Ngay giữa tâm điểm BPhone 2017, một nhà sản xuất smartphone Việt tuyên bố sẽ vào thị trường trong tháng này, mục tiêu bán 20 nghìn máy/tháng
Trong thời điểm thị trường smartphone đang dần bão hoà và có quá nhiều thương hiệu cạnh tranh, vì sao Asanzo lại muốn lao vào? Chúng tôi đã có một buổi gặp gỡ ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo, để tìm hiểu thêm về định hướng và chiến lược của hãng điện tử Việt Nam trong thời gian sắp tới ở thị trường này.
Như chúng tôi đã từng đưa tin vào giữa tháng 7 vừa qua, một hãng điện tử gia dụng của Việt Nam mang tên Asanzo đã bất ngờ đưa ra một số hình ảnh về hai chiếc smartphone họ dự định giới thiệu trong thời gian tới. Và cũng theo đại diện hãng, sản phẩm của họ sẽ ra mắt trong khoảng tháng 8 này, có nghĩa cùng tháng “ra đời" của một thương hiệu Việt khác là BPhone. Vậy trong thời điểm thị trường smartphone đang dần bão hoà và có quá nhiều thương hiệu cạnh tranh, vì sao Asanzo lại muốn lao vào? Chúng tôi đã có một buổi gặp gỡ ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo, để tìm hiểu thêm về định hướng và chiến lược của hãng trong thời gian sắp tới ở thị trường này.
Sản phẩm của Asanzo sẽ được giới thiệu trong tháng 8 này.
Vì sao đang là một nhà sản xuất TV, Asanzo lại quyết định mở rộng thêm mảng kinh doanh của mình sang smartphone? Asanzo có áp dụng được kinh nghiệm gì từ việc kinh doanh TV sang smartphone hay không?
“Trước đây khi quyết định vào ngành hàng TV, chúng tôi đã từng gặp nhiều ý kiến cho rằng thị trường này đã bão hoà và chuyện bước vào mảnh đất này là vô cùng liều lĩnh hoặc thậm chí là sai lầm. Thế nhưng, chúng tôi đã chứng tỏ được mình chỉ sau vài năm và bằng chứng cụ thể nhất là năm 2016 vừa qua đã phủ kín sản phẩm TV của Asanzo tại các tỉnh thành lớn nhỏ trên toàn quốc.”
Năm 2016 tivi Asanzo bán ra thị trường 500.000 chiếc, chiếm hơn 15% thị phần tivi bán ra trên toàn quốc. Riêng nửa đầu năm nay, Asanzo đã bán ra hơn 300.000 tivi, dự kiến sẽ đạt 18% thị phần trên toàn quốc.
Với dòng sản phẩm smartphone cũng như thế, tuy có bão hoà nhưng ông Tam cho rằng mình thấy được sự tiềm năng của nó hơn cả TV và tất nhiên, “không thử thì sao mà biết mình thành công hay không?”, ông cho biết.
Không tập trung vào phân khúc cao cấp hay cận cao cấp, Asanzo lại định hướng sản phẩm mình sẽ đi vào phân khúc giá rẻ, cụ thể là dưới 5 triệu đồng. Ông cho biết cuộc chơi ở vùng đất này vẫn còn rất nhộn nhịp và đây là cơ hội để giới thiệu đến người dùng thêm lựa chọn mới, đơn cử là thêm một sản phẩm thương hiệu Việt Nam mới.
Không xem các thương hiệu khác là đối thủ!
Đó là câu trả lời của ông Tam khi được đề cập về chuyện cạnh tranh với các đối thủ khác. Ngay cả khi chúng tôi đặt vấn đề ra mắt thời điểm trong tháng 8 liệu rằng có động thái gì cạnh tranh với BPhone hay không, ông Chủ tịch này vẫn cho rằng sản phẩm của mình nhắm đến phân khúc giá rẻ và không hề nghĩ đến chuyện cạnh tranh với bất kỳ ai. “Đây là một sân chơi lớn và chúng tôi cũng chỉ là một thành viên vừa mới đặt chân vào mà thôi.”
Vậy anh có tự tin rằng sản phẩm mình có đủ chỗ đứng trong một “rừng" thương hiệu ngày nay?
"Chúng tôi không bắt đầu từ con số 0".
“Asanzo sẽ tận dụng các hệ thống bán lẻ có sẵn trên toàn quốc (hiện tại đã có khoảng 6.000 cửa hàng), điều này có nghĩa chúng tôi không bắt đầu từ con số 0". Ông Tam cho biết các thương hiệu Trung Quốc hiện đổ bộ vào thị trường Việt Nam rất nhiều, nhưng không vì đó mà nản chí. Ngược lại ông cho rằng mình rất tự tin khi sản phẩm mình sẽ rẻ hơn và hướng đến có lợi cho người tiêu dùng nhiều hơn.
Thế mạnh của Asanzo không chỉ là giá, họ còn muốn đưa các “yếu tố Việt" vào bên trong chính sản phẩm của mình
“Chúng tôi muốn các sản phẩm của mình mang tính thuần Việt, cụ thể sẽ tích hợp các ứng dụng do chính các nhà lập trình Việt Nam làm ra mà chưa được nhiều người biết đến, đưa vào smartphone của Asanzo để phổ cập đến người dùng nước ta nhiều hơn. Chúng ta cũng có những phần mềm Việt, tại sao không tận dụng?”
Mục tiêu bán ra 20.000 smartphone/tháng!
Trong bối cảnh ảm đạm như hiện nay, chuyện đưa ra mục tiêu doanh số 20.000 sản phẩm điện thoại trong 1 tháng là điều khiến nhiều người phải bất ngờ. Thế nhưng, phía Asanzo lại xem đây là điều có thể làm được, kèm theo đó cho rằng chuyện thành công hay không còn phụ thuộc vào sự đón nhận của thị trường cũng như sẽ theo dõi liên tục để điều chỉnh cho phù hợp ở những mục tiêu và sản phẩm tiếp theo.
“Chúng tôi am hiểu thị trường nông thôn do đã từng thâm nhập vào nhờ các sản phẩm điện tử gia dụng, thế nên chúng tôi tin sản phẩm smartphone ở phân khúc tầm trung của Asanzo cũng đáp ứng được nhu cầu của họ ở mức tốt nhất, không chỉ về giá mà còn về độ hoàn thiện và hiểu được đối tượng người dùng.”
Không nặng nề về chuyện thất bại
Ông Tam cho biết ông không nặng nề về chuyện thất bại, bởi đưa sản phẩm smartphone ra thị trường cũng là một bước để mở rộng hệ sinh thái của hãng đến với nhiều người hơn, và cũng từ đó bộ mặt thương hiệu Asanzo chắc chắn sẽ được quan tâm, không chỉ ở chiếc điện thoại mà chắc chắn sẽ được biết đến các sản phẩm khác nữa.
Phía Asanzo cũng cho biết lộ trình trong 1 năm sẽ cho ra mắt từ 3 đến 4 sản phẩm smartphone, trong đó tháng 8/2017 này sẽ có 2 chiếc smartphone và cũng đang chuẩn bị cho sự ra mắt thêm một sản phẩm khác trong Quý IV năm nay.
Nhìn chung, sự xuất hiện thêm một thương hiệu Việt khác trên thị trường smartphone vẫn là một tín hiệu vui. Đây không chỉ là cơ hội để mở rộng thêm sự lựa chọn của khách hàng, mà còn là dấu hiệu cho thấy thương hiệu Việt vẫn có tiềm năng để phát triển. Liệu Asanzo có thành công với con số 20.000 smartphone/tháng? Chúng ta hãy cùng chờ xem.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương