2016: Châu Á - TBD sẽ thiếu nửa triệu chuyên gia mạng

    PV,  

    Lĩnh vực CNTT đang phát triển cực nóng tại châu Á - Thái Bình Dương nhưng lại không có đủ nhân lực để làm. Theo dự đoán của IDC, đến năm 2016, cả khu vực này sẽ thiếu hụt gần nửa triệu chuyên gia mạng. Rất nhiều hãng có thể sẽ không thể tuyển dụng thêm được nhân viên nào trong vòng 10 năm tới.

    Ảnh

    Theo dự đoán của IDC, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thiếu hụt nửa triệu chuyên gia mạng sau 2 năm nữa

    Nghiên cứu của IDC được tiến hành tại 8 nước, trong đó có Việt Nam, một lần nữa xác nhận tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã chạm đến giai đoạn "báo động đỏ". Trước đó, một lãnh đạo cấp cao của FPT Software từng than thở rằng thị trường gia công phần mềm đang giống như một bữa tiệc "ngon, đầy ú ụ mà không có người ngồi ăn", hàm ý các doanh nghiệp phần mềm nội địa có rất nhiều khả năng hợp tác, mở rộng kinh doanh nhưng lại không đủ người để làm.

    Trong Đề án "Đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT" cũng xác định ưu tiên phát triển nguồn nhân lực CNTT, coi đây là một trong những trụ cột để tạo đà tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp CNTT- truyền thông. Tuy nhiên, những nội dung và chương trình đã triển khai vẫn còn khá khiêm tốn so với cơn khát nhân sự trong thực tế của các doanh nghiệp. Các nội dung giảng dạy về CNTT trong nhà trường hiện nay bị đánh giá là không bắt kịp với thực tế và đang đi ngược lại với quy luật thị trường, không lắng nghe nhu cầu của thị trường, do đó, sinh viên tốt nghiệp gần như phải được doanh nghiệp đào tạo lại từ đầu mới làm việc được.

    Một giải pháp đã được nhiều chuyên gia đưa ra, với tính khả thi cao, là khuyến khích các doanh nghiệp CNTT lớn tham gia vào quy trình đào tạo nhân lực cho thị trường này, bởi hơn ai hết, doanh nghiệp hiểu rõ họ muốn gì, cần gì. Ông Mai Sean Cang, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam từng chia sẻ rằng, nếu các trường đại học Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn cùng Doanh nghiệp CNTT, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, xây dựng chương trình đào tạo cho sát với thực tế, thì chất lượng nhân lực CNTT của Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều.

    Đồng quan điểm với Intel, trong Hội thảo "Mạng Internet của vạn vật" mới đây, ông Nguyễn Trường Sinh, Giám đốc điều hành Cisco Việt Nam cũng khuyến cáo nếu không kịp thời có sự đầu tư vào hoạt động phát triển kĩ năng cho nhân lực CNTT, tiến bộ công nghệ sẽ không được chuyển đổi thằng sự tăng trưởng về năng suất làm việc, và khu vực châu Á/Thái Bình Dương, cụ thể hơn là Việt Nam, sẽ không thể cạnh tranh được trong một nền kinh tế toàn cầu có mức độ dựa vào tri thức ngày càng cao. Doanh nghiệp này cam kết sẽ đầu tư phát triển 400.000 chuyên gia mạng trong vòng 5 năm tới, thông qua các học viện mạng để góp phần giải quyết sự khan hiếm nhân lực trong khu vực.

    "Phát triển kinh tế và thành công của một đất nước như Việt Nam phụ thuộc vào việc sử dụng công nghệ như một nền tảng đổi mới đất nước. Khi nền tảng công nghệ được vận hành, câu hỏi mấu chốt được đặt ra là: ai sẽ quản lí những trung tâm dữ liệu, phòng thí nghiệm và các ứng dụng này?", ông Sinh nêu vấn đề.

    Bên cạnh các kĩ năng về mạng thì kĩ năng mềm, khả năng phối hợp nhóm và kiến thức về các công nghệ mới như ảo hóa, đám mây ... là điểm yếu chính của nhân lực CNTT Việt Nam. Tuyển dụng được một chuyên gia CNTT "cứng nghề" là chuyện không hề dễ đối với doanh nghiệp, ông Trần Thắng, Giám đốc công ty 1VS chia sẻ. Dù còn là một doanh nghiệp với quy mô khiêm tốn (30 nhân lực với hơn 3000 khách hàng doanh nghiệp), 1VS cũng không có ý định mở rộng thêm người trong thời gian tới. Một giải pháp mà ông Thắng đề cập là phát triển mạng lưới nhân sự qua các đối tác chứ không tuyển dụng trực tiếp. Bằng cách này, mạng lưới người làm có thể được mở rộng nhanh mà không đòi hỏi các kĩ năng quá sâu như một nhân sự CNTT chuyên biệt.

    Tuy vậy, một chuyên gia công nghệ kì cựu vẫn bình luận rằng, bài toán nhân lực CNTT của Việt Nam không hề dễ giải. Sẽ rất cần một cú hích từ phía chính sách của Chính phủ về việc đào tạo nhân lực, cũng như những chương trình đào tạo với tầm nhìn dài hạn, mang tính chiến lược, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp "đầu ra". Chỉ có như vậy, cơn khát nhân lực mới dần được giải quyết.

    Theo Vietnamnet.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ