Big data: Công nghệ đoán trước tương lai nhờ... hiện tại

    Xo Lo,  

    Một mối lo ngại nảy sinh là những gì có thể xảy ra khi chính phủ các nước đặt quá nhiều lòng tin vào quyền lực của dữ liệu.

    Big data: Công nghệ đoán trước tương lai nhờ... hiện tại

    Các quốc gia sẽ cần giúp bảo vệ công dân và thị trường của họ trước những tổn thương mới do big data gây ra. Nhưng hiện có một mặt trái tiềm ẩn: big data có thể trở thành Big Brother **.Ở mọi quốc gia, big data làm trầm trọng thêm tình trạng bất cân xứng về quyền lực giữa nhà nước và người dân.

    Tình trạng bất cân xứng này có thể lớn đến mức dẫn đến chủ nghĩa độc đoán big data, một khả năng tưởng tượng trong các bộ phim khoa học viễn tưởng như Minority Report. Bộ phim sản xuất năm 2000 với bối cảnh đầy rẫy những điều xấu xa và tệ hại, trong đó nhân vật do Tom Cruise thủ vai dẫn đầu một đơn vị cảnh sát “Precrime” mà nòng cốt là các cá nhân có khả năng nhận biết những kẻ chuẩn bị phạm tội.

    Tuy ý tưởng về khả năng nhận biết những kẻ phạm pháp tiềm tàng trước khi chúng phạm tội dường như rất hoang đường, song big data cũng giúp ích đáng kể cho một số nhà cầm quyền về việc này.

    Năm 2007, Bộ An ninh Nội địa đã tiến hành dự án nghiên cứu mang tên Công nghệ Kiểm tra Thuộc tính Tương lai (Future Attribute Screening Technology – FAST), nhằm nhận dạng những kẻ khủng bố tiềm ẩn thông qua việc phân tích dữ liệu về các dấu hiệu quan trọng của cá nhân, ngôn ngữ cơ thể, và các đặc điểm khác về cơ thể.

    Lực lượng cảnh sát tại nhiều thành phố, kể cả Los Angeles, Memphis, Richmond và Santa Cruz, đã sử dụng phần mềm “kiểm soát dự đoán”, phần mềm có khả năng phân tích dữ liệu về các loại tội phạm trước kia để xác định thời gian và địa điểm tội phạm tương lai có thể diễn ra.

    Hiện tại, hệ thống này chưa xác định được nghi phạm cụ thể, nhưng mở ra một hướng đi mới. Có lẽ các hệ thống kiểu này sẽ nhận diện được thanh niên nào có khả năng cao nhất thực hiện hành động trộm cắp trong cửa hàng.

    Có thể có nhiều lý do đúng đắn để đi vào cụ thể như vậy, nhất là khi nói đến việc ngăn ngừa hậu quả xã hội tiêu cực chứ không chỉ tội phạm. Ví dụ, nếu nhân viên xã hội có thể công bố với độ chính xác lên đến 95% những cô gái vị thành niên nào sẽ mang thai hoặc cậu con trai trường trung học nào sẽ bỏ học, liệu họ có tắc trách hay không khi không ra tay giúp đỡ?

    Điều này nghe có vẻ hấp dẫn. Rốt cuộc, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng thậm chí sự can thiệp mà không mang tính cảnh báo và khuyên nhủ và thay vào đó lại mang tính giúp đỡ có thể được hiểu là hình phạt – ít nhất, hình ảnh của một ai đó sẽ xấu đi rất nhiều trong mắt người khác. Trong trường hợp này, hành động của nhà nước sẽ mang hình thức trừng phạt trước khi bất kỳ hành động phạm tội nào diễn ra, làm tiêu tan hoàn toàn bản chất tốt đẹp của sự tự nguyện.

    Một mối lo ngại khác là những gì có thể xảy ra khi chính phủ các nước đặt quá nhiều lòng tin vào quyền lực của dữ liệu. Trong cuốn sách phát hành năm 1999, Seeing Like a State, nhà nhân loại học James Scott đã đưa ra các cách thức chú trọng đến định lượng và thu thập dữ liệu của chính phủ các nước, đôi khi khiến cuộc sống con người trở nên khốn khổ.

    Chính phủ sử dụng bản đồ để xác định cách thức tái tổ chức cộng đồng mà không thèm tìm hiểu bất kỳ điều gì về những người đang sống ở đó. Họ sử dụng bảng dữ liệu dài dằng dặc về thu hoạch mùa vụ để quyết định tập thể hóa hoạt động nông nghiệp mà không hề hiểu biết gì về trồng trọt và chăn nuôi. Họ sử dụng các phương thức hệ thống không hoàn hảo trong đó người dân ảnh hưởng qua lại lẫn nhau theo thời gian và phải uốn mình theo nhu cầu, đôi khi chỉ để thỏa mãn khao khát mệnh lệnh có thể định lượng.

    ------------

    ** Đại Ca (Big Brother) - nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết “1984” của George Orwell với tính cách đặc trưng là quan sát và theo dõi một cách chặt chẽ công việc hoặc hoạt động của đối phương một cách bí mật.

    Theo Dân Việt

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày