Ngày này năm xưa: Microsoft chi 150 triệu USD để cứu Apple qua cơn hoạn nạn

    DG,  

    Năm 1997, khi Steve Jobs quay trở lại vị trí cao nhất của Apple, nhà Táo đang lâm vào 1 cuộc khủng hoảng tồi tệ với doanh số sụt giảm nghiêm trọng, chiến lược công nghệ thì quá lỗi thời. Nhưng giữa thời điểm khó khăn nhất, họ lại nhận được 1 khoản đầu tư khổng lồ đến từ chính đối thủ lớn nhất của mình, Microsoft.

    Apple và Microsoft là 2 trong số những thương hiệu công nghệ nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong nhiều thị trường sản phẩm khác nhau, đặc biệt là mảng máy tính và phần mềm hệ điều hành. Tuy nhiên, tròn 23 năm về trước, nếu không nhờ khoản đầu tư bất ngờ trị giá 150 triệu USD của Microsoft, chưa chắc chúng ta đã không được chứng kiến một nhà Táo với vị thế lớn mạnh như ngày nay.

    Ngày 6/8/1997, tại triển lãm Boston Macworld, cố Chủ tịch Steve Jobs của Apple - khi đó ông vừa mới trở lại tiếp nhận chức vụ tối cao này, đã tiết lộ về khoản đầu tư khổng lồ của Microsoft. Khi ấy, nhà Táo đang lâm vào tình cảnh 1 cuộc khủng hoảng tồi tệ khi doanh số quý 4 năm 1996 giảm đến 30% bởi những chiến lược công nghệ thất bại, thị trường máy tính gần như đã bị Microsoft thâu tóm hoàn toàn.

    Mặc dù được xem là 1 nghĩa cử cao đẹp của chủ tịch Bill Gates nhằm giúp nhà Táo vượt qua cơn khủng hoảng tại thời điểm lúc bấy giờ, nhưng số tiền 150 triệu USD đã mang lại không ít lợi ích cho chính Microsoft, cũng như đối thủ của mình.

    Ngày này năm xưa: Microsoft chi 150 triệu USD để cứu Apple qua cơn hoạn nạn - Ảnh 1.

    1997 là 1 năm quan trọng đối với Apple, khi họ đón chào sự trở lại của Steve Jobs, đồng thời còn nhận được khoản đầu tư lớn từ chính đối thủ của mình.

    Cụ thể, nhờ khoản đầu tư này, Microsoft đã nhận được những cổ phiếu không có quyền biểu quyết của Apple (non-voting share). Đồng thời, Steve Jobs cũng đồng ý sẽ giới thiệu trình duyệt độc quyền Internet Explorer của Microsoft trên các mẫu máy tính Mac. Đổi lại, ngoài số tiền 150 triệu USD, tập đoàn công nghệ của Bill Gates còn phải cam kết sẽ hỗ trợ các phần mềm Office cho Mac trong thời hạn ít nhất là 5 năm.

    Trong thời điểm khó khăn khi ấy, Apple vẫn đang nắm trong tay khoảng 1,2 tỉ USD tiền mặt dự trữ. Tuy nhiên, thừa còn hơn thiếu, khoản đầu từ 150 triệu USD vẫn là 1 món quà quý giá mà họ nhận được từ phía Microsoft. Quan trọng hơn, đây cũng là được xem là biện pháp hóa giải những tranh chấp giữa 2 thương hiệu này. Trong suốt 1 thập kỷ trước đó, nhà Táo đã liên tục gửi đơn kiện Microsoft vì hành vi sao chép giao diện của hệ điều hành macOS.

    Tuy nhiên, dường như những người yêu mến Apple lại không thực sự ủng hộ hành động “giúp đỡ” của Microsoft lúc bấy giờ. Có không ít người tham gia triển lãm Boston Macworld năm 1997 đã không ngừng la ó, bày tỏ sự phẫn nộ khi Steve Jobs tiết lộ về khoản đầu tư 150 triệu USD này. Mọi chuyện còn trở nên tồi tệ hơn khi hình ảnh của Bill Gates xuất hiện trên màn hình lớn của sân khấu, ngay giữa sự kiện của Apple.

    Thế nhưng, ngay sau đó Jobs đã xoa dịu fan hâm mộ với 1 thông báo cũng quan trọng không kém: Ông đã hoàn thành lại việc “thay máu” hoàn toàn ban lãnh đạo của Apple, với một hy vọng sẽ đưa nhà Táo bước vào kỷ nguyên mới tươi sáng hơn. Jobs chia sẻ: “Họ là 1 hội đồng lãnh đạo tồi tệ, quá sức tồi tệ”. Nhiều người cho rằng những nhận xét có phần cay nghiệt này một phần đến từ việc ban lãnh đạo của Apple đã thẳng tay sa thải Jobs vào năm 1985.

    Ngày này năm xưa: Microsoft chi 150 triệu USD để cứu Apple qua cơn hoạn nạn - Ảnh 2.

    Bên cạnh những tiết lộ về khoản đầu tư của Microsoft, Steve Jobs còn đưa ra thông báo chính thức về hội đồng lãnh đạo mới của Apple.

    Sau khi Jobs trở lại nắm quyền, chỉ có 2 thành viên trong hội đồng cũ được giữ lại, bao gồm Gareth Chang và Edward Woolard Jr, cũng là 2 người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ông hạ bệ người tiền nhiệm, Gil Amelio. Chia sẻ với Walter Isaacson, tác giả cuốn tiểu sử Steve Jobs, cố Chủ tịch của Apple cho biết: “Tôi hoàn toàn tán thành việc giữ chân Woolard và Chang. Với tôi, Woolard là 1 trong những nhà lãnh đạo tuyệt vời nhất mà tôi từng có cơ hội làm việc cùng. Anh ấy là người nhiệt tình và thông minh nhất mà tôi từng gặp. Còn Chang, sau tất cả, hóa ra lại chỉ là số 0 tròn trĩnh. Anh ấy không tệ, nhưng cũng không giỏi gì cả”. Sự ra đi quan trọng nhất có lẽ là của Mike Markkula, nhà đầu tư lớn đầu tiên của Apple, vào những năm 1970.

    Sau khi quá trình thay đổi nhân sự hoàn tất, ban lãnh đạo của Apple giờ đây bao gồm những cái tên rất phù hợp với phong cách làm việc cũng như tầm nhìn của Jobs. Trong đó có thể kể đến CEO của Intuit, William Campbell - một người bạn lâu năm của ông; Larry Ellison, chủ tịch Oracle; và Jerome York, cựu CFO của IBM và Chrysler.

    Trong 1 đoạn video phát sóng ngay tại Macworld, William Campbell cho biết: “Ban lãnh đạo cũ là những người đóng vai trò chủ chốt trong quá khứ của Apple, và đó là 1 quá khứ thất bại. Ban lãnh đạo mới sẽ mang đến một niềm hy vọng mới”.

    Chính những quyết định thay đổi nhân sự đúng đắn của Job đã đánh dấu cho 1 bước chuyển mình ngoạn mục của Apple. 21 năm sau, họ trở thành công ty Mỹ đầu tiên trong lịch sử được định giá 1 nghìn tỉ USD, và đến bây giờ vẫn đang băng băng tiến về cột mốc 2 nghìn tỉ USD mà khó có đổi thủ nào có thể cản nổi.

    Theo cultofmac

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ