Facebook đang cho các ứng dụng OTT trên đất Việt “hít khói”

    Huê Tửu,  

    (GenK.vn) - Khi mà cuộc chiến trên mặt trận OTT Việt Nam giữa Viber, Zalo, Line, Kakao Talk đã dần phân định thứ hạng, Facebook tung cú đấm thôi sơn vào tất cả.


     

    Hơn 1 tuần trở lại đây, ứng dụng Facebook Messenger liên tục đứng đầu bảng xếp hạng free của Appstore Việt Nam. Trong khi các ông lớn OTT tại Việt Nam đang mải cạnh tranh nhau con số hàng triệu người dùng, thì ứng dụng của Facebook đang nhắm tới con số hàng chục triệu.

    Với những tính năng tương tự OTT như sử dụng trực tiếp danh bạ số điện thoại của người dùng và thành viên đông đảo vượt trội, Facebook đang chứng tỏ họ không muốn bỏ qua mảnh đất màu mỡ này.

     Facebook Mes

    Facebook Messenger đang chứng tỏ sức mạnh khó lòng địch lại

    Hiện tại Facebook đã sở hữu khoảng 14,4 triệu người dùng smartphone ở Việt Nam, theo Facebook Ads. Trong khi đó, ứng dụng nhắn tin miễn phí số 1 tại Việt Nam hiện nay là Viber mới chỉ có khoảng 8 triệu người dùng, theo chia sẻ của CEO Viber Talmon Marco.

    Theo đánh giá cá nhân của tác giả, bản Facebook Messenger trên iOS thực sự là cuộc cải tổ thành công của Facebook. Ở bản trước kia, tin nhắn Facebook loading rất chậm và thường bị lag, khó sử dụng trên mạng 3G. Trong khi ở bản hiện tại, Facebook Messenger tải tin nhắn rất nhanh, hơn nữa có giao diện khá tương đồng với iMessage trên iPhone, đem đến cảm giác quen thuộc cho người sử dụng.

    Với sự cải tiến như vậy, Facebook Messenger đang lôi kéo trở lại những người đã từng xóa ứng dụng này cài lại và tận hưởng nhắn tin miễn phí, khi mà dường như những người trẻ bạn quen đều có sử dụng Facebook. (90% số lượng người dùng Facebook ở Việt Nam nằm trong độ tuổi dưới 30).

    Ngoài những người dùng cũ, Facebook đang rất mạnh tay lôi kéo người dùng ứng dụng Facebook cài Facebook Messenger, nhất là trên iPhone. Chỉ riêng vấn đề marketing trực tiếp và gần như miễn phí như thế, Facebook Messenger đến với người tiêu dùng dễ hơn rất nhiều so với các ứng dụng OTT hiện đang quảng bá tại Việt Nam. Dù các ứng dụng như LINE hay Zalo đã và đang đổ hàng đống tiền vào quảng cáo và marketing. Những chiêu lôi kéo đầy quyến rũ và lượng người dùng Facebook khổng lồ ở Việt Nam là "hậu phương" vững chắc cho ngôi vị số 1 của Facebook trên bảng xếp hạng ứng dụng, vị trí có thể đem đến hàng chục nghìn lượt tải mỗi ngày.

     Facebook đang tích cực mồi chài người sử dụng Facebook Apps cài Messenger của mình

    Facebook đang tích cực mồi chài người sử dụng Facebook Apps cài Messenger của mình

    Còn trên Android, có lẽ Facebook chưa tự tin lắm về ứng dụng của mình khi chưa quảng bá mạnh cho sản phẩm này. "Gạch đá" tới tấp trên Google Play cho bản cập nhật mới là câu trả lời rõ ràng nhất cho chất lượng sản phẩm Facebook Messenger trên Android.

     Facebook Messenger trên Android chịu rất nhiều

    Facebook Messenger trên Android chịu rất nhiều "gạch đá" của người dùng dù vừa được nâng cấp lên phiên bản mới.

    Đó cũng là một lẽ dĩ nhiên khi phát triển ứng dụng trên Android “nhiêu khê” hơn rất nhiều so với trên iOS. Các nhà phát triển ứng dụng thường than trời khi đưa ứng dụng lên hệ điều hành của Google. Không chỉ là vấn đề phiên bản hệ điều hành không tương thích, hay kích cỡ màn hình. Đôi khi trên cùng dòng máy, cùng phiên bản, nhưng có máy ứng dụng hoạt động trơn tru, có máy ứng dụng “lăn ra chết” chẳng hiểu vì sao. Ngay tại Tổng hành dinh, Facebook cũng phải đăng biểu ngữ kêu gọi các nhà phát triển sử dụng Android, thậm chí đưa ra chương trình “cấm sử dụng” iPhone để các nhà phát triển tập trung vào Android.

    Nhưng với tiềm lực khổng lồ của mình, việc Facebook Messenger chạy mượt mà trên Android chỉ còn là vấn đề thời gian. Hiện Facebook Messenger đang đứng thứ 8, khu vực các ứng dụng miễn phí trên Google Play Việt Nam. Zalo đang đứng trên Facebook Messenger khi chiếm vị trí thứ 2. Nhưng một lưu ý là Facebook vẫn đang dẫn đầu khu vực ứng dụng miễn phí tại Việt Nam. Và khi Facebook Messenger hoạt động tốt trên Android, kết hợp với sức tuyên truyền mạnh mẽ của Facebook, vị trí số 1 của Facebook Messenger là không có gì khó tưởng tượng.

    Ngoài Facebook ra, như GenK đã phân tích, các ứng dụng nhắn tin miễn phí còn phải dè chừng 2 ông lớn khác là Skype hay Yahoo Messenger.

    Về cuộc chiến của riêng các ứng dụng nhắn tin miễn phí trên đất Việt, hiện Viber đang dẫn đầu với 8 triệu người dùng. Con số của Zalo là khoảng 5 triệu người dùng, theo công bố chính thức cuối tháng 9 của VNG. Gần đây, khi chạm cột mốc 500 triệu người dùng trên toàn thế giới LINE công bố đang sở hữu 4 triệu người dùng tại Việt Nam. 

    Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nhận xét, số liệu về “số lượng người dùng” của các ứng dụng này công bố có lẽ chỉ là tổng lượng cài đặt của ứng dụng. Bởi nếu thực sự lượng người dùng Viber hàng tháng là 8 triệu, sẽ chiếm gần nửa số thuê bao 3G đang hoạt động tại Việt Nam (tổng số thuê bao 3G tại Việt Nam hiện nay là khoảng 18,9 triệu, theo VnEconomy). Tỷ lệ như vậy là “không thể tưởng tượng được”. Theo phân tích, tổng lượng người dùng hàng tháng của các ứng dụng này nằm vào khoảng từ ½ tới 2/3 số liệu họ công bố.

    Ứng dụng cuối cùng có hoạt động quảng bá tại Việt Nam là Kakao Talk thì “bất động” với con số 1 triệu người dùng công bố từ đầu năm nay. Thất bại của Kakao Talk được một số ý kiến trong giới công nghệ cho rằng là do công ty này đã “quá tin tưởng” giao mảng truyền thông – marketing cho một số đối tác thiếu kinh nghiệm tại Việt Nam.

    Một ứng dụng khá nổi tiếng trên thế giới là Whatsapp thì dường như không quan tâm tới thị trường Việt Nam, khi không công bố số lượng người dùng cũng như tổ chức hoạt động truyền thông tại nước ta, dù đã có phiên bản tiếng Việt và trang chủ ứng dụng dành cho tiếng Việt. Ứng dụng này đạt mốc 350 triệu người dùng trên thế giới, và là một trong những ứng dụng nhắn tin miễn phí xuất hiện sớm nhất, từ thời feature phone Nokia còn làm mưa làm gió thị trường thế giới.

    Một khó khăn nữa của các ứng dụng OTT hoạt động tại nước ta là vấn đề hợp tác với nhà mạng. Trong khi các công ty sỡ hữu ứng dụng OTT tỏ ra khá “nghe lời” nhà mạng và sẵn sàng cho việc hợp tác, thì các nhà mạng vẫn đang nói nước đôi. Và đâu đó thông tin trong giới công nghệ cho rằng nhà mạng đang tự phát triển dịch vụ OTT của riêng mình. Nếu như vậy, các ứng dụng OTT đứng trước tình cảnh 3 cơn sóng dữ, một bên là giá 3G hứa hẹn còn tăng tiếp, một bên là ứng dụng OTT “con cưng” của nhà mạng và bên cuối cùng là cú đấm trời giáng của những gã khổng lồ như Facebook.

    Liệu ứng dụng nhắn tin miễn phí như LINE, Kakao Talk có tiếp tục trở thành “những mối đe dọa Facebook từ châu Á” như báo chí phương Tây từng ca ngợi, hay sẽ sớm gục ngã trước đòn tấn công của những ông lớn?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày