Nếu các bậc cha mẹ Việt cảm thấy ngại khi dạy con về giáo dục giới tính, hãy học theo startup Ấn Độ này kể chuyện Rùa và Thỏ

    PV,  

    "Đa số tất cả chúng ta đều nhớ tới câu chuyện thỏ và rùa, nhưng tôi đố các bạn nhớ được định lý Pythagore đấy? Vậy tại sao chúng ta không đưa những truyện ngụ ngôn như vậy vào việc giảng dạy giáo dục giới tính nhỉ?"

    Ameen Haque là người sáng lập ra Storywallahs - startup hoạt động ở mảng diễn thuyết. CEO này luôn muốn làm sống lại nền văn hóa kể chuyện và giúp việc học trở nên vui vẻ, đơn giản và đặc biệt là ghi nhớ được kiến thức lâu hơn.

    Một trong những phương pháp được CEO Storywallahs sử dụng là đưa truyện ngụ ngôn vào việc giảng dạy từ kĩ năng sống, toán học, khoa học và cả giáo dục giới tính .

    Giáo dục giới tính không thể chỉ là một tiết học

    "Giáo dục giới tính thường là một bài học môn sinh trên ghế nhà trường. Với việc không có chương trình giảng dạy đúng cách, nó không đem lại nhiều hiệu quả cho lắm.

    Điều này khiến học sinh sẽ không biết hình ảnh cơ thể mình thế nào, bình đẳng giới tính ra sao, khuynh hướng tình dục là gì… Và chúng tôi đến đây để cải thiện điều đó", Ameen phát biểu trong buổi diễn thuyết.

    Đơn giản là vì giáo dục giới tính tại Ấn Độ chưa phải môn học bắt buộc.

    "Không thể để môn giáo dục giới tính này là một môn tự chọn được. Không phải chúng ta học về giải phẫu cơ thể chúng ta, mà chúng ta đang học việc cảm nhận và phản ứng với những vấn đề tâm sinh lí của người trẻ. Đó là điều ai trong chúng ta cũng phải đối mặt khi đến tuổi dậy thì", Ameen rất quả quyết trong vấn đề này.

    Hiện tại, Storywallahs đang phát triển chương trình giáo dục giới tính , kéo dài 36 tuần với các chuyên gia trong chủ đề này tại Ấn Độ.

    Rất may mắn, startup này nhận được sự trợ giúp từ Enford - một tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ trẻ em và giáo dục giới tính, cũng như Tarshi - một tổ chức làm việc về sức khỏe tình dục và sinh sản.

    Họ đã tìm ra phương pháp sử dụng "đúng từ ngữ" khi thảo luận, nhằm giúp loại bỏ cảm giác xấu hổ của các học sinh khi tham gia chương trình.

    Kết quả là mỗi khi nhắc tới các vấn đề nhạy cảm, học sinh được giáo dục giới tính thông qua cách kể chuyện tại Ấn Độ đã không còn thói quen né tránh vấn đề. Ngược lại, những đứa trẻ này cảm thấy đây là một chủ đề gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp thu.

    Tất nhiên, giáo dục giới tính vẫn là chủ đề gây tranh cãi

    Năm 2014, tràn lan khắp mặt báo là việc Bộ trường Bộ Y Tế Ấn Độ cho rằng chương trình giáo dục giới tính trong trường học nên bị cấm.

    Thế nhưng, với quá nhiều phản đối công khai từ phía người dân, ông này đã buộc phải "làm rõ" lại ý kiến của mình là chỉ mong muốn cấm cản những từ ngữ thô tục. Nhìn vào vụ việc này, có thể thấy, chủ đề giới tính ở Ấn Độ vẫn là vấn đề cấm kị, gây nhiều tranh cãi.

    Điều này càng khiến CEO Ameen thêm quyết tâm gắn bó với Storywallahs:

    "Chắc chắn, vấn đề giáo dục giới tính luôn nhạy cảm, nhưng chúng ta đều phải đối mặt với nó. Đây là cách chúng ta sẽ phòng chống AIDS, hãy cứ coi đây là nguyên tắc tự nhiên đi!"

    Trên thực tế, giáo dục giới tính trong trường học luôn là vấn đề cấp bách hàng đầu.

    Số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, các vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên đang ngày một gia tăng, nhất là tại Ấn Độ.

    "Quan trọng là chúng ta phải biết cách trò chuyện, giảng giải kiến thức cho thanh thiếu niên về giới tính và tình dục. Tôi tin rằng, chỉ 2 - 3 năm nữa, các bậc phụ huynh sẽ còn yêu cầu nhà trường giảng dạy thêm về vấn đề này".

    Với cương vị là CEO của startup Storywallahs, Ameen Haque kì vọng, sự đóng góp của anh lẫn các thành viên trong công ty sẽ thay đổi được nền giáo dục vốn cũ kĩ tại Ấn Độ.

    Với việc đào tạo, chỉ dẫn các giáo viên ở trường học, hoặc phụ huynh cách tiếp cận với các vấn đề nhạy cảm thông qua phương pháp kể chuyện, anh mong muốn thế hệ thanh thiếu niên tại Ấn Độ sẽ sớm nhận thức rõ ràng hơn về giới tính.

    Theo Trí Thức Trẻ/Cafebiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ