Mua iPhone X ở Việt Nam quá sướng, ở Nga tôi đã phải mời cả cảnh sát đến mà cửa hàng vẫn không chịu bán đây này! (P2)

    PnM,  

    Khách hàng đã viết đơn khiếu nại gửi tới Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nga, kèm cả đoạn video ghi lại cảnh nhân viên của “Euroset” từ chối bán chiếc iPhone X.

    *Đọc phần I tại đây

    15 giờ 30 phút

    Một cô cảnh sát khu vực tới, cả đoàn chúng tôi một lần nữa lại vào cửa hàng Euroset và định ghi lại diễn biến sự việc bằng camera. Quản lý cửa hàng gần như nhảy bổ vào chúng tôi và nạt nộ: “Bỏ ngay máy quay xuống, tại sao các người lại quay chúng tôi chứ hả?”. Thôi được rồi, chúng tôi cũng không muốn gây náo loạn làm gián đoạn tới việc điều tra của cô cảnh sát nên chỉ ghi âm lại cuộc đối thoại mà thôi.

    Xin trích dẫn một phần nội dung như sau: chúng tôi (CT) – cảnh sát khu vực (CS) - nhân viên Euroset (NV):

    (NV) Quản lý cấp cao ra chỉ thị là “không có bảo hiểm thì không bán”. Chỗ chúng tôi hàng về toàn theo đơn đặt trước mà thôi.

    (NV) Nếu khách hàng muốn đặt hàng thì có thể thực hiện online trên web.

    (CT) Thế có nghĩa là không thể đến thẳng đây và mua trực tiếp hay sao?

    (NV) Được chứ, tại sao lại không? Nếu hàng không bị đặt trước thì các vị hoàn toàn có thể. Cả hai chiếc ban nãy đều là hàng đặt trước. Nếu khách hàng chỉ muốn mua điện thoại “trần” (không kèm theo gì cả) thì cũng có thể đặt online và đợi y như vậy.

    (NV) Tôi có thể bán mà. Hãy xem này, ngay cả chiếc iPhone 8 cũng về hàng cùng với gói bảo hiểm giá 13.900 rúp (5,4 triệu VND).

    (CT) Thế cuối cùng thì các người nhất quyết không chịu viết bằng văn bản lý do từ chối bán điện thoại à?

    (NV) Không (thực tế là vẫn phải viết).

    (CT) Lúc chúng tôi đến thì các vị nói là điện thoại sẵn hàng trong kho.

    (NV) Đúng, có trong kho.

    (CT) Thế tại sao chúng tôi không thể mua được?

    (NV) Bởi vì chúng là hàng đặt trước và có kèm gói bảo hiểm.

    (CT) Nếu đúng là hàng đặt trước thì làm sao mà các người bán được cho tôi nữa hả?

    (NV) Vì chúng tôi sẽ lại nhập thêm 1 cái nữa.

    (CT) Các người đã suýt chút nữa thì bán điện thoại cho tôi rồi mà.

    (NV) Không ai định bán cho các vị cả, chúng tôi chỉ cho các vị xem thôi. Tôi có thể cho các vị xem bất kỳ cái điện thoại nào trong cửa hàng này.

    (NV) Còn nếu các vị muốn mua điện thoại “trần” thì vui lòng lên trang web của chúng tôi và đặt mua. Khi nào hàng về thì sẽ có người gọi các vị đến lấy.

    (CS) Thế thì các anh chị phải treo thông báo cho mọi người biết rằng đây là hàng đã được đặt trước chứ!

    (NV) Quản lý không cho phép chúng tôi treo hay dán bất cứ thông tin quảng cáo gì cả.

    (CS) Trong bất cứ trường hợp nào các vị cũng phải thông báo, kể cả in chữ nhỏ.

    (NV) Chúng tôi không thể, chúng tôi có cái gì thì đúng là có cái đó mà thôi.

    (CT) Khoan đã, nếu giờ chúng tôi ra khỏi cửa hàng, đặt hàng online trên trang web của các người và quay lại thì sao, bởi vì đúng là các người đang có hàng ở đây mà.

    (NV) Hàng sẽ được nhập về, khi nào có người gọi thì mời các vị đến nhận cho.

    (CT) Vì lẽ gì mà lại thế? Ở đây sẵn hàng cơ mà?

    (NV) Cái gì mà sẵn hàng cơ? Sẵn hàng chỉ toàn kèm với gói bảo hiểm thôi.

    (CT) Tại sao các vị bày loại hàng mà rõ ràng là không thể mua được?

    (NV) Chúng tôi bày (iPhone X) ra đây để cho mọi người thấy là chúng tôi có hàng, và để mọi người đặt hàng trước.

    (CT) Đặt hàng trước trong cửa hàng của các người ý hả?

    (NV) Đúng rồi

    Kết quả là họ không bán điện thoại cho chúng tôi, còn nhân viên thì buộc phải viết bản tường trình cho cảnh sát. Cô cảnh sát khu vực cũng yêu cầu chúng tôi cam kết là “không nộp đơn ở sở cảnh sát mà sẽ đến trình bày ở Hội bảo vệ người tiêu dùng Nga”. Cách duy nhất để mua được một chiếc điện thoại “dự trữ” từ kệ hàng là chấp nhận bỏ thêm tiền cho gói bảo hiểm của Euroset.

    15 giờ 45 phút

    Chúng tôi nói lời cảm ơn tới cô cảnh sát khu vực, và thử mua chiếc iPhone X từ “Svyaznoy”. Trên kệ có sẵn hàng, và giá thì đúng như niêm yết - 79.990 rúp (30,9 triệu VND).

    Chúng tôi đã có ý muốn nhượng bộ và sẵn lòng mua kèm một số phụ kiện nào đó chẳng hạn.

    - Chúng tôi hiểu là các vị sẽ không đồng ý “chỉ cứ thế mà bán” iPhone X, đúng không.

    - Vâng, đúng thế.

    - Thế giả sử chúng tôi không muốn mua gói bảo hiểm thì có thể mua kèm phụ kiện không, kiểu như AirPods chẳng hạn?

    - Tôi sẽ hỏi lại xem

    Người bán hàng đi vào hỏi han một lát rồi quay trở ra.

    - Không được, chúng tôi chỉ bán điện thoại kèm gói bảo hiểm thôi.

    - Tại sao thế?

    - Vì nó đi kèm với gói bảo hiểm.

    Thế là đã rõ, tại trung tâm thương mại Atmosphere chắc chắn chúng tôi không thể mua được iPhone X rồi.

    Thế nhưng chúng tôi không nản chí mà quyết định đến City Mall ở Pionerskaya với hy vọng tìm thấy iPhone X ở đó.

    17 giờ 00

    Cửa hàng “Svyaznoy” ở đây không có iPhone X, nhưng thật may là trong cửa hàng của nhà mạng MTS có 2 chiếc iPhone X 64 GB với 2 màu khác nhau.

    Cuộc trò chuyện với tư vấn viên cũng diễn ra tương tự như buổi sáng:

    - Chúng tôi có thể mua iPhone X ở đây phải không?

    - Theo tôi nhớ thì iPhone X chỉ có thể được mua kèm với phụ kiện (tối thiểu là 5000 rúp – khoảng 2 triệu VND)

    - Thế nếu mua kèm với AirPod thì sao?

    - Vâng, thế thì được. Chậm nhất là chiều tối nay các anh sẽ nhận được hàng.

    - Ủa, thế tóm lại thì làm sao để mua được iPhone X đây?

    - Ví dụ là các anh đến đây, để lại số điện thoại và chúng tôi sẽ gọi cho các anh ngay khi hàng về, và trong vòng 2 giờ đồng hồ các anh phải tới để mua.

    - Và cứ nhất thiết là phải mua kèm phụ kiện?

    - Vâng.

    - Vậy các người giải thích điều này theo luật bảo vệ quyền của người tiêu dùng như thế nào đây? Tôi chỉ cần mỗi điện thoại thôi.

    - Vâng, tôi rất hiểu mà, thế nhưng chỗ chúng tôi thì iPhone X là theo chương trình rồi, không bán riêng điện thoại.

    - Tức là chương trình của các người có điều khoản hạn chế, và không chịu cứ thế mà bán như bình thường hả?

    - Vâng, thành thật xin lỗi.

    Quá tam ba bận, chúng tôi đồng ý với các điều khoản vô lý, trái luật pháp để mua iPhone X và cả AirPods. Tổng thiệt hại là 91.880 rúp – 35,8 triệu VND.

    Kết luận và hành động tiếp theo

    Thế là đã rõ như ban ngày: các chuỗi cửa hàng điện thoại, và thậm chí là cả nhà mạng ở thành phố St Petersburg đang trắng trợn và táo tợn ép buộc khách hàng phải mua gói bảo hiểm cho thiết bị.

    Trên web của “Svyaznoy” chỉ có thể mua được iPhone X khi đăng ký mua thêm dịch vụ bổ sung, còn không thì trang này chuyển tới mục cho đặt hàng trước nhưng không có thời gian nhận hàng, trong khi “Euroset” và nhà mạng “MTS” thì chỉ cho đăng ký đặt mua iPhone X.

    Chúng tôi đã viết đơn khiếu nại gửi tới Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nga, kèm cả đoạn video ghi lại cảnh nhân viên của “Euroset” từ chối bán điện thoại.

    Nội dung đơn khiếu nại như sau:

    Ngày 13 tháng 11 năm 2017 tại St Petersburg

    Ở quảng trường Commandant, nhà số 1 (Trung tâm thương mại Atmosphere) tại cửa hàng “Euroset” (tầng hầm) vào lúc khoảng 13:00 tôi muốn mua một chiếc điện thoại thông minh iPhone X của phiên bản 256 GB với giá 91.990 rúp (35,8 triệu VND). Chiếc điện thoại đang được trình bày trên kệ, trong kho sẵn hàng và có cả tem giá.

    Người bán từ chối bán cho tôi với lý do là quản lý cấp trên chỉ cho phép bán chiếc điện thoại này kèm với dịch vụ bảo hiểm hoặc phụ kiện bổ sung. Hành động này trực tiếp vi phạm Luật Bảo vệ quyền của người tiêu dùng, cụ thể là Điều 16, khoản 2: “Nghiêm cấm hành vi ép buộc khách hàng khi mua một sản phẩm (dịch vụ) này phải mua thêm hàng hoá (sản phẩm, dịch vụ) khác.”

    Xin hãy tiến hành kiểm tra cửa hàng này. Tôi gửi kèm theo đây cả đoạn video để làm chứng.

    Nhân viên Euroset từ chối bán hàng, ép phải mua gói bảo hiểm hoặc phụ kiện

    Chúng tôi sẽ đợi quyết định của Cơ quan Liên bang. Và cũng thật tò mò, không hiểu Apple nghĩ gì về tình huống này nhỉ?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ