Na Uy đặt mục tiêu 2025 sẽ chỉ bán toàn xe điện, tham vọng xóa bỏ nhu cầu sở hữu xe của người dân
Xe điện ở Na Uy không phải chịu thuế, được miễn phí phát thải, phí bảo trì đường, miễn phí chỗ đỗ ở bãi xe công cộng hay thậm chí là được phép chạy vào làn xe buýt.
Không nơi nào ở châu Âu có thể bắt gặp nhiều xe điện chạy trên đường nhiều như ở thủ đô Oslo (Na Uy). Đây không khác gì thủ phủ của những chiếc xe chạy điện từ Tesla - một trong những dòng xe giá cao - cho đến rất nhiều các thương hiệu xe điện khác.
Một bãi đỗ xe ở thủ đô Oslo (Na Uy) với rất nhiều ô tô điện
Na Uy đặt một mốc thời gian khá gần – năm 2025 – là phải hoàn thành mục tiêu "tất cả xe hơi mới được bán ra sẽ là xe chạy điện". Đây có thể nói là mục tiêu tham vọng nhất thế giới hiện nay nếu đem so sánh với một vài nước phát triển ở gần như là Đan Mạch (đặt mốc sau 2030) hay là nước Anh (tới 2040). Thế nhưng, để việc phổ biến xe hơi chạy điện ở Na Uy đạt được hiệu quả như hiện nay thì chính phủ không chỉ dựa vào thái độ tự giác của người dân về các lợi ích với môi trường mà họ còn sử dụng một biện pháp đơn giản nhiều - đó là lợi ích tài chính.
Năm 1989, Frederic Hauge - tổng giám đốc tổ chức bảo vệ môi trường Bellona - là người đầu tiên nhập khẩu một chiếc ô tô điện về chạy ở Na Uy. Chỉ 30 năm sau, đến cuối 2018, tổng số xe điện ở đây đã đạt gần 300.000 xe trên tổng số dân chỉ hơn 5 triệu người.
Ông cho biết: "Gần đây chính phủ có nhiều chính sách đặc biệt để khuyến khích xe chạy điện. Khác với xe bình thường, xe điện sẽ không bị áp thuế nhập khẩu và thuế VAT 25%. Người dân đi xe điện cũng sẽ được miễn nhiều loại thuế phí khi di chuyển trên đường như: phí phát thải, phí bảo trì đường, miễn phí chỗ đỗ ở bãi xe công cộng hay thậm chí là được phép chạy vào làn xe buýt. Các chính sách khuyến khích này khiến cho việc mua và chạy một chiếc xe điện rẻ đi rất nhiều".
Một phần trong chiến lược phát triển xe điện là đầu tư về hạ tầng. Trong những năm gần đây, Na Uy tập trung xây rất nhiều bãi gửi xe kết hợp sạc điện để tạo sự tiện lợi và khuyến khích thói quen sử dụng xe điện cho người dân. Họ thậm chí còn có tham vọng lớn hơn nữa là làm giảm cả nhu cầu sở hữu ô tô cá nhân của người dân.
Ông Eric Bjorsbik – công ty Green Mobility có trụ sở tại thủ đô Oslo - cho biết: "Chúng tôi xây dựng mạng lưới cung cấp xe điện để cho mọi người thuê. Bạn có thể thuê xe qua ứng dụng trên điện thoại, sau khi sử dụng xong thì có thể đỗ xe tại bất kỳ điểm đỗ nào trong thành phố. Nếu hệ thống này tiện lợi, người dân có thể cũng sẽ không còn có nhu cầu tự mua xe nhiều như trước nữa".
Vì sao số xe điện ở Na Uy lại nhiều đến vậy?
Đất nước Na Uy giàu có - một phần là nhờ khai thác dầu khí - nhưng chi phí nhiên liệu ở đây thì lại đang không hề ủng hộ những người đi xe hơi chạy xăng dầu truyền thống. Một chiếc xe hơi chạy xăng hoặc dầu khi nhập vào Na Uy cũng có thể sẽ có giá đắt gấp đôi xe cùng loại mua ở Anh và thuộc vào loại đắt nhất châu Âu. Rõ ràng là quốc gia Bắc Âu này đang rất quyết liệt với mục tiêu dẫn đầu thế giới về xe điện.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI