Muốn biết đế chế Disney lớn mạnh như thế nào, hãy nhìn vào cách họ thao túng Internet để bảo vệ bộ phim Captain Marvel
Người có tiền, có quyền luôn là người đúng! - đó là lý lẽ của Disney.
Mình là một fan Marvel, một người đã từng tham gia dịch những bộ truyện của hãng sang tiếng Việt để những người hâm mộ nước nhà có thể thưởng thức, một người đã theo dõi tất cả những bộ phim trong Vũ trụ MCU và cả những bộ phim Marvel hợp tác với Fox hay Sony.
Thế nhưng, qua những tranh cãi xung quanh bộ phim Captain Marvel vừa được công chiếu ngày 8 tháng 3 vừa qua, mình cảm thấy thất vọng về hãng và cho rằng nếu không thay đổi, thì bộ phim này chính là dấu mốc đánh dấu sự đi xuống của Marvel.
Brie Larson - diễn viên thủ vai nhân vật chính trong bộ phim Captain Marvel
Câu chuyện bắt đầu từ khi bộ phim còn chưa được công chiếu, cư dân mạng bỗng nổi sóng vì Captain Marvel, nhưng không phải về nhân vật chính, không phải vì cốt truyện hay các kĩ xảo mà lại xoay quanh nữ diễn viên chính thủ vai Captain Marvel là Brie Larson. Tại giải thưởng Crystal Award cuối 2018, cô có một bài phát biểu dài nói về những suy nghĩ của mình về tình hình của ngành phim ảnh hiện nay và những khó khăn của bản thân.
Theo cô, giới đánh giá phim và những người đi xem phim hiện nay đa phần là đàn ông da trắng, chính vì vậy tạo ra sự mất cân bằng giới. Theo cô, vì lí do này mà những bộ phim có nhân vật chính là nữ bị đánh giá thấp hơn những bộ phim có nam giới. Và cũng theo cô, chính vì vậy mà công việc của cô - một người phụ nữ làm trong ngành điện ảnh trở nên khó khăn hơn.
Việc kêu gọi bình đẳng giới không bao giờ là sai, và việc khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào việc đi xem và bình luận phim là một điều rất nên làm. Song, cách phát biểu của Brie Larson là hoàn toàn sai, khi cô phủ nhận sự hiện diện, phủ nhận kinh nghiệm nhiều năm của những nhà bình luận phim nam, nói rằng "có những bộ phim không được làm ra để cho các anh xem đâu".
Bài 'diễn văn' của Brie Larson tại Crystal Award 2018
Một trong những điểm làm người xem thích thú với những bộ phim của Marvel, đó là chúng được làm ra để tất cả mọi người cùng thưởng thức, bất kể độ tuổi, bất kể giới tính, bất kể định hướng chính trị xã hội của họ. Thế nhưng trước khi công chiếu, nữ diễn viên chính của bộ phim bom tấn của hãng lại công khai chê bai cả một cộng đồng lớn, nói rằng ý kiến của họ về phim của mình là không có giá trị, cần phải "thay thế họ bằng phụ nữ hoặc người da màu để đảm bảo sự công bằng".
Người dùng cũng không tốn thời gian để bày tỏ sự khó chịu của mình, lập tức lên trang Rotten Tomatoes và ghi rằng mình không muốn xem phim này. Xin nhắc lại một lần nữa, đây là điểm "Want to see" - cho biết người dùng có muốn đi xem hay không, chứ không phải là điểm đánh giá cuối cùng như những gì báo giới đã nói trước đây. Và ngay lập tức, bằng 'một phép màu nào đó' mà ngay hôm sau, trang Rotten Tomatoes đã xóa bỏ điểm này.
Không nghi ngờ gì nữa, Marvel - và đứng sau đó là 'đế chế chuột Mickey - Disney' đã có nhúng tay để trang này đi tới quyết định đó. Rotten Tomatoes từ trước tới nay nổi tiếng là một trang đánh giá rất dân chủ dành cho cả các nhà đánh giá chuyên nghiệp và người dùng, nhưng một khi công chúng nói lên ý kiến của mình về một bộ phim quan trọng của Marvel thì bỗng dưng phải đổi cả chính sách để bảo vệ nó.
Điều này tiếp tục xảy ra 1 lần nữa sau khi bộ phim đã được trình chiếu. Trong chỉ một vài ngày đã có tới hơn 58.000 lượt đánh giá phim Captain Marvel, cho điểm tổng kết của bộ phim chỉ rơi vào 33% - tức rất tệ cho một bộ phim MCU. Vậy mà sau 1 đêm, số lượt đánh giá này giảm chỉ còn hơn 4000, tức hãng đã đích thân xóa tới 54.000 lượt đánh giá của người dùng. Điều trớ trêu là sau khi xóa từng đó đánh giá, điểm của bộ phim chỉ tăng lên 3%!
Số điểm này hiện nayđã tăng lên tới 59%, nhưng nếu ta đào sâu thêm thì có thể thấy một điểm lạ nữa:
Những bài đánh giá tích cực của phim Captain Marvel như được tạo ra bởi bot, vì có nội dung y hệt nhau! Liệu rằng Disney có đang trả tiền cho hàng trăm người dùng để họ đánh giá tốt bộ phim của mình? Điều này là rất khả thi. Song, 58% vẫn là một số điểm rất thấp dành cho Captain Marvel khi đem nó so sánh với các bộ phim khác của Marvel.
Điểm đánh giá của người dùng là không hề đáng tin, nhưng đến điểm của những chuyên gia cũng...khó có thể tin được. Mới đây, Dany Roth - một nhà đánh giá phim chuyên nghiệp của trang SyFy Wire đã lên tiếng thừa nhận rằng đã cố tình đánh giá phim Captain Marvel tích cực để có thể tiếp tục xem những buổi công chiếu sớm và hưởng các quyền lợi khác đối với những người đánh giá phim của Marvel. Đến cả những người đánh giá chuyên nghiệp còn phải khiếp sợ Marvel và Disney!
Không dừng lại ở đó, Youtube là trang mạng tiếp theo bị ảnh hưởng bởi vụ việc này. Theo người dùng Twitter Julia Alexander, trang chia sẻ video đã phải thay đổi thuật toán của mình để thay thế những kết quả khi người dùng tìm kiếm từ khóa 'Brie Larson'. Thay vì hiện lên các bài bình luận của người dùng về những điều gây tranh cãi của cô, và cả các bài đánh giá bộ phim Captain Marvel thì nay những kết quả hiện ra đều từ những trang tin lớn như Entertainment Tonight, ABC, CBS và CNN.
Cư dân mạng tất nhiên là không hài lòng! Trích lời một người dùng Reddit:
Việc thay đổi chính sách Youtube để biến tên của 'Brie Larson' thành một 'chủ đề tin tức', chỉ hiện những kênh truyền thông lớn là cách để hãng có thể quảng cáo bộ phim của mình hiệu quả nhất. Các video đánh giá của người dùng cũng vì vậy mà bị đẩy xuống sâu hơn trong các kết quả tìm kiếm...
... Những chủ đề như chính trị, các thảm kịch tự nhiên, các sự kiện lớn mới nên được gọi là các 'chủ đề tin tức'. Một khi bạn áp dụng đặc quyền này cho những thứ khác, nhất là để những công ty lớn như Disney dùng để trục lợi thì bạn đã bắt đầu thao túng nhận thức người dùng, một thứ rất dễ để lạm dụng.
Liệu rằng Captain Marvel có thành công hay không? Tất nhiên là có! Trong tuần đầu công chiếu, phim đã thu về số liền lên tới 455 triệu USD. Nhưng liệu sự thành công này có đồng nghĩa với việc đây là một bộ phim hay hay không? Tất nhiên là không. Chỉ cần tìm những bài đánh giá trên Youtube, ta cũng có thể thấy một 'khuôn mẫu' chung đó là tất cả mọi người đều cho đây là một bộ phim 'trung bình', có quá nhiều chi tiết khó hiểu và thậm chí bất hợp lý.
Cá nhân mình cũng cho rằng, Captain Marvel không tệ hại, song cũng khó có thể đạt được tiêu chuẩn của những bộ phim trước đó. Phim có quá nhiều yếu tố khác với nguyên gốc (truyện) và cũng có kha khá những chi tiết kêu gọi nữ quyền (một cách bất hợp lý). Bộ phim này thành công đơn giản vì Marvel đã quá lớn, họ có đội ngũ quảng cáo hùng hậu, len tới từng hàng cùng ngõ hẻm, dù phim có không thành công như những bộ phim khác thì cũng đem về số tiền vô cùng lớn.
Điều này có nghĩa là người xem (trong đó có mình) ghét các bộ phim siêu anh hùng nữ hay siêu anh hùng da màu? Không hề! Hãy nhìn vào sự thành công của Wonder Woman và Black Panther để thấy được rằng, không bất cứ ai phản đối nữ giới hay người da màu trong phim, chỉ cần chúng là những bộ phim hay là được.
Mong rằng Marvel sau vụ việc này sẽ hiểu được rằng: Đừng ép chính trị xã hội (Social politics) vào những bộ phim siêu anh hùng một cách bất hợp lý. Hãy để những phim giải trí mang tính giải trí vui vẻ, chứ không trở thành những bộ phim 'giảng đạo' người xem.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI