Nghiên cứu: Cứ nói béo phì là do “cái miệng hại cái thân” nhưng hóa ra gen cũng là nguyên nhân chính khiến bạn béo phì
Nghiên cứu: Cứ nói béo phì là do cái miệng hại cái thân nhưng hóa ra gen cũng là nguyên nhân chính khiến bạn béo phì
Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Na Uy, kể từ năm 1975 đến nay, tỷ lệ người trưởng thành trên toàn thế giới bị béo phì chủ yếu do thay đổi chế độ ăn uống và lười tập thể dục. Tuy nhiên gen cũng quyết định một phần không nhỏ tới thể trạng và hình dáng của mỗi người.
Từ trước đến nay, thước đo tiêu chuẩn cho bệnh béo phì là chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này được tính toán dựa trên cân nặng và chiều cao. Nếu chỉ số là 25-30, có nghĩa là người đó bị thừa cân. Trên 30 tương ứng với béo phì và chỉ số càng cao thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường càng cao.
Khoảng 4% người trưởng thành vào giữa những năm 1970 có chỉ số BMI từ 30 trở lên. Nhưng theo tổ chức WHO tính tới năm 2016, tỷ lệ đó đã tăng lên 13%, trong đó tỷ lệ nữ giới bị béo phì cao hơn nam giới.
Hiện tại có khoảng 2 tỷ người từ 18 tuổi trở lên, tương đương 39% tổng số người trưởng thành có chỉ số BMI trên ngưỡng thừa cân, tức là trên 25 và khoảng 700 triệu người béo phì. Tỷ lệ thừa cân thậm chí còn tăng mạnh ở cả trẻ em, từ mức 4% vào năm 1975 đến hơn 18% trong năm 2016.
Nhằm đánh giá tác động của môi trường và gen đối với bệnh béo phì, bên cạnh yếu tố chế độ ăn uống, các nhà khoa học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, dẫn đầu là nhà khoa học Maria Brandkvist đã kết hợp bộ dữ liệu chiều cao và cân nặng của gần 120 ngàn người ở Na Uy trong giai đoạn từ năm 1963 đến 2008.
Trong đó dữ liệu cho thấy, người trưởng thành bắt đầu béo phì kể từ những năm 1980 và 1990. Đặc biệt những người sinh sau năm 1970 có nhiều khả năng có chỉ số BMI cao hơn đáng kể so với những đứa trẻ thế hệ trước.
Một nửa số người trong nghiên cứu được chia ra thành 5 nhóm tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm di truyền của họ đối với béo phì.
Đối với những người có gen "béo phì" từ nhỏ, lối sống không lành mạnh sẽ càng khiến tình trạng tăng cân thêm phức tạp hơn.
Khi tiến hành so sánh các nhóm ở hai thái cực, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy những người đàn ông 35 tuổi có các biến thể di truyền tiềm ẩn khả năng tăng cân sở hữu trọng lượng cơ thể nặng hơn so với những người đàn ông cùng tuổi không có gen gây béo phì.
Khoảng 4 thập kỷ sau, ngay cả khi tỷ lệ béo phì gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi, khoảng cách đó tiếp tục tăng lên gấp đôi. Phụ nữ cũng cho thấy xu hướng tăng tương tự mặc dù mức tăng theo thời gian có phần nhỏ hơn.
Brandkvist giải thích: "Khuynh hướng di truyền sẽ khiến một người đàn ông 35 tuổi có chiều cao trung bình nặng hơn 3,9kg so với những người không có gen béo phì vào những năm 1960. Ở Na Uy ngày nay, các gen dễ bị tổn thương có thể khiến một người đàn ông nặng hơn 6,8kg so với người khác".
Ngoài ra người đó có thể tăng thêm 7,1kg nếu anh ta sống trong môi trường dễ gây béo phì. Cân nặng của một người đàn ông thậm chí có thể tăng tới 13,9kg nếu lối sống không lành mạnh và do gen của anh ta tương tác với môi trường sống.
Mặc dù mối quan hệ giữa gen di truyền và mức độ béo phì ở một người là rất lớn nhưng nghiên cứu trên về bản chất chưa xác định được mối quan hệ nhân quả. Chỉ các thử nghiệm lâm sàng mới có thể làm nổi bật các mối quan hệ nhân quả trực tiếp. Nhưng các thí nghiệm như vậy là không thể với con người vì cả lý do thực tế và đạo đức.
Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí y khoa danh tiếng The BMJ.
Tham khảo AFP
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương