Nhà mạng sẽ tăng cước 3G hay ra gói cước OTT?

    PV,  

    Hàng ngàn tỷ đồng của nhà mạng bị mất mỗi năm vì các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí của các nhà cung cấp dịch vụ OTT. Trước những thiệt hại đó nhà mạng đã phải tính phương án đối phó với OTT.

    Nhà mạng sẽ tăng cước 3G hay ra gói cước OTT?
     

    “Người này đầu tư – người kia hưởng lợi”

    Hiện 3 mạng di động lớn nhất của Việt Nam là MobiFone, VinaPhone và Viettel đều tuyên bố đã phủ sóng 3G đến hơn 90% diện tích dân số với số tiền đầu tư lớn nhưng giá 3G đang bán ra ở dưới giá thành. Theo tính toán của các mạng di động Việt Nam, 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn khoảng 40 lần so với các nước châu Âu. Trong khi 3G đang lỗ thì việc nở rộ các dịch vụ các dịch vụ OTT miễn phí SMS và thoại chạy trên nền 3G đang là nỗi ám ảnh đổi với nhà mạng bởi nó gây thất thu cho nhà mạng hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

    Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, trong thời gian đầu triển khai dịch vụ 3G, để thu hút người dùng và để kích cầu cho thị trường, doanh nghiệp đã phải bấm bụng bán dưới giá thành, đưa ra mức cước rất rẻ. Đồng thời, Bộ cũng chưa quản lý giá cước để tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi số lượng thuê bao và tỷ lệ sử dụng 3G đã tăng mạnh, thì doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại giá cước tiệm cận với giá thành, nhất là trong bối cảnh các ứng dụng OTT đang nở rộ. Việc giá cước 3G sẽ dần dần đi lên dựa trên cơ sở giá thành là một xu hướng tất yếu.

    Nỗi ám ảnh của dịch vụ OTT không chỉ ở Việt Nam mà là vấn đề phổ biến trên thế giới hiện nay. Rene Obermann, CEO của Deutsche Telekom, đã miêu tả dịch vụ OTT là: “You invest – We take the profit” (tạm dịch: Người này đầu tư – người kia hưởng lợi). OTT đã khiến doanh thu nhà mạng sụt giảm, nên phần nào khiến họ không nhiệt tình đầu tư vào mạng lưới nữa.

    Nhà mạng tính chuyện ứng phó với OTT

    Hiện cả 3 mạng di động Viettel, MobiFone và VinaPhone đều khẳng định không thể chặn các dịch vụ OTT vì đây là xu hướng “không cưỡng lại được”. Thế nhưng, ứng phó với dịch vụ OTT như thế nào để viễn thông Việt Nam không xụp đổ vì những ứng dụng miễn phí đang bùng nổ là vấn đề được nhà mạng bàn thảo nhiều hiện nay.

    Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà mạng của Việt Nam sẽ phải học các nước đã đưa ra chính sách ứng xử với OTT như đưa ra gói cước 3G có cả OTT hoặc tăng cước 3G để bù đắp vào khoản thất thu vì các ứng dụng thoại và SMS miễn phí. Phía Viettel đưa ra ví dụ tại Mỹ, dịch vụ OTT không tác động quá nhiều đến bài toán doanh thu của các mạng di động vì cước dữ liệu của họ ở mức 10 USD/1GB. Ngoài ra, các nhà mạng cũng xóa bỏ những mức cước không giới hạn và quy định tăng dung lượng các gói ở mức 1GB nên người dùng dù chỉ sử dụng 100 Mb vẫn phải nộp mức phí 10 USD cho 1 GB dữ liệu. Đó thực chất là quá trình cân đối lại giá cước mà các nhà mạng thế giới đang áp dụng.

    Ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng Ban Viễn thông của VNPT cho biết, các giải pháp có thể áp dụng đối với dịch vụ OTT gồm: bắt tay với doanh nghiệp nội dung để đưa ra gói cước mới, ăn chia doanh thu với những doanh nghiệp nội dung như ở Pháp (các nhà mạng nước này đã đòi ăn chia với Google nếu không sẽ "bóp" băng thông đối với các dịch vụ của Google hay thu phí, kiểm soát thông qua các biện pháp kỹ thuật). Trên cơ sở đó, VNPT sẽ ngồi lại, thống nhất với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, nhà mạng và nhất là quyền lợi của người dùng di động.

    Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc MobiFone cho rằng có thể ra gói cước cho OTT. Gói cước này sẽ được gán với số điện thoại của nhà mạng và khách hàng sẽ có được quyền lợi là đảm bảo chất lượng dịch vụ. Gói cước này bù đắp cho những phần suy giảm vì các ứng dụng miễn phí của dịch vụ OTT. Ông Nguyễn Đăng Nguyên nhấn mạnh, nếu nhà mạng không có được nguồn thu sẽ không còn sức để đầu tư vào hạ tầng. Nếu không có hạ tầng thì sẽ không còn môi trường để cung cấp dịch vụ OTT và lúc đó khách hàng sẽ là người bị thiệt hại.

    Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom cho rằng cần phải có sự điều chỉnh nào đó về cước 3G hoặc có gói cước riêng cho OTT để nhà mạng đảm bảo nguồn thu. Khi nhà mạng có nguồn thu mới đảm bảo được tái đầu tư phát triển mạng lưới và cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng. Ông Hoàng Sơn cũng khẳng định, để có được chính sách này cần các mạng cùng thực hiện tránh trường hợp cạnh tranh theo kiểu mạng thực hiện, mạng không. Như vậy, các thuê bao sẽ đổ về nhà mạng không thực hiện chính sách cước OTT và như vậy các mạng lại chạy đua vào đường chết.

    Tại cuộc họp với Bộ TT&TT mới đây, đại diện MobiFone và Viettel đều đưa ra ý kiến muốn Bộ TT&TT đưa ra quy định các gói cước cũng như giá sàn cước dữ liệu để tránh việc các doanh nghiệp di động cạnh tranh quá mức dẫn đến phá giá.

    Trước vấn đề này, Thứ trưởng Thắng cho biết, hạ tầng 3G của Việt Nam hiện khá tốt nhưng ứng dụng lại yếu. Bộ sẽ xem xét để xây dựng cơ chế hình thành mối quan hệ giữa các ứng dụng OTT, các nhà cung cấp nội dung (CSP) và nhà mạng (telco) trong thời gian tới, theo quan điểm các bên cùng có lợi. Nhưng trên thực tế, mối quan hệ căng thẳng giữa nhà mạng và các ứng dụng OTT ở phạm vi toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Mỗi nước căn cứ chính sách, điều kiện của mình để đưa ra chính sách, chiến lược khác nhau trước vấn đề này. Quan điểm của Bộ là phải tìm cách giải quyết sao cho người dùng đạt được lợi ích cao nhất.

    Theo Mai Anh
    Xã hội thông tin

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ