"Nghịch lý Xiaomi" và vì sao Apple, Samsung vẫn có thể làm giá cho iPhone và Galaxy S/Note

    Lê Hoàng,  

    Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Xiaomi, người tiêu dùng đã bắt đầu nhận ra sự thật rằng một chiếc điện thoại cấu hình cao không đồng nghĩa với giá đắt. Và gần như bất cứ lúc nào những chiếc sản phẩm bị coi là quá đắt đều sẽ khiến cho nhà sản xuất phải đi vào chỗ phá sản. Ấy vậy mà tại sao Apple và Samsung vẫn tiếp tục sống tốt trong khi Xiaomi bắt đầu chìm vào khó khăn?

    Nếu nhìn vào chi phí linh kiện của iPhone bạn sẽ thấy ngạc nhiên. Một chiếc iPhone 7 có giá khởi điểm chưa thuế tại Mỹ là 650 USD lại có chi phí linh kiện chỉ khoảng 230 USD. Mức giá của iPhone đã luôn được giữ ở mức 650 USD trong nhiều năm, nhưng trong quá khứ đã có lúc các nhà phân tích đưa ra ước tính rằng chi phí linh kiện của iPhone chỉ ở mức 150 USD.

    Tỷ lệ chi phí linh kiện/giá bán ra của Galaxy S8 cũng không quá cao, dù rằng đây là mẫu đầu bảng khiến cho Samsung tốn kém nhất từ trước tới nay. Với mỗi chiếc Galaxy S8 bán ra ở mức 720 USD, Samsung cần bỏ ra 330 USD cho các đối tác, các công ty con sản xuất linh kiện.

    Đó cũng chính là con số được Xiaomi thường xuyên lựa chọn làm mức giá bán các mẫu Mi đến tay người dùng cuối. Dòng Mi thường có Snapdragon đời cao nhất và dung lượng RAM "khủng" trong khi giá bán chỉ bằng giá... linh kiện của Samsung.

    Đặt câu hỏi

    Hãy lưu ý rằng chi phí để mỗi thương hiệu đưa một chiếc smartphone đến tay người dùng không thể dừng ở chi phí linh kiện. Tính cả phí nghiên cứu phát triển, phí nhân công máy móc, marketing v...v..., Apple chỉ có thể "ăn" được 40% lợi nhuận trên giá bán của iPhone. Không ai biết con số tương tự của Samsung, song nếu tính cả chỉ tính riêng trên các mẫu Galaxy S và Galaxy Note thì có lẽ lợi nhuận biên cũng không dưới 30%.

    Đó vẫn là mức lợi nhuận biên quá cao.

    Mà đã làm kinh doanh thì ai cũng muốn một tỷ lệ lợi nhuận cao ngất ngưởng. Nhưng ngay chính Apple cũng hiểu rằng mù quáng theo đuổi lợi nhuận cao ngất ngưởng sẽ khiến cho công ty khốn đốn: đầu thập niên 90, chiếc Macintosh vô cùng thành công đã gục ngã đau đớn khi Apple kiên quyết đòi lợi nhuận ở mức gần... 50%.

    Câu hỏi là tại sao 2 gã khổng lồ đứng đầu thị trường smartphone ngày nay lại có thể "ngang nhiên" ăn lãi khủng mà không bị người dùng phản đối, nhất là khi Xiaomi đã chứng minh được rằng cấu hình cao vẫn có thể đi kèm với giá tầm trung?

    Là lợi nhuận, hay chất xúc tác cho lợi nhuận?

    Dĩ nhiên Xiaomi không tốt đến mức "làm từ thiện" cho người tiêu dùng. Điện thoại Xiaomi giá rẻ nhưng vẫn có cấu hình cao là bởi Xiaomi mang tham vọng làm giàu từ phần mềm và các sản phẩm trong cùng "hệ sinh thái". Hiển nhiên, Xiaomi cũng phải cắt bỏ rất nhiều chi phí để có thể hạ xuống mức giá bằng một nửa Samsung cùng cấu hình: marketing, cửa hàng vật lý (chỉ bán online), tính năng (đặc biệt là các tính năng khó hình dung như camera, pin), quy trình kiểm soát chất lượng v...v...

    Thực tế, không chỉ riêng Xiaomi mà phần lớn các mẫu điện thoại theo triết lý "cấu hình cao giá rẻ" đều phải chấp nhận những đánh đổi tương tự. Ngay cả Nexus của LG cũng có những căn bệnh phổ biến, ví dụ như tỷ lệ lỗi bộ phím cảm ứng rất cao.

    Từ phía ngược lại, iPhone, Galaxy S, Galaxy Note hay LG G có rất nhiều thế mạnh mà điện thoại "phá giá" như Xiaomi không thể có. Thế mạnh lớn nhất (và duy nhất) của iPhone hiển nhiên là iOS. Camera trên Xiaomi, Honor hay Nexus giá rẻ cũng không thể nào đọ lại với smartphone cao cấp về chất lượng ảnh chụp. Quan trọng nhất, smartphone cao cấp cũng hứa hẹn mang lại trải nghiệm dễ chịu nhất, ít lỗi nhất, ít phiền toái nhất.

    Nói cách khác, chỉ so sánh cấu hình thôi là không đủ. Ngay từ đầu, phương hướng tồn tại của Xiaomi và Apple/Samsung đã khác nhau: Xiaomi hy sinh đủ yếu tố chất lượng và cũng sẵn sàng chịu lỗ khi dùng phần cứng cấu hình cao để cuốn người dùng vào phần mềm, vào hệ sinh thái và vào cả những sản phẩm giá đắt như Mi Mix.

    Còn Apple và Samsung không dùng ở phần cứng mà hứa hẹn trải nghiệm cao cấp nhất có thể, từ đó ăn lãi trên từng sản phẩm bán ra. Chính bởi cách sống rất khác biệt này mà Apple và Samsung không thể (và không nên) phá giá sản phẩm theo cách của Xiaomi hay Honor.

    Cấu hình không phải là tất cả

    Vậy thì tại sao người dùng lại sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng họ sẽ "cúng" một đống tiền cho Apple và Samsung khi mua smartphone cao cấp? Câu trả lời có nhiều khía cạnh.

    Thứ nhất, Apple đã khéo léo chọn ra mức giá cao nhất mà phần đông người dùng có thể chấp nhận được. Trong khi 650 USD là một khoản tiền không hề nhỏ, người dùng tại Mỹ, Nhật, Châu Âu và Trung Quốc có thể dễ dàng chi trả cho một chiếc iPhone hoặc Galaxy cao cấp thông qua các mô hình thuê bao hoặc trả góp có giá chỉ khoảng 30 USD/tháng. Rõ ràng, trả 30 USD/tháng để vừa sở hữu điện thoại, vừa nhận lượng cuộc gọi, tin nhắn và dữ liệu đủ dùng là một lựa chọn không hề tệ.

    Không phải vô cớ mà sau này tất cả các hãng smartphone Android đều lựa chọn khoảng giá từ 600 – 700 cho smartphone đầu bảng của họ.

    Thứ hai, bản thân chiếc smartphone có ý nghĩa đủ quan trọng để Apple và Samsung có thể thuyết phục người dùng trao cho mình 40% lợi nhuận trên giá điện thoại bán ra. Khác với PC hay bất cứ một loại thiết bị hi-tech nào khác, smartphone là vật được rất nhiều người mang theo bên mình. Điều này có nghĩa rằng ý nghĩa "khoe khoang" khi sở hữu một chiếc smartphone cao cấp vẫn là cực kỳ rõ ràng. Trên khía cạnh cạnh tranh này, thiết kế và sức mạnh mới là quan trọng. Cấu hình gần như là vô nghĩa.

    Cuối cùng, trừ PC dùng cho công việc hay console dùng cho chơi game thì smartphone cũng là loại phụ kiện công nghệ có thời gian sử dụng nhiều nhất. Smartphone cũng là loại phụ kiện công nghệ có nhiều công dụng nhất: liên lạc, mạng xã hội, game casual, check mail, chụp ảnh v...v... Để có thể giúp cho trải nghiệm smartphone càng ngày càng hữu ích và thuận tiện, nhà sản xuất buộc phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thay vì chỉ tập trung chạy đua chip, RAM hay số chấm - vốn về bản chất chỉ là khâu đàm phán với các đối tác bên ngoài. Rõ ràng là các tên tuổi cấu hình cao giá rẻ không thể chạy đua về sức sáng tạo với những ông lớn tập trung vào phân khúc cao cấp.

    Hứa hẹn mang đến trải nghiệm tốt nhất có thể ở mức giá nằm trong tầm với của nhiều người, bảo sao Apple và Samsung vẫn sống tốt ngay cả trong cơn bão Xiaomi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ