Có vẻ như tửu lượng của những con muỗi khá cao.
Theo tài liệu của Hiệp hội Kiểm soát Muỗi Hoa Kỳ, những con muỗi thích đốt những người đã uống rượu, bia hoặc các loại đồ uống có cồn nói chung. Một nghiên cứu nhỏ trên 13 đối tượng cho thấy chỉ cần bạn uống xong một chai bia, lũ muỗi đã bị thu hút.
Nhưng tại sao những con muỗi lại đánh hơi được những người say xỉn? Có lẽ bởi hai hóa chất mà chúng ta thở ra nhiều hơn khi uống rượu: carbon dioxide (CO2) và octanol. Octanol là một loại rượu thứ cấp được tạo ra từ sự phân hủy axit linoleic, còn được biết đến với cái tên rượu nấm vì đó chính là hợp chất giúp nấm có hương vị đặc trưng của nó.
Nhưng bỏ qua nguyên nhân ấy, có thể còn một câu hỏi khác mà bạn quan tâm: Những con muỗi đốt người uống rượu thì chúng có bị say hay không?
"Tôi đoán câu trả lời là không", Tanya Dapkey, một nhà côn trùng học đến từ Đại học Pennsylvania ở Philadelphia nói. "Vì nồng độ cồn trong máu [những người uống rượu] thường sẽ thấp", cô ấy giải thích.
Nhưng liệu lập luận của Dapkey có đúng? Chúng ta hãy thử tìm kiếm những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, trả lời cho câu hỏi hết sức thú vị này xem sao.
Muỗi có bị say hay không, khi hút máu những người vừa uống rượu?
Trong một bài báo gần đây, nhà côn trùng học Coby Schal đến từ Đại học bang North Carolina, đã chỉ ra: Một người uống 10 ly rượu có thể làm tăng nồng độ cồn trong máu lên ngưỡng 0,2%. Nhưng nếu một con muỗi đến hút máu người đó, hiệu quả sẽ không còn đáng kể.
Những con muỗi chỉ đang uống một lượng cồn nhỏ đến mức, tương đương với việc pha loãng đi 25 lần, nghĩa là nồng độ cồn giờ chỉ còn 1/25 so với ban đầu. Đó là vì quá trình tiến hóa đã đem đến lợi thế về mặt tửu lượng cho chúng.
Trong cơ thể những con muỗi có một túi tiêu hóa riêng, chứa nhiều enzyme được sử dụng để phân giải tất cả các chất lỏng khác không phải máu. Nhiều khả năng rượu sẽ bị trung hòa ở túi tiêu hóa này, trước khi kịp tấn công vào hệ thần kinh của muỗi khiến chúng say.
"Rất nhiều loài côn trùng trưởng thành có túi tiêu hóa này, cho phép chúng lưu trữ tất cả chất lỏng mà chúng hút vào người rồi mới xả dần ra để tiêu hóa", Erica McAlister, nhân viên cao cấp tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London cho biết. "Trong chiếc túi đó, các enzyme sẽ phân giải mọi thứ có hại - như rượu và vi khuẩn".
McAlister là tác giả cuốn sách "The Secret Life of Flies", trước đây từng nghiên cứu về tác dụng của rượu đối với ruồi giấm. Những con côn trùng nhỏ bé này bị thu hút mạnh mẽ bởi những loại trái cây khi chúng đã bị hỏng và lên men thành rượu.
"Tôi không biết lũ muỗi có bị say không, nhưng chúng ta thấy ruồi giấm thì có", McAlister nói. "Chúng có bị say rượu nhưng tửu lượng của chúng rất cao". Sau khi hút quá nhiều chất cồn vào cơ thể, những con ruồi tỏ ra hiếu động hơn, dễ tán tỉnh hơn và không còn kén chọn bạn tình.
Và khi uống đến mức quá say, những con ruồi cũng lăn ra bất tỉnh.
Khoảng 20% dân số thế giới mang các đặc điểm khiến họ dễ bị muỗi đốt hơn.
Trên thực tế, những con muỗi cũng thích ăn trái cây hỏng, trong đó có rượu đã lên men. Chúng ta biết chỉ có muỗi cái mới hút máu nhằm có được protein cần thiết khi chúng cần tạo trứng. Muỗi đực thì ăn mật hoa để lấy năng lượng tồn tại. Mật hoa này đôi khi cũng có thể lên men với một lượng nhỏ rượu trong đó.
Nhưng Dapkey nghi ngờ khả năng thu hút muỗi của những người tiêu thụ rượu và đồ uống có cồn.
Một số người có gen di truyền khiến muỗi thích đốt họ hơn những người khác, cô giải thích. Khoảng 20% dân số thế giới mang các đặc điểm khiến họ dễ bị muỗi đốt hơn. Một trong số đó là nhóm máu: Nghiên cứu cho thấy những người có nhóm máu O có khả năng bị muỗi đốt gấp đôi so với những người có nhóm máu A.
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm thân nhiệt cao, phụ nữ mang thai (có thể cũng liên quan đến nhiệt độ cơ thể), những người thở ra nhiều carbon dioxide và những người có thân hình to lớn.
Muỗi cũng rất kén chọn vị trí khi chúng quyết định đâm cái vòi hút xuyên qua da bạn. Điều này tùy vào từng loài, có loài muỗi thích đốt dưới chân và bàn chân, trong khi những loài khác thích hút máu ở cổ và mặt của bạn, có thể do chúng phát hiện ra carbon dioxide thở ra từ miệng và mũi của bạn.
"Tôi từng đến Costa Rica và bị muỗi đốt dưới bàn chân", Dapkey nhớ lại trong sự phẫn nộ. Cái cảm giác đó, bất ngờ và khó chịu, có thể bạn cũng từng bị.
80% dân số sẽ chưa phải gãi ngứa quá nhiều khi mới uống 1 lon bia.
Trở lại với nghiên cứu của Hiệp hội Kiểm soát Muỗi Hoa Kỳ, ethanol mà chúng ta tiết ra trong mồ hôi sau khi uống rượu có thể là tín hiệu hóa học thu hút lũ muỗi. Một nghiên cứu tương tự, lần này với 18 đối tượng ở Burkina Faso năm 2010, cũng phát hiện ra muỗi bị thu hút bởi những người đã uống rượu.
Vậy là chất ethanol trong rượu mà bạn uống – thứ sẽ được bài tiết một phần qua mồ hôi - có thể là tín hiệu báo hiệu cho lũ muỗi biết đang có một bữa ăn gần đó dành cho chúng.
Nhưng theo McAlister, yếu tố chính nhất thu hút sự chú ý của lũ muỗi có lẽ là gen di truyền của bạn. Cho nên, nếu không may rơi vào 20% dân số dễ bị muỗi đốt, thì dù bạn có kiêng bia kiêng rượu đến cỡ nào lũ muỗi cũng sẽ tìm đến.
Ở mặt tích cực còn lại, 80% dân số sẽ chưa phải gãi ngứa quá nhiều khi mới uống 1 lon bia.
Tham khảo BBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời