Viettel mua lại Kakao Talk của Hàn Quốc: Liệu có khả thi?

    Huê Tửu,  

    (GenK.vn) - Đầu năm mới, bên cạnh tin mừng về doanh thu khủng của game Việt Flappy Bird,Viettel đang gây xôn xao giới công nghệ nước nhà khi cho biết đang có ý định mua lại Kakao Talk.

    Kakao Talk đang thống trị thị trường Hàn Quốc nhưng khá yếu ở Việt Nam.

    Kakao Talk đang thống trị thị trường Hàn Quốc.

    Theo Viettel, công ty này đang muốn hợp tác hoặc mua lại các dịch vụ OTT, trong đó tiêu điểm là Kakao Talk. Hiện hai bên đang đàm phán và có hai phương thức đang được cân nhắc. Một là Viettel sẽ mua lại toàn bộ KakaoTalk, hai là hai bên sẽ thành lập liên doanh để khai thác thị trường Việt Nam.

    Từ trước tới nay, các nhà mạng vẫn coi các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí nền OTT là nguyên nhân gây sụt giảm doanh thu của họ. Có nhà mạng cho biết họ mất hàng nghìn tỷ đồng vì OTT mỗi năm. Đợt tăng giá cước 3G đầu tháng 10 năm trước cũng được nhiều người đánh giá là do một phần lớn vì sự sụt giảm do OTT mang lại. Tuy nhiên gần đây có vẻ các nhà mạng và các ứng dụng OTT đang gần gũi nhau hơn để tìm tiếng nói chung.

    Các ứng dụng OTT giúp người dùng có thể thực hiện nhắn tin, gọi điện thoại, gọi điện video cho người thân, bạn bè mà không mất tiền, chỉ phải trả tiền cước 3G hoặc internet wifi. Mức giá thuê bao gói cước 3G không giới hạn dung lượng là 70.000 đồng/tháng hoặc giá cước internet thấp nhất vào khoảng 120.000 đồng/tháng. Vì thế nhiều người dùng đã so sánh với giá cước cuộc gọi và tin nhắn của nhà mạng để nhảy qua sử dụng OTT làm phương tiện liên lạc chính.

    Thị trường Việt Nam là một sàn đấu sôi động của các công ty OTT. Sau cuộc đại chiến đầu năm trước, nay ngôi thứ tại thị trường đã phân rõ ràng. Viber đứng đầu với 8 triệu người dùng tại Việt Nam, Zalo xếp sau với 7 triệu, LINE đứng thứ 3 với 4 triệu, Kakao Talk công bố đạt 1 triệu người dùng từ đầu năm 2013 và hiện chưa có cập nhật gì thêm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, số lượng người dùng của các ứng dụng ở Việt Nam có thể chỉ là lượng tải về, số lượng người sử dụng thực hàng tháng đáng ra phải thấp hơn. Ngoài OTT, một số ứng dụng smartphone được sử dụng nhiều vào việc nhắn tin và gọi điện miễn phí như Skype, Facebook Messenger, Yahoo Messenger cũng có lượng người dùng đông đảo.

    Kakao Talk đang được đánh giá là công ty yếu nhất tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, công ty này lại rất thành công ở quê hương Hàn Quốc. Kakao Talk chiếm khoảng 93% lượng người dùng smartphone ở Hàn Quốc, theo Nielsen. Cuối tháng 12/2013, công ty này dự đoán họ đạt khoảng 200 triệu USD doanh thu, so với con số 42 triệu USD của năm trước.

    Mạnh mẽ ở Hàn Quốc như vậy, nhưng Kakao Talk lại khó khăn trong việc mở rộng thị trường, khi các nước lân cận cũng có nhiều đối thủ trấn giữ. Tại Nhật Bản là LINE và tại Trung Quốc là WeChat. Mong muốn mở rộng thị trường ra các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Phillipines dường như không đạt được kỳ vọng của hãng.

    Trở lại câu chuyện Viettel muốn “mua đứt” Kakao Talk, một chuyên gia công nghệ nhận định đây là điều bất khả thi.

    Thứ nhất, lượng tiền của Viettel có thể không đủ để mua Kakao Talk. Vào tháng 10 năm trước, từng có tin đồn KakaoTalk có kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và công ty được định giá vào khoảng 5 tỷ USD. Nhưng ngay sau đó KakaoTalk phủ nhận tin này. Một số công ty phân tích định giá KakaoTalk vào khoảng 1,5 tỷ đến 2 tỷ USD.

    Viettel rất mạnh ở thị trường Việt Nam, nhưng như thế là chưa đủ để mua đứt Kakao Talk.

    Viettel rất mạnh ở thị trường Việt Nam, nhưng như thế là chưa đủ để mua đứt Kakao Talk.

    Doanh thu của Viettel năm 2013 đạt 162,886 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 26.413 tỷ đồng. Như vậy, nếu mua trọn Kakao Talk thì Viettel sẽ phải bỏ ra nguyên một năm lợi nhuận sau thuế của mình, một con số không tưởng. Hơn nữa, Tập đoàn viễn thông Quân đội còn rất nhiều hạng mục đầu tư, riêng việc đầu tư vào Viettel Global (công ty phụ trách các dự án nước ngoài của Viettel) đã "ngốn" của Viettel 12.100 tỷ đồng.

    Thứ hai, Viettel khó lòng mua trọn Kakao Talk. Kakao Talk là một doanh nghiệp không lớn ở thị trường Hàn Quốc nhưng hiện hãng đang thống trị thị trường nước này ở mảng ứng dụng nhắn tin, gọi điện. Vì thế việc mua lại KakaoTalk có thể gặp khó khăn từ sự ngăn trở của chính phủ Hàn Quốc. Hơn nữa, một cuộc mua bán công ty toàn cầu thường mất từ 1 – 2 năm làm thủ tục. Và với sự phá triển như vũ bão của thị trường, 1 năm là quá dài và có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

    Theo vị chuyên gia trên, rất có thể Viettel chỉ muốn mua lại bộ máy vận hành của Kakao Talk ở Việt Nam, sau đó sẽ triển khai kinh doanh ứng dụng này tại thị trường nước ta. Nếu như vậy, giá trị của thương vụ cũng nhỏ hơn nhiều và nằm trong khả năng của Viettel. Với KakaoTalk, việc bán lại cho Viettel mảng kinh doanh ở Việt Nam để khai thác tốt thị trường Hàn Quốc và tập trung vào các thị trường dễ thở hơn là một lối thoát tốt.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ