Nền tảng họp trực tuyến Việt thất thế trên sân nhà, vì đâu nên nỗi?

    Phương Nguyễn, Theo ICTNews 

    Ra đời ngay khi xã hội phát sinh nhu cầu nhưng các phần mềm họp online của Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh được với các phần mềm ngoại ngay trên chính sân nhà.

    Học trực tuyến đã bước sang năm thứ hai mùa Covid-19, mặc dù đã quen với các thao tác trên phần mềm họp trực tuyến, các em học sinh vẫn gặp không ít khó khăn khi đang học mà bị ‘văng’ ra khỏi lớp do kết nối không ổn định. Đến nay, không ít trường học vẫn triển khai sử dụng Zoom, phần mềm họp trực tuyến (video conference) của nước ngoài bất chấp những vấn đề về bảo mật và có nhiều giới hạn ở phiên bản miễn phí.

    Thời điểm đó, giải pháp họp trực tuyến do các doanh nghiệp Việt phát triển và làm chủ đã mau chóng được triển khai. Tiêu biểu có thể kể đến Zavi của VNG, CoMeet của liên minh CMC TS, NetNam, iWay, FDS và DQN hay TranS của Nam Việt. Đại diện của liên minh CoMeet khi đó lạc quan về triển vọng cung cấp một phần mềm họp online nội địa không bị gián đoạn nhờ sử dụng hoàn toàn băng thông nội địa với các tính năng tùy biến cao, ‘đo ni đóng giày’ cho từng đơn vị cụ thể.

    Nền tảng họp trực tuyến Việt thất thế trên sân nhà, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

    Video conference đã có nhiều ứng dụng thực tiễn như họp trực tuyến, học trực tuyến

    Tuy vậy, đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi các phần mềm ‘Make in Vietnam’ ra đời, các trường học, doanh nghiệp vẫn có thói quen sử dụng Zoom. Nếu không phải là Zoom, các giải pháp khác như Microsoft Teams hay Google Meet mới là những thứ được ưu tiên chứ không phải sản phẩm của người Việt. Sự phổ biến của Zoom được minh chứng qua việc ứng dụng này hiện đang đứng Top 1 miễn phí Play Store và App Store ở Việt Nam, mà xếp ngay sau là Google Meet.

    Điều đáng buồn khi các phần mềm Việt sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, có tính cạnh tranh cao, hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt nhưng Zoom vẫn là lựa chọn hàng đầu. Phần mềm này từng trở thành tâm điểm chỉ trích khi để lộ lọt thông tin cá nhân của hàng trăm nghìn người dùng, bị tố chuyển dữ liệu cho Facebook và bị các cơ quan chính phủ Anh, Mỹ cấm sử dụng vì lỗ hổng bảo mật. Nhưng sau tất cả, Zoom vẫn tăng trưởng lên đến con số kỷ lục 300 triệu người dùng hàng ngày so với chỉ 10 triệu người ở thời điểm trước dịch. Theo các chuyên gia, các phần mềm khác hoặc là quá nhiều rào cản, hoặc là quá khó sử dụng và ít tiếng tăm hơn Zoom.

    Với người dùng cá nhân, có nhiều vấn đề còn đáng lo hơn cả bảo mật. Một học sinh cấp 1, cấp 2 liệu có e ngại khi bị lộ hình ảnh và giọng nói do Zoom? Thực tế, những vấn đề mà các em gặp phải thường là âm thanh không rõ, hình ảnh bị mờ, mạng lag mà không dễ xác định được do cấu hình máy tính/điện thoại, do phần mềm/app hay do đường truyền.

    Còn với giáo viên, ngoài chuyện làm quen với phần mềm mới, người thầy cô còn phải tất bật chuẩn bị cho mỗi tiết học trực tuyến như soạn giáo án, quản lý lớp, đảm bảo góc đứng trước camera không bị lệch, đường truyền không gián đoạn... Và khi tất cả đã quen với Zoom, hệ quả là những cuộc họp khác như họp phụ huynh trực tuyến bằng phần mềm này cũng là chuyện tất yếu phải xảy ra.

    Nền tảng họp trực tuyến Việt thất thế trên sân nhà, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

    Nhưng người Việt lại quen dùng các nền tảng ngoại như Zoom, Google Meet hay Microsoft Team



    Chị Hoàng Thủy (19 tuổi, ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết trường mình đã chuyển qua sử dụng Microsoft Teams sau khi Zoom gặp nhiều vấn đề về kết nối vào năm ngoái. Tuy nhiên, chị cảm thấy hơi tiếc vì Zoom có nhiều filter (bộ lọc) làm đẹp hơn là vấn đề về bảo mật.

    Và vấn đề quan trọng nhất xảy ra với các sản phẩm nội địa khi Zoom đã nắm thị phần ưu thế, như trường hợp của các ứng dụng nhắn tin OTT mà cuối cùng chỉ có một hai ứng dụng lớn nhất giành lấy thị phần khống chế. Tương tự, ứng dụng truyền miệng kiểu Zoom đã dần dần thâu tóm hết thị phần phổ thông khi các đối thủ bị phân mảnh lẻ tẻ ở những thị trường ngách.

    Còn ở góc độ doanh nghiệp, khi một công ty quyết định không sử dụng Zoom để làm việc, họ cũng phải thuyết phục đối tác không dùng Zoom và cài đặt lại toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ cho việc họp trực tuyến từ đầu. Đó là lý do chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc (TP.HCM) cho biết công ty anh vẫn dùng Skype để trao đổi với đối tác nước ngoài, bao gồm họp trực tuyến khi cần. Như vậy, khi nói đến một giải pháp mang tính đồng bộ được khối doanh nghiệp nhất trí sử dụng, các nền tảng ngoại vẫn chiếm một ưu thế nhất định nhờ tích hợp nhiều tính năng và có một hệ sinh thái phủ rộng.

    Dù không có Covid-19, video conference sẽ vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các giải pháp trao đổi trực tuyến chính là một phần của chuyển đổi số, tác nhân quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế số ở nước ta. Tuy nhiên, cơ hội để các sản phẩm trí tuệ Việt giành lại thị phần ngay trên sân nhà vẫn còn rất mơ hồ, khi đến hiện tại đại diện CoMeet cũng chưa thể đưa ra bình luận chính thức nào về cơ hội này khi được ICTnews đặt câu hỏi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ