Nghề đánh bắt “ngón tay quỷ”: Công việc không dành cho người yếu tim, để có được món hải sản quý giá bậc nhất phải mạo hiểm cả tính mạng

    Jayden, Theo Tri thức trẻ 

    Hà ngỗng là 1 trong những loài động vật có vỏ quý hiếm bậc nhất và ngư dân phải chấp nhận mạo hiểm để đánh bắt. Bởi chỉ cần một chút sơ sẩy, người ta có thể bị sóng cuốn phăng từ vách đá dựng đứng.

    Hà ngỗng (gooseneck barnacle) hay đằng hồ là một loài động vật chân khớp, có tập tính khoét thủng bề mặt đá rồi bám chặt vào đó. Chất dính mà nó tiết ra bền chặt đến nỗi người ta có thể dùng để chế tạo ra loại keo vá tàu khi bị thủng.

    Hà ngỗng có lớp vỏ cứng chắp lại với nhau nên còn được gọi là ốc "bàn tay Phật" ở Trung Quốc. Tuy nhiên, phần thịt bên trong lại dài, cong, mềm, đầu nhọn - hình dạng giống như cổ ngỗng nên được gọi là "hà ngỗng" hay "ốc cổ ngỗng". Dựa vào vẻ ngoài kỳ dị hiếm thấy, cũng có địa phương quen gọi món ăn đắt đỏ này là "ngón tay quỷ".

     Nghề đánh bắt “ngón tay quỷ”: Công việc không dành cho người yếu tim, để có được món hải sản quý giá bậc nhất phải mạo hiểm cả tính mạng - Ảnh 1.

    Hà ngỗng mới đánh bắt (ảnh: Youku)

    Dù tên gọi muôn hình vạn trạng nhưng từ Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đến Trung Quốc, ai cũng nhất trí rằng hà ngỗng là món ăn ngon lành, hiếm có với giá cả đắt đỏ.

    Hà ngỗng vô cùng khó đánh bắt bởi tập tính của nó: bám rất chắc vào vách đá cheo leo giữa biển. Tuy vậy, làng chài ở đảo Yangyu thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng về nghề bắt hà - báu vật ẩn giấu của đại dương. Được biết, một pound hà ngỗng thiên nhiên có thể bán tới 80 USD, tương đương với hơn 4 triệu đồng/kg.

    Điều quan trọng nhất khi đi bắt hà ngỗng là cần chọn thời điểm nước thấp. Bởi vì nếu không có "thiên thời", sóng lớn có thể cuốn trôi ngư dân ngay từ vách đá, khó giữ được tính mạng.

     Nghề đánh bắt “ngón tay quỷ”: Công việc không dành cho người yếu tim, để có được món hải sản quý giá bậc nhất phải mạo hiểm cả tính mạng - Ảnh 2.
     Nghề đánh bắt “ngón tay quỷ”: Công việc không dành cho người yếu tim, để có được món hải sản quý giá bậc nhất phải mạo hiểm cả tính mạng - Ảnh 3.

    Công việc đầy gian truân của ngư dân Ou Jiang (nguồn: Goldthread)

    Ou Jianing là một tay đánh bắt lão luyện, còn được dân địa phương xem như "người canh gác" của đảo Yangyu. Mỗi mùa hè, anh sẽ bắt đầu leo lên những vách đá lởm chởm để thu thập hà ngỗng. "Món này ngon tuyệt" - anh Ou nói. "Bạn ăn nó giống như tách vỏ hạt hướng dương ấy".

    Hà ngỗng ngoài đảo đặc biệt dày thịt, ngọt nước. Chỉ cần luộc lên là có ngay món ăn hảo hạng, nước ốc không hề nhạt mà vô cùng đậm vị, khiến người dùng ấn tượng khó phai.

     Nghề đánh bắt “ngón tay quỷ”: Công việc không dành cho người yếu tim, để có được món hải sản quý giá bậc nhất phải mạo hiểm cả tính mạng - Ảnh 4.
     Nghề đánh bắt “ngón tay quỷ”: Công việc không dành cho người yếu tim, để có được món hải sản quý giá bậc nhất phải mạo hiểm cả tính mạng - Ảnh 5.

    Dù vẻ ngoài hơi "kinh dị" nhưng các thực khách vẫn rất yêu thích món ăn sang chảnh này khi được bày biện đâu ra đấy (Ảnh: wikimedia, Globe and Mail)

    Cuộc sống "bán mặt cho đá, bán lưng cho biển" không hề đơn giản và yên bình chút nào. Chuyện mất mùa do thời tiết thay đổi, mưa gió hoành hành... đang diễn ra với tần suất nhiều hơn và chúng có thể tàn phá cả ngành đánh bắt thủy sản.

    "Khi bão cập sát bờ thì sóng đánh rất dữ" - thợ lặn Song Wensheng cho biết. Anh Song chuyên lặn biển để mò tìm bào ngư và các loại nghêu sò.

    Tiếp lời, anh Ou cho biết năm 2018 đã mất trắng 142.000 USD (hơn 3,3 tỷ đồng) do ảnh hưởng của siêu bão Maria, khiến các mẻ lưới không giữ được.

     Nghề đánh bắt “ngón tay quỷ”: Công việc không dành cho người yếu tim, để có được món hải sản quý giá bậc nhất phải mạo hiểm cả tính mạng - Ảnh 6.

    Công việc vốn nguy hiểm sẽ trở nên bất khả thi nếu gặp mưa bão, làm người dân mất đi thu nhập (nguồn: Goldthread)

    Một vấn đề khác là đánh bắt quá mức. Các loài động vật có vỏ cần thời gian dài để phát triển trưởng thành, thậm chí lên tới 10 năm thì phần thịt với dày dặn nhất. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hiện đang tăng lên chóng mặt ở đảo Yangyu hay rộng hơn là cả Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới.

    "10 năm trước chúng tôi có rất nhiều trai sò... Nhưng hiện giờ khó đánh bắt hơn" - anh Song chia sẻ. Tuy vậy, cứ mỗi mùa hè, các ngư dân lại rục rịch ra khơi và bắt đầu hành trình chinh phục những vách đá cheo leo, thu lấy những đặc sản quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho hòn đảo Yangyu.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ