Mỹ xác nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Vũ Hán, WHO cân nhắc ban hành "tình trạng khẩn cấp quốc tế"

    zknight,  

    Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ sẽ họp khẩn vào thứ Tư này để quyết định xem có nên ban bố Tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) hay không.

    Virus Vũ Hán, hay còn gọi là 2019-nCoV hoặc chủng coronavirus gây ra bệnh phổi bí ẩn ở Trung Quốc bây giờ đã lan tới Mỹ: Nhà chức trách Hoa Kỳ hôm nay đã xác nhận thông tin một người đàn ông 30 tuổi sống ở hạt Snohomish, phía bắc thành phố Seattle tiểu bang Washington đã nhiễm virus sau khi đến Trung Quốc và trở về nhà.

    "Chúng tôi đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm coronavirus mới ở Hoa Kỳ", bà Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm Miễn dịch và Bệnh hô hấp Quốc gia của CDC nói với các phóng viên.

    Đại diện sở y tế Washington nói rằng người đàn ông này đang được cách ly nghiêm ngặt, và mối đe dọa đối với việc dịch bệnh lan rộng ở Mỹ vẫn còn thấp. Bởi được phát hiện và điều trị sớm, hiện sức khỏe của bệnh nhân người Mỹ vẫn còn tốt.

    Người đàn ông không hề thể hiện các triệu chứng nặng nào, ông ấy nhập viện chỉ để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, Chris Spitters, nhân viên y tế của Trạm Y tế Snohomish, cho biết.

    Mỹ xác nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Vũ Hán, WHO cân nhắc ban hành tình trạng khẩn cấp quốc tế - Ảnh 1.

    Mỹ xác nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Vũ Hán

    Virus Vũ Hán hay 2019-nCoV đã bùng phát ở Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái, có thể bắt đầu từ một chợ hải sản ở Vũ Hán, thành phố đông dân nhất ở miền trung Trung Quốc. 

    Khi được hỏi, bệnh nhân người Mỹ nói rằng anh ta không đi bất kỳ khu chợ nào ở Trung Quốc và anh cũng không để ý mình có gặp ai mắc bệnh hay có triệu chứng nhiễm virus hay không.

    Cho đến nay, virus đã lây nhiễm khoảng 440 người và giết chết 9 người ở Trung Quốc. Nó cũng đã lan sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan.

    CDC cho biết họ dự đoán ​​các ca bệnh tiếp theo sẽ còn được phát hiện tại Mỹ. Trong khi đó, nhà chức trách Trung Quốc hôm qua đã xác nhận rằng chủng coronavirus mới này có thể lây truyền từ người sang người.

    Các trường hợp mắc virus Vũ Hán bên ngoài Trung Quốc làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ một đại dịch toàn cầu sẽ bùng phát. Nhất là trong thời điểm Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc, khi hàng trăm triệu người sẽ đi du lịch vào bắt đầu từ thứ Bảy này và kéo dài đến ngày 8/2.

    Mỹ xác nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Vũ Hán, WHO cân nhắc ban hành tình trạng khẩn cấp quốc tế - Ảnh 2.

    Các quốc gia và khu vực xác nhận bệnh nhân lây nhiễm virus Vũ Hán, cập nhật đến ngày 21/1

    Các nước đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus

    Virus Vũ Hán lây nhiễm trên người có thể gây ra một số triệu chứng bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu và đau họng. Một số ít bệnh nhân nói rằng họ bị khó thở.

    Chủng virus mới gây ra căn bệnh chưa từng được phát hiện từ trước đến nay. Các nhà khoa học chỉ biết rằng nó thuộc họ coronavirus, một nhóm lớn virus thường ảnh hưởng đến đường hô hấp. Coronavirus có thể gây ra nhiều bệnh từ nhẹ cho tới nặng bao gồm cảm lạnh thông thường, viêm phổi và hội chứng hô hấp cấp tính nặng và có thể gây tử vong.

    Trước đây, một chủng virus thuộc họ corona là virus SARS cũng đã từng bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 11 năm 2002, lây nhiễm 8.000 người và giết chết 774 bệnh nhân trong số đó. SARS đã biến thành một đại dịch toàn cầu khi nó lan sang hàng chục quốc gia ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu và Châu Á.

    Nghiên cứu gần đây cho thấy virus SARS có thể đã lây sang người từ loài dơi móng ngựa.

    Mỹ xác nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Vũ Hán, WHO cân nhắc ban hành tình trạng khẩn cấp quốc tế - Ảnh 3.

    Công tác sàng lọc hành khách bằng máy đo thân nhiệt đang được triển khai ở các sân bay trên thế giới.

    Cho đến ngày Thứ Ba, Hoa Kỳ vẫn đang tiến hành sàng lọc hành khách đến từ Trung Quốc tại 3 sân bay lớn của họ là Sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, Sân bay Quốc tế San Francisco và Sân bay Quốc tế Los Angeles.

    Sau khi ca bệnh đầu tiên nhiễm virus Vũ Hán được xác nhận, Mỹ sẽ tiến hành công tác này tại hai sân bay nữa là Sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta và Sân bay Quốc tế Chicago O'Hare.

    CDC cho biết các chuyến bay từ Vũ Hán vào Mỹ bắt buộc phải được chuyển hướng tới các sân bay này

    Tại Hồng Kông, Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc, nhà chức trách cũng đang kiểm tra chặt chẽ hành khách đến từ Trung Quốc.

    Mỹ xác nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Vũ Hán, WHO cân nhắc ban hành tình trạng khẩn cấp quốc tế - Ảnh 4.

    Nhà chức trách Trung Quốc hôm qua đã xác nhận rằng chủng coronavirus mới này có thể lây truyền từ người sang người.

    Scott Lindquist, một nhà dịch tễ học ở Washington, cho biết bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên ở Mỹ có thể đã trở về nước trước khi công tác kiểm dịch được tiến hành. Anh ấy đã hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Seattle-Tacoma.

    Người đàn ông không biểu hiện bất kỳ một triệu chứng nào khi đi du lịch, Giám đốc Sở Y tế Washington John Wiesman nói với các phóng viên.

    Vào Chủ nhật, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng cường công tác kiểm dịch trong dịp Tết Nguyên Đán và theo dõi chặt diễn biến của dịch bệnh. Virus vẫn đang trong tầm kiểm soát và có thể phòng ngừa được, nhà chức trách Trung Quốc nhấn mạnh.

    Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ sẽ tổ chức một phiên họp khẩn vào thứ Tư này để quyết định xem có nên ban bố Tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) hay không.

    Tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng sẽ được ban hành khi một cuộc khủng hoảng y tế vượt qua biên giới nhiều nước, để biến thành một khủng hoảng y tế công cộng mang tính toàn cầu. 

    Theo WHO, PHEIC phải được tuyên bố khi có tình huống "bất thường", "có rủi ro sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác từ sự lây lan của dịch bệnh",  "đòi hỏi một phản ứng đồng bộ của quốc tế" trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.

    Các quy định về PHEIC được xây dựng sau đợt dịch SARS bùng nổ vào năm 2003 và thông qua bởi 194 quốc gia vào năm 2005. Từ đó tới nay, mới chỉ có 5 lần WHO tuyên bố PHEIC cho các đại dịch: cúm lợn H1N1 năm 2009, bại liệt năm 2014, Ebola năm 2014, Zika năm 2015 và một đợt tái bùng phát Ebola năm 2019. 

    Tham khảo Businessinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ