Ngày này năm xưa: Giấc mộng iPhone màn hình sapphire của Apple tan thành mây khói

    Chíp,  

    Cho tới hiện tại, bốn năm đã trôi qua và chúng ta vẫn chưa được chứng kiến sự ra mắt của những chiếc iPhone có màn hình sapphire.

    Ngày 8/10/2014: Apple cho biết họ đã rất ngạc nhiên sau khi GT Advanced Technologies đệ đơn xin phá sản. Trước đó, nhiều tin đồn cho rằng GT là đối tác sản xuất và cung cấp màn hình kính sapphire siêu bền cho iPhone 6.

    iPhone với màn hình sapphire là một sự nâng cấp được nhiều người dùng mong đợi, hứa hẹn tạo ra những thiết bị bền bỉ hơn. Tuy nhiên, thông báo phá sản của GT đã đặt dấu chấm hết cho iPhone màn hình sapphire.

    Ngày này năm xưa: Giấc mộng iPhone màn hình sapphire của Apple tan thành mây khói - Ảnh 1.

    Màn hình sapphire dành cho iPhone 6 cực kỳ bền, chịu được dao đâm và chống xước tốt

    Cho tới tận khi iPhone 6 và 6 Plus được ra mắt, màn hình kính sapphire vẫn là một trong những nâng cấp lớn nhất được đồn thổi. Trước khi chúng được trình làng, tin đồn này đã khiến nhiều người phấn khích. Các video thử nghiệm độ bền, khả năng chống xước khi bị đâm, bị cắt bởi dao của màn hình sapphire trên iPhone 6 bị rò rỉ đã xuất hiện trên YouTube và thu hút rất nhiều lượt xem. Một khảo sát ở thời điểm đó cho thấy màn hình sapphire là tính năng được mong đợi nhất của iPhone 6.

    Để biến giấc mơ iPhone màn hình sapphire thành sự thật, Apple đã ký một thỏa thuận với GT vào tháng 11/2013. Thỏa thuận này bao gồm việc Apple sẽ thanh toán trước cho GT 578 triệu USD để đẩy nhanh tiến độ phát triển lò nung AFS công suất lớn thế hệ tiếp theo của GT. Nếu thành công, GT sẽ có thể sản xuất khối lượng lớn vật liệu sapphire và cung cấp màn hình sapphire cho Apple ở mức giá thấp.

    Quá trình sản xuất màn hình sapphire diễn ra ở một nhà máy trong khu vực Mesa, Arizona. Dù Apple chưa bao giờ công khai sự quan tâm của họ tới việc trang bị màn hình sapphire cho iPhone nhưng các tin đồn, thông tin rỏ rỉ khiến giá cổ phiếu của GT tăng mạnh.

    Thử nghiệm màn hình sapphire của iPhone 6 bị rò rỉ ra ngoài

    Đáng buồn là mối quan hệ đối tác của Apple và GT đã không diễn ra suôn sẻ. Không hài lòng với tiến độ của GT, Apple đã giữ lại khoản trả trước cuối cùng trị giá 139 triệu USD. Tỷ lệ sản lượng ở mức 25% hoặc thấp hơn đã khiến các lãnh đạo ở Cupertino thất vọng.

    Giấc mơ iPhone màn hình sapphire tan vỡ

    Thấy rằng không có bất cứ giải pháp nào, Apple đã quyết định ra mắt iPhone 6 mà không hề có màn hình sapphire. Điều này khiến cổ phiếu của GT lao dốc không phanh. Trước khi sự kiện ra mắt iPhone 6 diễn ra, CEO GT đã nhanh tay bán tháo cổ phiếu để đút túi 10 triệu USD.

    Và vào đầu tháng 10, GT đột nhiên nộp đơn xin phá sản. Trong tài liệu gửi tòa án, hãng này cho rằng Apple đã mang những tai ương đến cho họ. Hãng sản xuất màn hình sapphire nó rằng Apple đã áp đặt các điều khoản và những nghĩa vụ nặng nề cho họ.

    Cuối cùng, các yêu cầu từ phía Apple đã khiến nỗ lực không ngừng của GT trở thành một lựa chọn kinh doanh không khả thi, GT tuyên bố.

    Về phía mình, Apple tuyên bố rằng họ sẽ tập trung vào việc đảm bảo công ăn việc làm tại Arizona, nơi đặt nhà máy của GT. Nhà máy rộng hơn 120.000 mét vuông này sau đó đã trở thành trung tâm dữ liệu mới của Apple, cung cấp 150 việc làm toàn thời gian.

    Bốn năm sau mối tình "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" của Apple và GT, chúng ta vẫn chưa thấy sự xuất hiện của iPhone màn hình sapphire. Không biết tới khi nào giấc mơ iPhone màn hình sapphire mới trở thành sự thật khi mà hợp tác với Apple luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường cho các đối tác như thế này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày