Tai nghe Marshall Major 2: Chất rock cho cuộc sống thường ngày
Major 2 của Marshall đã tự ghi tên mình vào danh sách những chiếc tai nghe on-ear đáng mua nhất tại Việt Nam ở tầm giá 3 triệu đồng.
Bản thân Marshall không phải một thương hiệu sản xuất các thiết bị âm thanh tiêu dùng như tai nghe, loa hay amplifier dành cho những tâm hồn yêu âm nhạc. Trái lại, những con người mê rock thì lại quá quen cái tên ở tầm “thần thánh” này bên cạnh những thương hiệu đã gắn liền với nhiều tay guitar nổi tiếng trong lịch sử như Fender, Gibson, Peavey hay Orange…
Sau 53 năm hoạt động, kể từ ngày chiếc ampli JTM 45 ra mắt, cuối cùng thì Marshall, một trong những cái tên đình đám bậc nhất xứ sở sương mù đối với những tín đồ của dòng nhạc “ầm ĩ” cũng đã “lái” sang thị trường thiết bị âm thanh cá nhân, khởi đầu với những mẫu tai nghe Major, loa di động Kilburn và thậm chí là cả chiếc điện thoại nghe nhạc với chip xử lý âm thanh cực cao cấp mang tên London nữa…
Cho dù đứng phía sau Marshall Headphones là những người Thụy Điển tại Zound Industries, thay vì những huyền thoại tại London, thì tinh thần rock vẫn hiện hữu trên những sản phẩm được đóng logo với dòng chữ phong cách viết tay chỉ mới nhìn sơ qua đã khiến những con người mê đắm những bản ballad say lòng người hay những bản metal sục sôi cảm thấy rạo rực.
Không phủ nhận một điều, Marshall tạo ra những chiếc tai nghe đẹp, nhỏ gọn, chịu ảnh hưởng từ những chiếc guitar amplifier nổi tiếng của hãng. Mấy năm về trước, Marshall Major được giới thiệu, nhận được nhiều cảm tình từ phía chuyên môn cũng như từ người dùng ở Việt Nam nhờ chất âm đặc trưng máu lửa. Sau 3 năm, Major quay trở lại, và có lẽ đã “trưởng thành” hơn với cái phiên bản Major 2.
Marshall Major 2 có trọng lượng rất nhẹ. Vẫn giữ nguyên thiết kế on-ear cũ với nhiều cải tiến tốt hơn ở vật liệu làm earpad và headband. Ngày trước, lúc có cơ hội đeo Major lần đầu tiên, mới chỉ trên tai chừng 15 phút là bắt đầu cảm thấy đau và hơi mỏi vì lực kẹp của headband quá chặt cùng với earpad có phần hơi mỏng, không được êm thì với Major 2, tôi đeo cả buổi sáng để thưởng thức nhạc cũng không có vấn đề gì.
Đây là điểm cộng lớn trong thiết kế của mẫu tai nghe, nhất là đối với một người đeo kính và rất sợ những chiếc tai nghe có lực kẹp lớn như tôi, thì để thưởng thức một bản nhạc để đem tới cho các bạn những đánh giá khách quan nhất, bản thân chiếc tai nghe buộc phải tạo ra cảm giác thoải mái trước tiên, kế đến mới là âm thanh.
Marshall đã tỉ mỉ và cân nhắc hơn khi tạo ra Major 2, thông qua việc làm dây tháo rời cùng với đổi jack cắm thẳng thành jack L để tiện lợi hơn cho các loại Smartphones hiện nay. Bạn cũng cần để ý thêm một chi tiết nữa là Marshall 2 có 2 cổng 3.5 ở hai bên earcup nên bạn có thể thoải mái cắm dây bên nào cũng được, bên còn lại có thể cắm thêm một tai nghe khác để chia sẻ âm nhạc với bạn gái, người thân.
Âm thanh của Marshall Major 2, ở một chừng mực nhất định có thể nhận xét, đã bớt máu lửa hơn, hay theo cách mà tôi nói là nó trở nên uyển chuyển, nuông chiều đôi tai người nghe hơn, mục đích dĩ nhiên vẫn là để chơi được nhiều thể loại nhạc chứ không chỉ đánh mỗi Rock như phiên bản trước nữa. Marshall Major trước đây thể hiện rất kém tiếng réo rắt đến choáng ngợp của Violin, sự long lanh của những nốt Piano cao thì Major 2 lại ngược lại, âm thanh tổng thể tươi sáng hơn, nhẹ nhàng hơn ( Track nhạc dễ nhận ra nhất là bản Sonate Pour Violin Celle et Piano No.1 của Sebastien Van Kuijk và Dana Ciocarlie).
Âm trường cũng thể hiện tốt, dù dĩ nhiên không phải lúc nào bạn cũng dùng tới chiếc tai nghe này để thưởng thức những bản vocal hay những bản thu nhạc cổ điển. Đừng cố gắng đánh giá một chiếc tai nghe dựa vào những bài nhạc nó đánh dở.
Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, số lượng những chiếc tai nghe chơi hay hai thể loại vocal và cổ điển không nhiều. Nhưng trớ trêu thay, nó lại chính là “công cụ” đo hoàn hảo nhất để đánh giá khách quan một chiếc tai nghe. Bản thân dải mid của chiếc Major 2 không phải thế mạnh của nó. Âm bass vẫn nổi trội, và nhiều khi mid bass còn lấn lên cả dải mid nữa.
Major 2 dễ nghe hơn Major nhiều. Bạn đeo cả Major 2 và Major rồi nghe Incomplete hay Inconsolable của Backstreet Boys là dễ nhận ra lắm. Khen nhiều quá cũng phải chịu khó bới lá tìm sâu, cái chưa tốt của Major 2 là chất bass chưa sâu như bản cũ, bass hơi nông, body và độ lan tỏa cũng có, tuy nhiên tạo được độ rền cho đã tai thì hoàn toàn không phải là sở trường của Major 2.
Bạn có thể nghe ACDC hay Motley Crue với Major 2 trên điện thoại, vì bản thân chiếc tai nghe cũng tương đối dễ kéo, nhưng với những bản thu cao cấp, ở tầm 16 hay 24 bit của Guns n Roses, tai nghe lại có phần hơi "đuối" do tiếng trống không được thể hiện như ý muốn của người nghe. Nói gì thì nói, Major phiên bản đầu tiên dù có vài nhược điểm, nhưng đánh rock dở tuyệt nhiên không tồn tại trong danh sách đó.
Khi tôi nghe I Really Like You của cô nàng Carley Rae Jepsen, bản thân tôi vừa có chút vui, lại vừa trải nghiệm thứ gì đó xưa cũ của những ngày còn là một cậu sinh viên đứng xếp hàng cả ngày chỉ để sở hữu tấm vé Rock Storm, vì Major 2 có dải cao bay bổng hơn, nhưng năng lượng và sự dữ dội vẫn y nguyên như Major cũ, đúng chất rock và tinh thần "rebel" của những con người Anh Quốc trẻ tuổi.
Tổng kết lại, với những nâng cấp sáng giá cả về thiết kế lẫn chất âm, phục vụ đông đảo cộng đồng yêu âm nhạc hơn, thay vì chỉ gói gọn trong một cộng đồng nhỏ, Major 2 của Marshall đã tự ghi tên mình vào danh sách những chiếc tai nghe on-ear đáng mua nhất tại Việt Nam ở tầm giá 3 triệu đồng.
Cuối cùng, xin chân thành cám ơn 3K Shop đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành bài viết này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?