi bị xếp vào phân khúc dưới của thị trường. Doanh thu của công ty lại chủ yếu đến dòng smartphone giá rẻ Redmi. Các mẫu điện thoại bán chạy của Xiaomi có giá rơi vào khoảng từ 120 - 140 USD.
Mở rộng ra toàn cầu
Trong bản cáo bạch mới phát hành của Xiaomi vẫn có một vài điểm tích cực: Xiaomi là một trong những nhãn hiệu hi-tech của Trung Quốc đã thành công trong việc mở rộng ra thị trường toàn cầu. Công ty hiện đang bán sản phẩm cho 74 quốc gia và khu vực trên toàn cầu, và nằm trong top 5 nhãn hiệu tại 15 quốc gia. Thị trường thành công nhất của Xiaomi là ở Ấn Độ, nơi mà Xiaomi vượt mặt cả Samsung để trở thành thương hiệu bán chạy nhất thị trường trong năm ngoái, ít nhất là nếu xét về mặt số sản phẩm được bán ra. Thế nhưng, chiến thắng tại Ấn Độ cũng không thể kéo dài thành công của Xiaomi vì thị trường này sẽ rơi vào tình cảnh bão hòa như thị trường Trung Quốc cách đây 2 năm. Trong khi đó, phân khúc giá rẻ nơi Xiaomi đánh bại Samsung lại chính là phân khúc "nhạy cảm" nhất, nơi người tiêu dùng sẵn sàng rời bỏ hãng để đến với một thương hiệu khác.
Vì vậy, cho tới thời điểm này, nếu các nhà đầu tư mà muốn tham gia vào thương vụ IPO lần này của Xiaomi, họ sẽ đều biết rằng đây là một công ty phát triển nhanh nhưng chỉ có lợi nhuận mỏng như dao cạo. Có nhiều khả năng là công ty sẽ vẫn không tạo ra được lợi nhuận trong vòng từ 2 - 3 năm tới. Mặc dù việc các công ty không tạo ra lợi nhuận đôi khi không hề làm các nhà đầu tư chùn bước, lấy ví dụ như trong trường hợp của Amazon và Tesla.
Nhưng để trở thành một người chơi nghiêm túc về lâu về dài, tức là để thực sự đạt được mức lợi nhuận cao, Xiaomi sẽ cần phải bắt đầu chuyển sang sản xuất các thiết bị cao cấp, những sản phẩm mà thường có lợi nhuận béo bở hơn. Vấn đề là ở chỗ, thị trường smartphone là một thị trường chuyển biến rất nhanh, nơi mà danh tiếng của nhãn hàng còn phụ thuộc nhiều vào siêu phẩm mới nhất mà họ sản xuất ra. Trong thị trường này, những siêu sao như Nokia hay Motorola có thể trở thành tàn tích của quá khứ chỉ trong vòng 2 đến 3 năm.
Điều này có nghĩa là, khả năng mà Xiaomi vẫn sẽ còn tồn tại và trở thành một đối thủ đáng gờm trong thị trường này trong 7 đến 8 năm nữa không cao. Nếu các nhà đầu tư mua cổ phiếu của Xiaomi, họ đang chơi một canh bạc thực thụ, và tin tưởng công ty trở thành một thương hiệu lớn, chuyên bán các mẫu smartphone cao cấp. Điều này thực sự khó.
Do vậy nhiều nhà đầu tư sẽ chọn bỏ qua thương vụ IPO lần này của Xiaomi và đợi một vài năm, cho đến khi các dấu hiệu trở nên rõ ràng rằng công ty có đủ thực lực để tồn tại trong thị trường này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"