Nghiên cứu đầu tiên chứng minh cơ thể con người chúng ta đã xuất hiện hạt vi nhựa do ăn hải sản bị ô nhiễm
Hạt vi nhựa có thể mang theo các hóa chất độc hại và mầm bệnh vào cơ thể con người.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Gastroenterology Journal lần đầu tiên chứng minh được sự có mặt của các hạt vi nhựa (microplastics) trong đường tiêu hóa con người.
Các nhà khoa học từ Cơ quan Môi trường Áo và Đại học Y khoa Vienna đã tìm thấy những mảnh vụn hoặc sợi nhựa siêu nhỏ (có kích thước từ 5-100 nm) tích tụ trong phân của 8 người đến từ Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Nga, Anh, Phần Lan và Áo.
Nghiên cứu đầu tiên chỉ ra bằng chứng về các hạt vi nhựa tích tụ trong cơ thể con người
Trong suốt quá trình nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu ghi lại chi tiết những gì họ đã ăn trong tuần trước khi lấy mẫu phân. Các nhà khoa học cho biết cả 8 người tham gia đều uống nước từ chai nhựa hoặc tiêu thụ các loại thực phẩm đựng trong bao bì nhựa.
Kết quả, tất cả các mẫu phân được xét nghiệm đều dương tính với hạt vi nhựa. Theo báo cáo vừa được công bố trên tạp chí Gastroenterology Journal của châu Âu, có tới 9 loại nhựa được tìm thấy trong các mẫu phân này.
Các nhà nghiên cứu lưu ý hạt vi nhựa có thể sinh ra khi các mảnh nhựa lớn hơn bị mài mòn hoặc phá vỡ. Chúng có thể mang theo các hóa chất độc hại và mầm bệnh vào cơ thể con người. Nghiên cứu cho rằng hạt vi nhựa còn có thể làm suy yếu hệ miễn dịch đường ruột của chúng ta.
Trên thực tế, hoạt động sản xuất nhựa trên toàn thế giới đã tăng vọt trong vòng 2 thập kỷ qua. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm đầu thế kỷ 21, con người đã sản xuất ra một lượng nhựa bằng toàn bộ lịch sử trước đó cộng lại.
Nhưng chỉ có 20% trong số chúng là nhựa được tái chế, National Geographic cho biết. Mỗi phút trên toàn cầu, gần 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ.
Kết quả là khoảng 9 triệu tấn nhựa chảy vào đại dương mỗi năm. Các loài động vật biển sẽ là nạn nhân đầu tiên ăn phải các hạt vi nhựa. Nhưng sau khi con người ăn cá ngừ, mực, tôm hùm và các loài hải sản khác, hạt vi nhựa sẽ vào đường ruột của chúng ta.
Nghiên cứu thực hiện tại Châu Âu cho biết, khi ăn một suất hải sản, các món từ động vật có vỏ như trai, hàu, sò…, bạn có thể nuốt vào bụng 90 hạt vi nhựa. Lượng này có thể thay đổi theo từng quốc gia, nhưng trung bình những người hay ăn hải sản, với các món từ động vật có vỏ, có thể nuốt vào 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Một nguồn thực phẩm khác có thể nhiễm vi nhựa từ biển là muối. Một kg muối biển có thể chứa hơn 600 hạt vi nhựa. Nếu bạn ăn tối đa 5 gam muối mỗi ngày, điều này có nghĩa là bạn cũng tiêu thụ 3 hạt vi nhựa trong đó.
Nhưng có lẽ nguồn hạt vi nhựa lớn nhất mà chúng ta tiêu thụ là nước đóng chai. Các chai nước dùng một lần có thể chứa từ 2 đến 44 hạt vi nhựa mỗi lít. Trong khi các chai tái sử dụng chứa từ 28 đến 241 hạt/ lít.
Con đường của các hạt vi nhựa đi vào cơ thể chúng ta
Nghiên cứu trước đây cho thấy bia, mật ong, thịt gà cũng là những nguồn thực phẩm chứa hạt vi nhựa. Các hạt nhựa siêu nhỏ còn có thể xuất hiện trong không khí. Một nghiên cứu ước tính chúng ta có thể ăn 70.000 hạt vi nhựa lắng lắng xuống bữa tối từ không khí mỗi năm.
Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học người Áo là nghiên cứu đầu tiên cho thấy sự hiện diện của nhựa trong đường ruột con người. Nó được công bố vài tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ điều tra các tác động tiềm ẩn của nhựa đối với sức khỏe.
Hồi tháng Ba, một nghiên cứu đánh giá của WHO tìm thấy 90% các loại nước đóng chai có trên thị trường chứa hạt vi nhựa. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra sự hiện diện của nhựa trong thực phẩm và đồ uống chúng ta tiêu thụ, bao gồm cả cá và nước. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng chưa rõ các hạt vi nhựa có thể ảnh hưởng thế nào đến cơ thể và sức khỏe của chúng ta.
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Bí ẩn y học: Trái tim được hiến tặng mách bảo chủ nhân mới tìm về nhà chủ nhân cũ, dù danh tính hai bên đã bị giấu kín
Câu chuyện có thật này nằm trong số những bí ẩn khó hiểu nhất của y học trong thế kỷ 20, mà cho tới tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng đi tìm một lời giải thích thỏa đáng.
"Camera iPhone 16 Pro Max chẳng khác đời trước", thực tế sử dụng ra sao?