Muốn bán kính Vision Pro, Apple có thể gặp khó vì một nhãn hiệu đang thuộc sở hữu của Huawei?
(Tổ Quốc) - Apple nhiều khả năng sẽ buộc phải đổi tên Vision Pro ở thị trường Trung Quốc trừ khi họ có thể đồng ý với một thỏa thuận với Huawei.
Apple đang đứng trước nguy cơ buộc phải đôi tên mẫu kính thực tế ảo hỗn hợp Vision Pro trị giá 3499 USD tại thị trường Trung Quốc. Theo đó, Huawei đã được cấp thương hiệu "Vision Pro" tại Trung Quốc vào ngày 16/5/2019 – tức từ cách đây hơn 4 năm.
Thương hiệu Vision Pro của Huawei được liệt kê theo số đăng ký 38242888, cho phép tập đoàn công nghệ này được độc quyền sử dụng trong vòng 10 năm, từ 28/11/2021 đến 27/11/2031.
Theo thông tin từ trang MyDriver, đây không phải là một động thái Huawei cố tình thực hiện để 'chơi xấu' Apple. Trên thực tế, tập đoàn công nghệ này của Trung Quốc đã có một sản phẩm dưới tên Vision bao gồm kính thông minh và TV thông minh. Do dòng sản phẩm này đã được ra mắt rất lâu trước khiVision Pro được quảng cáo ở Trung Quốc, nên Apple sẽ buộc phải đổi tên Vision Pro ở thị trường này trừ khi họ có thể đồng ý với một thỏa thuận với Huawei. Theo kế hoạch, Vision Pro sẽ chỉ được Apple ra mắt vào đầu năm tới tại Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple rơi vào tình huống này. Vào năm 2012, Apple đã buộc phải trả 60 triệu USD cho một công ty có tên Proview để sử dụng tên iPad ở Trung Quốc. Đây được coi là một thỏa thuận 'khá hời' của Apple, khi Proview ban đầu yêu cầu tới 2 tỷ USD cho quyền sử dụng đối với cái tên này.
Đáng nói, động thái phải trả tiền nói trên đến từ một sai sót của Táo khuyết. Trước đó, Apple đã mua quyền sử dụng đối với tên gọi iPad với văn phòng Proview của Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, Apple lại…'quên' không mua quyền sử dụng thương hiệu iPad ở Trung Quốc đại lục từ Proview, dẫn đến việc hãng này buộc phải chi tiền để giải quyết êm thấm.
Lật ngược lại dòng thời gian, vào 21/12/2007, gần sáu tuần sau khi iPhone được Steve Jobs công bố, Apple đã phải trả cho Cisco một khoản tiền ước tính từ 25 triệu đến 50 triệu USD để sử dụng tên iPhone.
Đối với "khoản đầu tư" đó, cả Apple và Cisco đều đồng ý cho phép mỗi công ty gọi sản phẩm tương ứng của họ là iPhone, trong khi tất cả các vụ kiện đang chờ xử lý đều bị bãi nại. Cisco đã có được nhãn hiệu iPhone khi mua lại infoGear vào năm 2000. Bản thân infoGeam đã đăng ký nhãn hiệu này vào năm 1996.
Cisco đã đệ đơn kiện vào ngày 10/1/2007, một ngày sau khi Steve Jobs và Apple giới thiệu một mẫu điện thoại thông minh có màn hình cảm ứng. Thật thú vị, iPhone của infoGear là một chiếc điện thoại để bàn có tích hợp trình duyệt internet, có thể gửi và nhận email.
Tham khảo PhoneArena
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Apple chính thức mở bán Mac mini M4 tại Việt Nam: Chip M4 và M4 Pro, RAM khởi điểm 16GB, giá ưu đãi từ 12.5 triệu đồng
Người dùng hiện sẽ phải chờ khoảng 2 đến 3 tuần để nhận máy.
Cầm Sony 85mm F/1.4 GM II giá 50 triệu du hí bắc Thái Lan và đây là những gì tôi chụp được