Nghiên cứu: Bắn điện vào não để giải toán giỏi hơn

    Phạm Hoàng,  

    Một nghiên cứu mới cho thấy việc kích thích nhẹ não bộ có thể giúp sinh viên đại học cải thiện khả năng làm toán, đặc biệt là những người vốn gặp khó khăn với môn học này.

    Các nhà nghiên cứu tại Đại học Surrey đã thử nghiệm một phương pháp kích thích não an toàn, không gây đau và không xâm lấn. Họ khẳng định phương pháp này có thể tăng cường tiềm năng học toán của bất kỳ ai.

    "Cho đến nay, hầu hết các nỗ lực cải thiện giáo dục đều tập trung vào việc thay đổi môi trường như đào tạo giáo viên hoặc thiết kế lại chương trình học, mà bỏ qua yếu tố sinh học thần kinh của người học", Giáo sư Roi Cohen Kadosh, Trưởng khoa Tâm lý học của trường đại học chia sẻ.

    Nghiên cứu: Bắn điện vào não để giải toán giỏi hơn- Ảnh 1.

    Ông nói thêm rằng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố sinh học thường giải thích kết quả học tập môn toán tốt hơn yếu tố môi trường.

    Cách thí nghiệm được tiến hành

    Nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn 72 sinh viên đại học, độ tuổi từ 18 đến 30. Trước tiên, họ đánh giá năng lực toán học ban đầu của từng người, sau đó chia thành ba nhóm cân bằng về khả năng toán học.

    Trong thí nghiệm, tất cả người tham gia đều đeo điện cực trên da đầu. Các điện cực này phát ra tín hiệu điện nhẹ, nhằm kích thích hai vùng não: vỏ não trước trán lưng bên (dlPFC) và vỏ não đỉnh sau (PPC). Đây là hai khu vực đã được xác định có liên quan đến khả năng toán học.

    Hai trong số ba nhóm nhận kích thích thật đến một trong hai vùng nói trên. Nhóm còn lại được cho kích thích giả (không có tác động thực sự). Mỗi nhóm gồm 24 người.

    Nghiên cứu: Bắn điện vào não để giải toán giỏi hơn- Ảnh 2.

    Phương pháp được sử dụng là kích thích nhiễu ngẫu nhiên xuyên sọ (tRNS), một kỹ thuật nhẹ nhàng với dòng điện cực thấp, không gây khó chịu.

    Tổng thời gian kích thích kéo dài 150 phút, được phân bổ trong suốt năm ngày thử nghiệm, kết hợp với các bài kiểm tra toán học.

    Tác động đến khả năng giải toán

    Kết quả cho thấy kích thích đến vùng dlPFC giúp cải thiện đáng kể khả năng giải toán. Đây là khu vực có vai trò lớn trong học tập, ghi nhớ, tập trung và giải quyết vấn đề.

    Trước khi bắt đầu bài kiểm tra, nhóm nghiên cứu đã đo độ kết nối giữa thùy trán và thùy đỉnh - hai vùng chứa dlPFC và PPC - bằng hình ảnh não bộ.

    Họ phát hiện ra rằng độ kết nối càng cao giữa hai vùng này thì khả năng học và giải toán càng tốt. Đặc biệt, khi áp dụng tRNS lên vùng dlPFC, những người có kết nối tự nhiên yếu hơn lại tiến bộ rõ rệt. Đây là nhóm vốn được coi là có khả năng học kém hơn do đặc điểm thần kinh bẩm sinh.

    Nghiên cứu: Bắn điện vào não để giải toán giỏi hơn- Ảnh 3.

    Theo giả thuyết, tRNS có thể giúp các nơ-ron hoạt động kém trở nên năng động hơn, đưa chúng tới gần ngưỡng kích hoạt và cải thiện khả năng học tập.

    "Việc kết hợp kiến thức từ tâm lý học, khoa học thần kinh và giáo dục giúp chúng tôi phát triển những phương pháp mới nhằm vượt qua các rào cản sinh học", Giáo sư Kadosh cho biết thêm. "Qua đó, chúng ta có thể hỗ trợ nhiều người hơn đạt được tiềm năng của họ, mở rộng cơ hội nghề nghiệp và giảm bất bình đẳng về thu nhập, sức khỏe cũng như chất lượng sống trong dài hạn."

    Toán học là nền tảng của nhiều ngành nghề quan trọng như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Theo bài viết trên The Conversation, từ 24 đến 29% người trưởng thành ở các quốc gia phát triển có kỹ năng toán chỉ tương đương với trẻ em bảy tuổi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ