Nghe rất vô lý nhưng lại thuyết phục: Nhật Bản vừa nhập khẩu virus Ebola và 4 mầm bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm nhất
Đây cũng là lần đầu Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản tiếp nhận những mầm bệnh thuộc mức an toàn sinh học cấp 4.
Thế vận hội Olympic 2020 sẽ diễn ra vào mùa hè năm sau tại Nhật Bản. Đất nước mặt trời mọc dự tính sẽ đón hàng triệu lượt khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Và để chuẩn bị cho sự xuất hiện của họ, Nhật Bản vừa mới nhập khẩu một số lô virus Ebola cùng 4 mầm bệnh gây sốt xuất huyết chưa từng được đưa vào quốc gia này.
Thoạt nghe cứ tưởng đây là một âm mưu khủng bố sinh học, nhưng không, các virus được chính phủ Nhật Bản thông quan dưới dạng mặt hàng khoa học. Mục đích để làm gì? Các nhà khoa học nước này cho biết họ cần có mẫu virus để nghiên cứu, nhằm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra khi du khách mang mầm bệnh tới Nhật Bản gây bùng phát dịch.
Giống như nhiều mặt hàng khác, Ebola và các chủng virus sốt xuất huyết này không có sẵn ở Nhật Bản. Và khi không có sẵn, còn cách nào khác ngoài nhập khẩu?
Nhật Bản nhập khẩu virus Ebola và 4 mầm bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm nhất để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020
Tháng trước, Viện Truyền nhiễm Quốc gia (NIID) của Bộ Y tế Nhật Bản cho biết họ đã tiến hành nhập khẩu virus Ebola và các mầm bệnh gây ra bốn loại sốt xuất huyết bao gồm sốt xuất huyết Crimean-Congo, sốt xuất huyết Nam Mỹ, sốt Marburg và sốt Lass.
Tất cả đều là những tác nhân virus cực kỳ nguy hiểm chưa bao giờ được đưa vào Nhật Bản. Và đây cũng là lần đầu NIID tiếp nhận những mầm bệnh thuộc nhóm tác nhân sinh học nguy hiểm nhất (mức an toàn sinh học cấp 4).
Đối với các nhà khoa học đang làm việc tại đây, virus nhập khẩu sẽ đem lại cho họ một cơ hội chưa từng có để nghiên cứu các mầm bệnh này. "Đây là một thời điểm mang tính bước ngoặt, một sự kiện mang tính bước ngoặt", giám đốc NIID Masayuki Saijo nói với tạp chí Nature. Nhờ có các mẫu vật này, các nhà khoa học Nhật Bản bây giờ có thể chứng minh khả năng của họ với thế giới.
Virus Ebola và các mầm bệnh khác đã được vận chuyển đến một cơ sở của NIID ở quận Musashimurayama phía tây Tokyo. Nhưng tại đây, thông tin đã tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều.
Vào tháng 7, khi việc nhập khẩu virus chính thức được cấp phép, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Takumi Nemoto cho biết ông đã được chính quyền địa phương Musashimurayama chấp thuận.
"Chúng tôi đã cùng đạt đến một mức độ nhận thức sâu sắc về vấn đề này", Nemoto nói. "Đó là một bước tiến lớn hướng tới việc bảo vệ [Nhật Bản và công dân của mình]".
Nhưng trong khi Masaru Fujino, vị thị trưởng của Musashimurayama đã phê duyệt chương trình nghiên cứu mới của NIID, không phải tất cả cư dân tại đây đều đồng ý cho sự có mặt của virus Ebola trong khu vực sinh sống của họ.
Một số người dân lo sợ dịch bệnh sẽ xuất hiện nếu các giao thức đảm bảo an toàn trong cơ sở nghiên cứu của NIID thất bại. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên họ dự trữ một mầm bệnh ở mức an toàn sinh học cao nhất.
"Thật vô lý khi chính phủ bảo chúng tôi phải chấp nhận kế hoạch này vì Thế vận hội", một đại diện dân cử từng phát biểu trên tờ Asahi Shimbun vào tháng 11 năm ngoái, khi bản kế hoạch vẫn đang được thảo luận để thông qua. "Chúng tôi cảm thấy rất lo lắng và không thể chấp nhận nó."
Viện Truyền nhiễm Quốc gia (NIID) của Bộ Y tế Nhật Bản cho biết họ đã tiến hành nhập khẩu virus Ebola và bốn loại sốt xuất huyết bao gồm sốt xuất huyết Crimean-Congo, sốt xuất huyết Nam Mỹ, sốt Marburg và sốt Lass.
Bất chấp những lo ngại của một nhóm người dân, kế hoạch nhập khẩu Ebola và các mầm bệnh sốt xuất huyết vẫn được tiến hành. Nhà chức trách NIID khẳng định những rủi ro của việc không nghiên cứu mầm bệnh còn vượt xa rủi ro xảy ra trong quá trình lưu trữ chúng tại Nhật Bản, đặc biệt là khi Thế vận hội 2020 đang đến gần.
Mặc dù các dịch bệnh này chưa từng bùng phát ở Nhật Bản, nhưng Tokyo sẽ tổ chức Thế vận hội vào năm 2020 và có nguy cơ một trong số những virus này theo chân khách du lịch vào nước họ.
Và nhập khẩu trước các gói hàng được kiểm soát cẩn thận rồi giữ chúng trong các cơ sở để nghiên cứu thì vẫn tốt hơn là "nhập lậu" qua đường "xách tay" như vậy.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android