Nếu từ nhỏ tới lớn, bạn đều tiêm vắc-xin vào một bên tay trái: Nhà khoa học gốc Việt này sẽ chúc mừng bạn vì một lý do đặc biệt
Với những ai đã tiêm vắc-xin bên tay phải cũng đừng buồn, chỉ cần họ không đổi tay, hiệu quả này cũng vẫn được duy trì.
- Tại sao người sinh trước năm 1957 thường có miễn dịch sởi tự nhiên: Trường hợp nào vẫn cần tiêm vắc xin sởi?
- Vắc-xin trị ung thư Nga sắp thử nghiệm trên người
- Lần đầu tiên tạo ra vắc xin HIV kích hoạt kháng thể miễn dịch hiếm ở người
- Vắc-xin HIV trở thành sự thật, hy vọng mới cho hàng triệu người đã đến
- Vắc xin AstraZeneca gây đông máu, Bộ Y tế nói: 'Không cần quá lo ngại'
Sống đến ngần này tuổi rồi, có lẽ bạn đã không ít lần đi tới trung tâm y tế để tiêm chủng. Từ những mũi vắc-xin viêm gan B và tiêm lao đầu đời cho đến những mũi vắc-xin COVID-19 trong đại dịch, và gần nhất là vắc-xin cúm A hoặc cúm mùa nhắc lại.
Nhưng lần nào cũng vậy, khi đối mặt với một nhân viên y tế tại trạm tiêm chủng, họ sẽ cho bạn 2 lựa chọn: Bên trái hay bên phải?

Không giống như việc chọn viên thuốc màu xanh hay màu đỏ trong bàn tay của Morpheus, bạn nghĩ tiêm vắc-xin vào tay trái hay tay phải thì có khác gì nhau đâu?
Nhưng trên thực tế, chúng có tạo ra sự khác biệt – rõ rệt là đằng khác.
Một nghiên cứu mới của giáo sư Phan Giang Trí, tại Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia vừa mới tìm thấy lợi ích bất ngờ của việc tiêm các mũi vắc-xin trên cùng một bên tay.
Theo đó, nếu từ bé đến lớn bạn chỉ tiêm vắc-xin bên bắp tay trái, hoặc tay phải, nhưng phải nhất quán cùng một bên, bạn sẽ nhận được một hiệu ứng tăng cường miễn dịch khiến các mũi vắc-xin ấy trở nên hiệu quả hơn.
"Đây là một khám phá cơ bản về cách mà hệ miễn dịch tự tổ chức để phản ứng tốt hơn với các mối đe dọa bên ngoài – thiên nhiên đã tạo ra hệ thống tuyệt vời này và chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu về nó", giáo sư Trí cho biết.

Tác giả nghiên cứu giáo sư Phan Giang Trí, tại Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia
Khi nói đến vắc-xin, vị trí tiêm hóa ra cũng quan trọng
Khi tiêm vắc-xin, một phiên bản vô hại của mầm bệnh, gọi là kháng nguyên vắc-xin, được đưa vào cơ thể. Kháng nguyên này sau đó được lọc qua các hạch bạch huyết, nơi hoạt động như một "trại huấn luyện" của hệ miễn dịch, giúp cơ thể chuẩn bị đối phó với mầm bệnh thật nếu gặp phải.
Các nhà khoa học trước đây đã nghiên cứu sự hoạt động của một loại tế bào miễn dịch gọi là tế bào B ký ức, một loại tế bào có nhiệm vụ ghi nhớ kháng thể của một mầm bệnh để tiêu diệt nó khi mầm bệnh quay trở lại.
Họ nhận thấy các tế bào B ký ức thường "trú ngụ" ở những hạch bạch huyết trên cơ thể ở gần vị trí tiêm nhất. Các tế bào này sau đó sẽ di chuyển đến lớp ngoài của hạch bạch huyết, và tương tác chặt chẽ với các đại thực bào.
Đúng như tên gọi của nó, đại thực bào là những tế bào miễn dịch trong hệ bạch huyết, có khả năng nuốt chửng các mầm bệnh như vi khuẩn hoặc virus rồi tiêu hóa chúng.

Đại thực bào đang nuốt một vi khuẩn.
Không chỉ đóng vai những "chiến binh" tiêu diệt mầm bệnh, đại thực bào mà còn có vai trò như "người đưa tin". Sau khi tiêu diệt mầm bệnh, chúng trình bày các mảnh kháng nguyên (antigen) của mầm bệnh trên bề mặt mình để kích hoạt các tế bào miễn dịch khác, đặc biệt là tế bào T.
Điều này giúp hệ miễn dịch nhận diện và phản ứng mạnh mẽ hơn với mầm bệnh.
Nghiên cứu mới của giáo sư Trí phát hiện khi các liều vắc-xin được tiêm trên cùng một tay, nó sẽ kích hoạt các đại thực bào đang "đóng quân" ở cùng một hạch bạch huyết, từ đó tạo ra miễn dịch mạnh hơn.
"Đại thực bào được biết đến với khả năng 'nuốt chửng' mầm bệnh và dọn dẹp tế bào chết. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những đại thực bào ở hạch bạch huyết gần vị trí tiêm còn đóng vai trò trung tâm trong việc điều phối phản ứng vắc-xin hiệu quả cho lần tiêm tiếp theo", tiến sĩ Rama Dhenni, một nhà viễn dịch học tại Viện Garvan cũng là đồng tác giả nghiên cứu, giải thích.
"Vì vậy, vị trí tiêm thực sự rất quan trọng".

Thí nghiệm kiểm chứng
Trong nghiên cứu mới của mình, tiến sĩ Dhenni và giáo sư Trí đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng với 30 tình nguyện viên tiêm vắc-xin mRNA Pfizer-BioNTech ngừa COVID-19. Mười người được tiêm liều tăng cường vào cùng cánh tay với liều đầu tiên, trong khi mười người khác tiêm liều thứ hai ở cánh tay đối diện.
Kết quả cho thấy nhóm tiêm cả hai liều vào cùng cánh tay bắt đầu sản xuất kháng thể trung hòa virus ngay trong tuần đầu tiên sau liều thứ hai.
Những kháng thể này cũng hiệu quả hơn trong việc chống lại các biến thể nguy hiểm như Delta và Omicron. Sau 4 tuần, cả hai nhóm có mức kháng thể tương đương nhau. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ sớm này có thể đặc biệt quan trọng trong một đợt bùng phát dịch.
Nhà miễn dịch học Mee Ling Munier, một đồng tác giả khác của nghiên cứu, chia sẻ:
"Nếu bạn đã tiêm các mũi COVID ở hai cánh tay khác nhau, đừng lo – nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự khác biệt về mức độ bảo vệ sẽ giảm dần theo thời gian. Nhưng trong đại dịch, vài tuần bảo vệ sớm có thể tạo ra khác biệt lớn trên quy mô dân số.
Chiến lược tiêm cùng cánh tay có thể giúp đạt miễn dịch cộng đồng nhanh hơn, đặc biệt với các virus biến đổi nhanh, khi tốc độ phản ứng là yếu tố then chốt."

Hệ thống tuyệt diệu của tự nhiên
Cần lưu ý rằng nghiên cứu này có quy mô mẫu nhỏ, và một số nghiên cứu khác lại tìm thấy lợi ích khi đổi cánh tay tiêm. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục phát triển công trình này để hoàn thiện hướng dẫn tiêm chủng và nâng cao hiệu quả của vắc-xin.
"Nếu chúng ta có thể hiểu cách tái tạo hoặc tăng cường sự tương tác giữa tế bào B ký ức và đại thực bào, chúng ta có thể thiết kế các vắc-xin thế hệ mới cần ít liều nhắc lại hơn", giáo sư Trí cho biết.
Còn bây giờ, nếu bạn là một người kiên định và từ nhỏ đến lớn đều chọn một bên tay trái hoặc tay phải để tiêm vắc-xin, xin chúc mừng bạn vì lợi ích miễn dịch mà bạn đã nhận được.
Và trong lần tới, hãy nhớ tiêm mũi vắc-xin tiếp theo của mình vào cùng bên tay bạn đã chọn nhé.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cuộc chiến không hồi kết: "Trình duyệt CC" chặn quảng cáo, thách thức đế chế "hãng Y"
Người dùng internet không còn lạ lẫm gì trước những “chiêu” được "hãng Y" sử dụng, nhằm hạn chế việc người dùng sử dụng trình chặn quảng cáo.
Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện "máy tính lượng tử" ngay trong não người, mở đường cho thế hệ máy tính mới