VTV.vn - Một số nhóm người có nguy cơ tử vong do đau tim cao gấp đôi trong những đợt nắng nóng kéo dài và mức độ ô nhiễm không khí cao.
Đây là kết quả của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Circulation thuộc Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA). Trong đó, các nhà khoa học đã phân tích chi tiết cụ thể của hơn 202.000 cơn đau tim xảy ra tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc diễn ra từ năm 2015 đến năm 2020.
Họ phát hiện ra rằng, tỉ lệ tử vong do các biến cố tim mạch tăng cao hơn trong những ngày có nhiệt độ cực cao, cực lạnh hoặc mức độ ô nhiễm không khí hạt mịn cao hơn mức bình thường. Sở dĩ nghiên cứu tập trung ở Giang Tô vì khu vực này trải qua nhiều loại nhiệt độ và mức độ ô nhiễm không khí. Do đó, nghiên cứu khá chi tiết và được giới khoa học quan tâm.
Theo kết quả nghiên cứu, nguy cơ tử vong cao gấp đôi trong các đợt nắng nóng kéo dài 4 ngày có ô nhiễm hạt mịn trên 37,5 microgam/m3. Đáng chú ý, phụ nữ và người lớn tuổi là những người có nguy cơ tử vong do đau tim cao nhất. Ngoài ra, độ tuổi tử vong do đau tim vào những ngày nắng nóng và ô nhiễm trung bình là 77,6 tuổi, với 52% những người qua đời trên 80 tuổi.
Cùng với nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định rằng hiện tượng nhiệt độ cực đoan đang trở nên thường xuyên hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn, đồng thời gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
"Một vấn đề môi trường khác trên toàn thế giới là sự hiện diện của các hạt mịn trong không khí, tương tác với nhiệt độ khắc nghiệt sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch", chủ nhân nghiên cứu cho biết, "Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu việc đồng tiếp xúc của nhiệt độ và ô nhiễm hạt mịn có thể tương tác với nhau, gây ra nguy cơ tử vong do đau tim cao hơn hay không. Đây là một phản ứng cấp tính có khả năng xảy ra và là một thách thức lớn đối với toàn thế giới trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?