Nắm quyền kiểm soát Uber, Grab, Didi Chuxing và Ola, "cá mập" Softbank có hợp nhất 4 ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới?

    Vân Đàm, Theo Trí Thức Trẻ 

    Một khi thương vụ đầu tư vào Uber của Softbank hoàn tất, ông vua dịch vụ gọi xe sẽ là Masayoshi Son.

    Một nguồn tin của tờ CNBC mới đây cho biết, thông tin về khoản đầu tư hàng tỷ đôla của Softbank vào Uber bỏ ngỏ khả năng hãng gọi xe này sẽ được hợp nhất với những công ty khác mà Softbank cũng đang nắm cổ phần nhằm mục tiêu thống trị mảng kinh doanh đang phát triển nhanh bậc nhất trên khắp châu Á.

    Cụ thể, ngày 12/11 vừa qua Uber nói rằng việc thực hiện thỏa thuận với một số tập đoàn lớn mà dẫn đầu là Softbank và Dragoneer Investment Group đang được tiến hành. Cụ thể 2 tập đoàn này đang lên kế hoạch rót 1 – 1,25 tỷ USD vào Uber và mua khoảng 17% cổ phần của những nhà đầu tư hiện tại.

    Nắm quyền kiểm soát Uber, Grab, Didi Chuxing và Ola, cá mập Softbank có hợp nhất 4 ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới? - Ảnh 1.

    Hiện tại, Softbank cũng là một nhà đầu tư lớn vào các đối thủ lớn nhất của Uber tại châu Á gồm Grab, Didi Chuxing và Ola. Đây được cho là những bước đi nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của nhà sáng lập Masayoshi Son về tương lai ở đó trí tuệ nhân tạo và thiết bị đa kết nối sẽ thống trị.

    Cùng thời điểm, các công ty gọi xe trên toàn châu Á đang cạnh tranh khốc liệt nhằm thu hút cả hành khách và lái xe với những chiêu thức giảm giá, khuyến mại, mặc cho điều này khiến biên lợi nhuận của họ sụt giảm nghiêm trọng.

    "Softbank sẽ đóng vai trò là người hợp nhất các đơn vị. Về cơ bản, trên cương vị là chủ tịch hội đồng quản trị tại cả Uber và Grab (nếu Softbank chốt thương vụ đầu tư vào Uber), Softbank sẽ khiến tình hình thay đổi đáng kể", nguồn tin giấu tên cho biết.

    Hiện Softbank và Grab từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.

    Ở mức định giá 68 tỷ USD, Uber là startup giá trị nhất thế giới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, mức định giá cao ngất ngưởng này lại đến cùng với khoản thua lỗ khổng lồ của họ.

    "Nhìn nhận về phía Grab, ở những thị trường Đông Nam Á vốn quen sử dụng tiền mặt thì sự kết hợp của 2 hãng có nhiều ưu điểm. Một mặt Uber có thể cắt lỗ ở thị trường này, mặt khác họ vẫn có thị phần ở các thị trường mà công ty này cho là không thuần tuý dịch vụ đi nhờ xe".

    Bất kỳ thỏa thuận nào được diễn ra có lẽ cũng sẽ giống với thỏa thuận mà Uber thực hiện với Didi vào năm ngoái khi họ nhận cổ phần tại công ty Trung Quốc và rút lui khỏi mảng kinh doanh của chính mình.

    Thị trường nguồn vốn dư thừa

    Hiện chưa rõ liệu Softbank đã thảo luận hoặc "chốt" bất kỳ thỏa thuận nào với ban giám đốc Uber hay Grab hay chưa. Đồng thời khoản đầu tư của Softbank vào Uber cũng chưa "chốt".

    Uber hiện từ chối đưa ra bình luận nhưng phát biểu trong một hội thảo diễn ra vào tháng này, CEO Uber là Dara thừa nhận rằng công ty của mình "đang có ưu thế lớn" ở gần như tất cả các thị trường. "Ở những nơi có đối thủ cạnh tranh, chúng tôi đang chi tiêu một lượng tiền tương tự cho các hoạt động khuyến mại, giảm giá để giành thị phần bởi sản phẩm, thương hiệu và dịch vụ của chúng tôi tốt hơn".

    Tuy nhiên, Khosrowshahi nhận thức được những thách thức mà Uber phải đối mặt tại thị trường Đông Nam Á và nói rằng tất cả các đơn vị tham gia trên thị trường đang "đầu tư quá tay". Chúng tôi thâm nhập thị trường và cố gắng tiến về phía trước. Tuy nhiên tôi không lạc quan rằng thị trường sẽ sớm có lợi nhuận vào bất kỳ thời điểm nào lúc này".

    Một nguồn tin thân cận với Softbank và Uber thì nói với Reuters rằng nhiều cổ đông sẽ thích tạo ra sự cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á hơn bất kỳ nơi nào khác, nhờ lao động giá rẻ và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng.

    Tuy nhiên, đóng cửa hoạt động ở khu vực Đông Nam Á để cắt giảm thua lỗ sẽ giúp Uber trở thành "cỗ máy in tiền" - hướng đến thương vụ IPO dễ dàng hơn. Trước đó Uber nói rằng họ cũng lên kế hoạch IPO vào năm 2019.

    Dẫu vậy dù rất nhiều công ty công nghệ IPO mà chưa hề có lợi nhuận nhưng mức thua lỗ lên tới 645 triệu USD trong quý 2 năm nay của Uber vẫn là điểm đáng báo động với các nhà đầu tư.

    Vinnie Lauria – sáng lập tại công ty quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures – đơn vị đầu tư vào 30 công ty trên khắp châu Á cũng có chung quan điểm cho rằng Uber sẽ rút khỏi Đông Nam Á. "Tôi không thể nói điều gì chắc chắn nhưng tôi cảm thấy khá tự tin là một khi thỏa thuận giữa Uber và Softbank hoàn tất, chúng ta sẽ chứng kiến việc Uber bán hoạt động tại Đông Nam Á cho Grab hoặc Didi".

    Grab hiện là ứng dụng gọi xe hàng đầu về lượng người dùng hàng tháng trên iPhone và Android trong nửa đầu năm 2017 tại 5 thị trường gồm Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

    Tại Indoneisa, Go-Jek xếp trên cả Grab và Uber.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ