Năm 2016, Apple sẽ bắt đầu phải dằn vặt về iMessage cho Android và Safari cho Windows

    L.H.C,  

    Chiến lược phần cứng đi cùng với phần mềm sẽ là trở ngại lớn nhất cho thành công của Táo trong thời đại mới.

    Tại WWDC 2016, tin đồn iMessage lần đầu tiên được đưa lên Android đã không trở thành hiện thực. Thế nhưng, xét tới những gì đã xảy ra trong thực tế, tin đồn này không hẳn là vô căn cứ: Apple đã “tiêm doping” để biến iMessage thành một nền tảng nhắn tin đa dạng tính năng không kém gì Facebook Messenger, Skype hay WeChat.

    Những tưởng người dùng Android và thậm chí là cả Windows cũng có thể được tận hưởng trải nghiệm nhắn tin đẳng cấp Táo trên thiết bị của họ, nhưng cuối cùng dịch vụ Apple vẫn chỉ dành riêng cho Apple mà thôi.

    Cũng trong màn trình diễn mở màn sự kiện ngày hôm qua, Apple đã đưa ra một tuyên bố quan trọng khác: Apple Pay sẽ không còn bị giới hạn trên các thiết bị di động nữa. Người dùng trình duyệt Safari trên máy Mac có thể thoải mái lựa chọn hàng hóa và tính năng Continuity sẽ giúp họ xác thực danh tính qua iPhone (Touch ID) hoặc Apple Watch khi thực hiện thanh toán. Như vậy là Apple đã chính thức tuyên chiến với PayPal trong cuộc chiến thanh toán trên nền web.

    Đây chỉ là 2 trong số những dịch vụ được Apple cải tiến rộng khắp cho phiên bản iOS 10 sắp tới. Apple News đã được nâng cấp để bóc tách các mảng tin tức rõ ràng, thông báo tin thời sự nhanh cho người dùng và hỗ trợ cả mô hình đặt báo/tạo chí online. “Thảm họa” Apple Maps của 4 năm trước cũng được thiết kế lại để tối ưu cho trải nghiệm tìm đường, cho phép người dùng gọi xe Uber, Didi hoặc bất cứ dịch vụ nào khác từ bên trong trải nghiệm bản đồ của Táo – nay đã được mở tới các dịch vụ ngoài thông qua một bộ SDK. Ngay đến cả Siri cũng có SDK để có thể tích hợp vào ứng dụng bên thứ 3.

    Tất cả những bước đi trên đây có lẽ sẽ chẳng thể khiến ai mảy may suy nghĩ nếu đến từ các công ty dịch vụ dữ liệu như Google, Microsoft, Facebook hoặc PayPal. Thế nhưng, đây đều là những động thái được Apple đưa ra trong năm đầu tiên iPhone gặp khó. Để đối đầu với xu hướng này, công ty của Tim Cook vừa nâng tầm cuộc chơi phần mềm của mình lên một đẳng cấp mới, ngang hàng với các đối thủ sừng sỏ đã có hàng chục năm kinh nghiệm làm phần mềm và dịch vụ web.

    Bất chấp chiến lược mới, những nước cờ phần mềm của Apple được công bố tại WWDC năm nay vẫn mang một màu sắc riêng cực kỳ... bất lợi: các dịch vụ dữ liệu của Apple dù “mở” đến mấy cũng vẫn bị trói vào khuôn khổ phần cứng của Apple. Apple Pay nền web sẽ chỉ hoạt động trên Safari của Mac. iMessage chỉ hoạt động trên các thiết bị chạy iOS và macOS.

    Nói cách khác, ngay từ khi mới nâng tầm cuộc chơi dữ liệu của mình, Apple cũng đã tự ngáng chân các dịch vụ con cưng. Một dịch vụ nhắn tin chỉ hỗ trợ một nền tảng di động và một nền tảng PC duy nhất hiển nhiên sẽ có nhiều bất lợi so với các dịch vụ có mặt rộng khắp như Facebook Messenger và Skype. Tương tự, Apple Pay không thể phủ sóng rộng như PayPal nếu tiếp tục sống nhờ một trình duyệt không hề có mặt trên Windows và Android. Apple vẫn có thể kiếm tiền từ các dịch vụ gắn mác Táo, nhưng ngay từ đầu lượng người dùng tiềm năng của chúng đã bị giới hạn ở một phần nhỏ so với các đối thủ cạnh tranh.

    Có thể nói rằng Apple đang trong giai đoạn dằn vặt giữa phần mềm và phần cứng.

    Quý đầu năm đã chứng kiến tất cả các dòng sản phẩm điện toán cũ (smartphone, tablet, PC...) xuống dốc trong khi các cuộc cách mạng mới (thiết bị đeo, nhà thông minh, VR) chưa thực sự cất cánh. Trớ trêu là một thế giới bão hòa smartphone và tablet/PC cũng là một môi trường thuận lợi để các dịch vụ dữ liệu phát triển: không phải vô cớ mà Microsoft liên tiếp cắt giảm và sai thải bộ phận phần cứng mua lại từ Nokia và đưa toàn bộ các sản phẩm quan trọng như Office, Cortana, Skype... lên các nền tảng đối thủ.

    Gã khổng lồ phần mềm chẳng có lý do gì để tiếp tục tham gia một cuộc đua đã không còn có lợi cho bất cứ ai tham gia trong khi "cánh đồng" người dùng iOS và Android đã trở nên màu mỡ ở mức tối đa.

    Trái ngược với Microsoft, với chiến lược “khu vườn đóng” nắm chặt cả phần cứng lẫn phần mềm như một tổng thể không thể tách rời, tại WWDC 2016 Apple vẫn đang kiên quyết không mang dịch vụ dữ liệu của mình lên các hệ điều hành đối thủ. Cho đến hết năm 2015, đó vẫn là một chiến lược hợp lý với vị thế của Apple, cho phép công ty của Tim Cook có thể tạo ra trải nghiệm độc đáo hoàn toàn khác biệt với tất cả các hãng phần cứng khác.

    Chiến lược này cũng cho phép Apple có thể tập trung sức lực xây dựng những bức tường bảo vệ cho quyền riêng tư của iFan, cùng lúc hết lời công kích hành động “bán rẻ” dữ liệu người dùng của Facebook và Google.

    Nếu iOS thuộc quyền sở hữu của Google, Microsoft hay Facebook thì điều gì sẽ xảy ra sau WWDC ngày hôm qua? Các ông lớn này sẽ mang iMessage lên tất cả các hệ điều hành phổ biến, bao gồm cả các nền tảng đối địch để tối ưu doanh thu. Họ sẽ nhìn thấy vô số ngóc ngách kiếm tiền hoặc “trói” người dùng/các nhà phát triển bằng các bộ SDK cung cấp miễn phí nhưng lại có giá phải trả giá bằng sự phụ thuộc và các yêu cầu mang tính độc quyền. Họ sẽ biết phần nào của Maps, của News có thể bán cho các bên thứ ba. Tất cả không ít thì nhiều đều sẽ bán dữ liệu người dùng cho quảng cáo, đặc biệt là Facebook và Google.

    Tất cả những hành động mang đậm màu sắc Google/Microsoft/Facebook kể trên đều đối lập hoàn toàn với những giá trị Apple đã cố công bảo vệ lâu nay. Ứng dụng là linh hồn của thiết bị, mang quá nhiều dịch vụ Táo lên Android chẳng phải là làm dễ cho các hãng Trung Quốc vốn chuyên copy Apple? “Bẫy” các nhà phát triển bằng SDK có khác gì phản bội lại cộng đồng nhà phát triển mà Táo vừa hết lời vỗ về trong ngày 13/6 vừa qua? Bán dữ liệu người dùng cho các nhà quảng cáo thì Apple cũng đâu còn tư cách để đại diện cho người dùng chống lại FBI và các cơ quan tình báo nữa?

    Apple vẫn kiếm được nhiều tiền từ các hệ điều hành mà hãng này sở hữu, nhưng vai trò quan trọng nhất của chúng từ trước tới nay vẫn là để tạo ra một trải nghiệm phần cứng Táo vượt trội về chất lượng so với các đối thủ. Nếu iOS, macOS, iMessage, Apple Maps, Siri và Apple Pay được tái định hướng để thay phần cứng trở thành những mũi nhọn thương mại hóa của Apple, chắc chắn chúng sẽ mang một bản chất khác hẳn so với ngày nay.

    Dù sao thì năm nay cũng mới chỉ là năm khởi đầu cho hành trình đi xuống của iPhone và Apple. Dù giảm tới 10 triệu máy so với cùng kỳ 2015 nhưng iPhone vẫn đạt mốc 50 triệu máy bán ra trong quý 1/2016, chưa kể các thị trường như Ấn Độ, Trung Đông và Nam Mỹ vẫn đang có tiềm năng rất lớn cho Apple phát triển. Thế nhưng, sự thật không thể tránh khỏi là thị trường smartphone chắc chắn sẽ có ngày bão hòa và mối quan hệ đối nghịch giữa phần cứng và phần mềm sẽ đóng vai trò quyết định tới thành công thất bại, sự sống cái chết của Apple.

    Lúc đó, Apple sẽ buộc phải trả lời câu hỏi ai cũng có thể nhìn thấy từ bây giờ: Liệu các ứng dụng/dịch vụ được nhiều người yêu quý của Apple như iMessage, FaceTime và trợ lý ảo Siri có nên đặt chân lên Android và Windows hay không? Chừng nào câu hỏi đó chưa được trả lời, iMessage vẫn sẽ tồn tại trong tình cảnh rất trớ trêu: Đây là nền tảng chat có tiềm năng thương mại hóa khổng lồ từ hàng trăm triệu người dùng, có chất lượng trải nghiệm không thua kém Facebook Messenger hay WeChat nhưng lại bị trói vào phần cứng của một hãng sản xuất duy nhất.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ