Các nhà mạng hãi dịch vụ OTT

    PV,  

    Doanh thu các nhà mạng, như Viettel, MobiFone, VinaPhone đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng chạy đua chiếm vị trí hàng đầu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT (over the top - các ứng dụng và dịch vụ hoạt động trên kết nối Internet nhưng không liên quan đến các nhà cung cấp kết nối Internet).

    Các nhà mạng hãi dịch vụ OTT
     

    Các nhà mạng hãi dịch vụ OTT

    Một thông tin gây sốc được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel tiết lộ, nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber, thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40-50%.

    Những dịch vụ viễn thông cơ bản, như điện thoại, nhắn tin… đang chiếm đến 80% doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp (DN) viễn thông, với trên 100.000 tỷ đồng, thì cảnh báo trên của ông Hùng là “cú sốc” lớn. Điều đó có nghĩa là, các nhà mạng sẽ mất gần 50.000 tỷ đồng mỗi năm, nếu khách hàng đều dùng các dịch vụ OTT, gồm nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet.

    Viễn cảnh này rất có thể trở thành hiện thực trong một ngày không xa. Theo Viettel, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, lượng người dùng Viber đã làm giảm doanh thu của Viettel 1.500 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, Viber mới chỉ có hơn 1 triệu người dùng và chưa tính các ứng dụng OTT miễn phí khác, như Zalo, Kakao Talk, Line…

    Việc số lượng người dùng các ứng dụng OTT gia tăng rất nhanh cùng với nhiều dịch vụ mới là mối đe dọa thực sự đối với doanh thu của các nhà mạng.

    Ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) nhận xét, OTT là một xu thế công nghệ mới và nhà mạng không thể “cưỡng” lại được. Các nhà mạng cần ngồi lại với nhà cung cấp dịch vụ OTT để đưa ra giải pháp phù hợp, nhằm đảm bảo lợi ích của các DN, nhà mạng và nhất là quyền lợi của người dùng di động.

    Chạy đua chiếm “ngôi vương” OTT

    Hiện các nhà ứng dụng OTT đang đặt mục tiêu phát triển số lượng người dùng rất cao: đến hết năm nay, mục tiêu của Zalo là 5 triệu người dùng, Kakao Talk hướng tới 7 triệu người sử dụng, Viber sẽ có khoảng trên dưới 10 triệu người ở Việt Nam sử dụng…

    Các phần mềm, như Zalo, Kakao Talk, Line, Viber… đã liên tục tung chiêu mới để gia tăng số lượng người sử dụng. Họ đang lựa chọn những hướng đi riêng, như ra mắt phiên bản tiếng Việt, tập trung phát triển tính năng mạng xã hội hay đưa ra ứng dụng mới…

    Theo dự đoán của ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG, làn sóng Internet di động mới chỉ bắt đầu và cơ hội vẫn còn cho tất cả các sản phẩm OTT. Ngoài việc cải thiện tính năng giao tiếp, như nhắn tin, gọi điện, Zalo sẽ tập trung phát triển tính năng mạng xã hội sao cho tiện lợi để tạo ra sự khác biệt.

    Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 4 vừa qua, ông Talmon Marco, Giám đốc Viber cũng khẳng định, Viber ra mắt phiên bản tiếng Việt để phù hợp hơn với người dùng, qua đó gia tăng số lượng người dùng Viber mới, đạt tới hàng chục triệu người dùng vào cuối năm nay.

    Đại diện VTC Online cũng cho biết, Kakao Talk sẽ tập trung giới thiệu và lựa chọn những dịch vụ, tiện ích để phục vụ tốt hơn người dùng (như dịch vụ Kakao Story để chia sẻ ảnh, Kakao Album để tạo ra các album…).

    Để chiếm “ngôi vương” trên thị trường, Zalo (VNG), Kakao Talk (Kakao Corp), Line (NHN) đã không tiếc tiền của, công sức để “tạo sóng” thu hút người dùng thông qua việc tạo ra các chiến dịch truyền thông trên các trang mạng xã hội, thuê Blogger viết bài PR…

    Những thay đổi liên tục trong các bảng xếp hạng về lượng người mới sử dụng dịch vụ OTT cho thấy, hiện chưa một dịch vụ nào chiếm vị trí độc tôn. Tuy nhiên, đã có sự xáo trộn rõ nét, đã có những dịch vụ “bật” lên, nhưng có một số dịch vụ bị chìm nghỉm.

    Việc xác định “ngôi vương” cho ứng dụng OTT còn phụ thuộc vào các tiêu chí, phân khúc khác nhau, như ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí trên máy tính, di động và ứng dụng nhắn tin, gọi điện hoàn toàn từ di động đến di động. Song điều quan trọng nhất để chiếm ngôi đầu là các DN cung cấp dịch vụ cần phải thu hút được nhiều người dùng nhất, thu phí nhiều nhất từ dịch vụ giá trị gia tăng và hợp tác tốt với nhà mạng để đưa ra gói cước phù hợp với lợi ích các bên.

    Chỉ khi đồng thời đạt được cả 3 điều này, DN có dịch vụ đó mới thực sự chiếm được ngôi vương trên thị trường.

    Theo Tú Ân
    Báo đầu tư

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ