Năm 2022 đầy chông gai của Meta: Không có mối đe dọa nào lớn hơn những sai lầm của chính công ty này
Meta dường như đã tự làm cho tình hình tồi tệ hơn khi tiếp tục hoạt động với triết lý “Make Mark Happy” (tạm dịch: Làm cho Mark vui vẻ).
- Sự trở lại nức lòng người hâm mộ tại Táo Quân 2023: Nhân vật từng xin rút lui khiến khán giả vỡ òa với màn xuất hiện cực lạ
- Kinh hoàng vì ChatGPT, Google chuẩn bị ra mắt đến 20 sản phẩm AI mới, mời cả 2 nhà sáng lập đã "ở ẩn" quay lại
- Những chú mèo có thật nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại: Từ được ướp xác, làm thị trưởng đến ngôi sao màn bạc đều có đủ
Công bằng mà nói, không có công ty công nghệ nào miễn nhiễm với các bất ổn kinh tế trong năm 2022. Chắc chắn, TikTok là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn vong của Meta nhưng không có mối đe dọa nào đối với Meta lớn hơn những sai lầm của chính công ty này.
Vào tháng 2/2022, Meta đã làm nên lịch sử thị trường chứng khoán nhưng không phải theo chiều hướng tích cực. Chỉ qua một đêm, công ty mất 237 tỷ USD vốn hóa thị trường - mức giảm giá trị trong một ngày lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ tính đến thời điểm đó.
Đợt sụt giảm này xảy ra sau báo cáo thu nhập ảm đạm của công ty, khi CEO Mark Zuckerberg trình bày về quá trình chuyển đổi gặp nhiều khó khăn từ mạng xã hội sang vũ trụ ảo metaverse.
Tất nhiên, sự mất mát này phần nào nằm ngoài tầm kiểm soát của Meta, đặc biệt là khi nền kinh tế toàn cầu biến động mạnh không phải lỗi của họ. Dù vậy, Meta dường như đã tự làm cho tình hình tồi tệ hơn khi tiếp tục hoạt động với triết lý “Make Mark Happy” (tạm dịch: Làm cho Mark vui vẻ). Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng đổ nhiều tiền hơn vào dự án metaverse chưa rõ tương lai thành công ra sao.
Hãy cùng điểm lại những khó khăn mà Meta đã trải qua trong năm 2022:
Theo Wall Street Journal, thời kỳ tăng trưởng người dùng chóng mặt của Facebook đã qua. Thống kê vào tháng 2/2022 cho thấy ứng dụng mạng xã hội Facebook cốt lõi của Meta đã mất khoảng nửa triệu người dùng trong quý IV/2021 so với cùng giai đoạn năm trước đó.
Đây là lần sụt giảm người dùng đầu tiên trong lịch sử 18 năm của công ty, báo hiệu tăng trưởng đối với nền tảng này có thể đã đạt đỉnh. Tốc độ tăng trưởng người dùng hàng quý của Meta cũng ở mức chậm nhất trong ít nhất ba năm qua.
Các giám đốc cấp cao của Meta đã chỉ ra một số cơ hội tăng trưởng khác, chẳng hạn như WhatsApp - dịch vụ nhắn tin vẫn chưa tạo ra doanh thu đáng kể. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đem lại nhiều kết quả tích cực. Tiếp theo Facebook, các nhà đầu tư có thể đang xem xét rằng liệu những ứng dụng khác của Meta như Instagram sẽ rơi vào tình trạng tương tự hay không.
Mùa xuân năm 2021, Apple giới thiệu bản cập nhật iOS cho phép người dùng không cấp quyền để những ứng dụng như Facebook theo dõi hoạt động trực tuyến của họ. Điều này đã làm tổn hại không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của Meta vì việc nhắm mục tiêu quảng cáo – một trong những công cụ kiếm tiền chính của công ty, trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều.
Một điều gây đau đớn hơn là người dùng iPhone là đối tượng sinh lợi hơn nhiều đối với các nhà quảng cáo của Facebook so với người dùng điện thoại Android. Meta cho biết những thay đổi của Apple có thể gây ra khoản thiệt hại 10 tỷ USD doanh thu trong năm 2022.
Có thể nói, rắc rối của Meta lại là vận may của các đối thủ cạnh tranh. David Wehne – CFO của Meta, cho biết những thay đổi của Apple đã khiến các nhà quảng cáo biết ít hơn về hành vi của người dùng. Vì thế, nhiều người đã bắt đầu chuyển ngân sách quảng cáo sang các nền tảng khác, trong đó có Google.
Cũng trong tháng 2/2022, Google đã báo cáo doanh thu kỷ lục, đặc biệt là trong quảng cáo tìm kiếm thương mại điện tử.
Không giống Meta, Google không phụ thuộc nhiều vào Apple về dữ liệu người dùng. Wehner cho biết có khả năng Google sở hữu “nhiều dữ liệu của bên thứ ba hơn cho mục đích đo lường và tối ưu hóa” so với nền tảng quảng cáo của Meta.
Wehner cũng chỉ ra thỏa thuận của Google với Apple để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định cho trình duyệt Safari của Apple. Điều đó có nghĩa là quảng cáo tìm kiếm của Google có xu hướng xuất hiện ở nhiều nơi hơn, thu thập nhiều dữ liệu có thể hữu ích cho nhà quảng cáo. Đó là một vấn đề lớn đối với Meta về lâu dài, đặc biệt nếu nhiều nhà quảng cáo chuyển sang quảng cáo tìm kiếm của Google.
Trong hơn một năm, Zuckerberg đã chỉ ra rằng TikTok là một kẻ thù ghê gớm như thế nào đối với Facebook. Số người dùng TikTok đã tăng lên hơn 1 tỷ nhờ các bài đăng chứa video ngắn có khả năng “gây nghiện” một cách kỳ lạ. Và nó đang cạnh tranh khốc liệt với Instagram của Meta để thu hút sự chú ý của người dùng.
Để tăng tính cạnh tranh, Meta đã bắt chước TikTok bằng một tính năng video có tên là Instagram Reels. Zuckerberg cho biết Reels hiện là tính năng thu hút tương tác số 1 trên ứng dụng.
Tuy nhiên, có một vấn đề là mặc dù Reels có thể thu hút người dùng, nhưng nó không kiếm tiền hiệu quả như các tính năng khác của Instagram, như Stories và nguồn cấp dữ liệu chính.
Zuckerberg đã so sánh tình hình này với thời điểm cách đây vài năm khi Instagram giới thiệu tính năng Stories, một bản sao của Snapchat. Stories cũng từng không kiếm được nhiều tiền cho công ty khi ra mắt nhưng sau này đã làm được điều đó. Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng không có gì đảm bảo Instagram Reels có thể lặp lại thành tích này.
Zuckerberg tin tưởng rất nhiều rằng thế hệ tiếp theo của Internet là vũ trụ ảo - khái niệm vẫn còn mơ hồ và mang tính lý thuyết liên quan đến việc mọi người di chuyển qua các thế giới thực tế ảo và thực tế tăng cường khác nhau, đến mức tỷ phú 38 tuổi sẵn sàng chi nhiều tỷ USD cho dự án này.
Năm 2021, Meta đã chi tới hơn 10 tỷ USD cho metaverse và Zuckerberg cho biết công ty sẽ chi nhiều tiền hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, cũng chưa có gì đảm bảo rằng khoản đặt cược này sẽ thành công. Không giống việc Facebook chuyển sang thiết bị di động vào năm 2012, việc sử dụng thực tế ảo vẫn chưa thực sự trở thành xu hướng chủ đạo.
Về bản chất, Zuckerberg đang yêu cầu nhân viên, người dùng và nhà đầu tư đặt niềm tin vào tầm nhìn đa chiều của mình. Đó là một yêu cầu lớn đối với một thứ sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD của công ty trong những năm tới nhưng khả năng thành công vẫn còn để ngỏ.
Tháng 6/2022, “nữ tướng” Sheryl Sandberg tuyên bố rời Meta sau 14 năm gắn bó. Trong bài đăng chia tay của mình, Sandberg đã nói về những thách thức của mảng truyền thông xã hội và vai trò của Meta: "Các sản phẩm chúng tôi tạo ra có tác động rất lớn, vì vậy chúng tôi có trách nhiệm xây dựng chúng theo cách bảo vệ quyền riêng tư và giữ an toàn cho mọi người”.
Giờ đây, bà cho biết mình sẽ “viết chương tiếp theo” của cuộc đời bằng việc tập trung vào quỹ từ thiện của mình. Sự ra đi của Sanberg được coi là tổn thất lớn đối với Meta vì bà là người đã gắn bó và giúp Zuckerberg lèo lái công ty trong hàng chục năm qua, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn.
Một gã khổng lồ Internet có tốc độ phát triển đang giảm dần. Một CEO xuất sắc đang ấp ủ tham vọng đầy rủi ro. Một lực lượng người lao động đang lo lắng trước những yêu cầu cao và tình trạng sa thải hàng loạt có thể sắp diễn ra.
Đó là những gì xảy ra bên trong Meta vào tháng 10/2022. Theo Business Insider, đó cũng là điều đã xảy ra gần một thập kỷ trước tại Yahoo.
Khi Meta chuyển đổi để trở thành công ty metaverse trong bối cảnh tăng trưởng người dùng bị đình trệ và doanh số bán quảng cáo chậm lại, rất nhiều thứ đã thay đổi tại đây, bao gồm “nỗi đau” ngày càng gia tăng của những người liên quan.
Tờ New York Times đưa tin ngày 9/10 rằng các nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của Meta đều hoài nghi về sự thúc đẩy đối với mảng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), đồng thời cảnh giác với các ưu tiên thay đổi của Zuckerberg.
Trên thực tế, kế hoạch triển khai metaverse của Zuckerberg không bất thường trong thế giới công nghệ nhưng chưa chắc nó đã đem lại “trái ngọt” cho Meta. Có thể nói, đây là “trò chơi” mà Zuckerberg cần giành chiến thắng.
“Facebook có sự can đảm, có vốn và khả năng để metaverse phát triển hơn nữa. Nhưng nếu phạm sai lầm, họ sẽ phải trả cái giá không hề rẻ”, một chuyên gia nhận định.
Đến tháng 11/2022, Meta một lần nữa gây xôn xao khi tuyên bố sa thải khoảng 13% lực lượng lao động (tương đương 11.000 nhân sự).
Zuckerberg gửi lời xin lỗi: “Hôm nay, tôi công bố một trong những quyết định khó khăn nhất lịch sử Meta. Tôi quyết định phải để hơn 11.000 nhân viên tài năng ra đi. Công ty đang thực hiện chính sách cắt giảm và đóng băng tuyển dụng để trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn. Tôi xin chịu trách nhiệm về những quyết định này. Tôi biết nó thực sự khó khăn cho tất cả mọi người và tôi đặc biệt xin lỗi tới những người bị ảnh hưởng”.
Quyết định sa thải hàng loạt của Meta diễn ra trong bối cảnh doanh thu liên tục sụt giảm. Tính đến cuối năm 2022, cổ phiếu công ty đã giảm hơn 70% so với năm trước.
Nguồn: NYT, Mashable
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Để sống đến năm 200 tuổi, tỷ phú Bryan Johnson lại thử nghiệm phương pháp trường sinh mới
Johnson gọi mục tiêu sống đến năm 200 tuổi của mình là “cuộc cách mạng quan trọng nhất trong lịch sử của Homo sapiens”.
Trải nghiệm Tineco Floor One Stretch S6: Lau hút khô ướt là chuyện thường, tự giặt, tự sấy bằng khí nóng, khớp gập 180 độ linh hoạt