Nghiên cứu mới cho thấy một loài ong có khả năng thay đổi thời tiết

    Đức Khương, Theo Phụ nữ Việt Nam 

    Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy rằng một đàn ong có thể làm nhiễm điện không khí tới 1000 vôn mỗi mét và từ đó có thể khiến cho thời tiết thay đổi.

    Theo nghiên cứu mới đây, các nhà khoa hoc đã kết luận rằng một đàn ong có thể sinh ra nhiều điện đến mức có thể ảnh hưởng đến thời tiết địa phương.

    Phát hiện này được các nhà nghiên cứu thực hiện bằng cách đo điện trường xung quanh tổ ong mật (cụ thể là loài ong apis mellifera). Kết quả nghiên cứu tiết lộ rằng ong có thể tạo ra lượng điện khí quyển nhiều như một cơn giông. Điều này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều khiển bụi để định hình các kiểu thời tiết không thể đoán trước; và tác động của chúng thậm chí có thể cần được đưa vào các mô hình khí hậu trong tương lai.

    Cơ thể nhỏ bé của côn trùng có thể nhận điện tích dương trong khi chúng kiếm ăn - do ma sát của các phân tử không khí với đôi cánh đập nhanh của chúng (ong mật có thể vỗ cánh hơn 230 lần một giây) hoặc khi hạ cánh xuống các bề mặt tích điện. Tác động của những điện tích cực nhỏ này trước đây được cho là ở quy mô nhỏ và không được quan tâm. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, trong một nghiên cứu mới được công bố ngày 24 tháng 10 trên tạp chí iScience đã cho thấy rằng loài côn trùng nhỏ bé này thực sự có thể tạo ra một lượng điện khổng lồ.

    Một nghiên cứu mới cho thấy loài ong có khả năng thay đổi thời tiết - Ảnh 1.

    Ong apis mellifera hay còn có tên gọi khác là ong mật phương Tây hay ong mật Châu Âu là một loài ong mật, chi apis tiếng Latin có nghĩa là "ong" và mellifera cũng xuất phát từ tiếng Latin melli-"mật ong" và Ferre "mang" - vì thế mà tên khoa học của loài này có nghĩa là "ong mang mật".

    "Chúng tôi chỉ mới phát hiện ra rằng sinh học và điện trường tĩnh có mối liên hệ mật thiết với nhau và có rất nhiều liên kết có thể tồn tại trên các quy mô không gian khác nhau, từ các vi sinh vật trong đất và các tương tác giữa cây thụ phấn với các bầy côn trùng và mạch điện toàn cầu" tác giả của nghiên cứu - Ellard Hunting, một nhà sinh vật học tại Đại học Bristol, nói với Live Science.

    Tĩnh điện xuất hiện khi các va chạm cực nhỏ và vết rỗ trên hai bề mặt cọ xát vào nhau, gây ra ma sát. Điều này làm cho các electron, vốn mang điện tích âm, nhảy từ bề mặt này sang bề mặt khác, và khiến cho bề mặt này tích điện dương trong khi bề mặt kia mang điện âm. Sự chuyển giao qua hai bề mặt bị ion hóa tạo ra sự chênh lệch điện áp hay còn gọi là gradien điện thế (độ dốc tiềm năng), qua đó các điện tích có thể nhảy vọt.

    Hiệu ứng tĩnh điện này cũng xuất hiện ở tất cả các loài côn trùng; chúng cho phép ong hút phấn hoa và giúp nhện quay những mạng mang điện tích âm để thu hút và giam giữ các cơ thể mang điện tích dương của con mồi.

    Để kiểm tra xem ong mật có tạo ra những thay đổi đáng kể trong điện trường của bầu khí quyển của chúng ta hay không, các nhà nghiên cứu đã đặt một máy theo dõi điện trường và một camera gần nơi sinh sống của một số đàn ong mật.

    Trong 3 phút khi lũ ong bay vào không khí, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng độ dốc tiềm năng phía trên tổ ong tăng lên 100 vôn/ mét. Trong các sự kiện bầy đàn khác, các nhà khoa học đo được hiệu ứng cao tới 1.000 vôn/ mét, khiến mật độ điện tích của một bầy ong mật lớn gấp sáu lần so với bão bụi nhiễm điện và lớn hơn tám lần so với một đám mây.

    Một nghiên cứu mới cho thấy loài ong có khả năng thay đổi thời tiết - Ảnh 2.

    Ngày 28 tháng 10 năm 2006, bộ gen của loài ong này đã được giải mã và phân tích hoàn toàn. Loài ong mật Châu Âu có nguồn gốc ở những khu vực Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Đến đầu những năm 1600, loài côn trùng này đã được đưa đến Bắc Mỹ và trong những thế kỷ tiếp theo, chúng đã lan rộng ra khắp Châu Mỹ. Loài ong này có sự khác biệt theo từng khu vực, hiện tại người ta đã công nhận là có tới 28 phân loài dựa trên các biến thể địa lý.

    Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng các đám mây côn trùng càng dày đặc sẽ mang đến điện trường càng lớn - một quan sát cho phép họ mô hình hóa các loài côn trùng bầy đàn khác như cào cào và bướm.

    Các nhà khoa học cho biết, châu chấu thường tụ tập theo "quy mô khổng lồ", tạo ra những đám mây dày có kích thước 460 dặm vuông (1.191 km vuông) và số lượng có thể lên đến 80 triệu con. Mô hình của các nhà nghiên cứu dự đoán rằng hiệu ứng của đàn châu chấu lên điện trường khí quyển là đáng kinh ngạc, tạo ra mật độ điện tích tương tự như mật độ điện tích do giông bão tạo ra.

    Các nhà nghiên cứu cho biết không có khả năng côn trùng tự tạo ra bão, nhưng ngay cả khi các độ dốc tiềm năng không đáp ứng các điều kiện để tạo ra sét, chúng vẫn có thể gây ra các tác động khác đối với thời tiết. Điện trường trong khí quyển có thể ion hóa các hạt bụi và chất ô nhiễm, thay đổi chuyển động của chúng theo những cách không thể đoán trước. Vì bụi có thể phân tán ánh sáng Mặt Trời, nên việc biết cách nó di chuyển và vị trí của nó là điều quan trọng để hiểu khí hậu của một khu vực.

    "Tính liên ngành rất có giá trị ở đây - điện tích có thể giống như nó chỉ tồn tại trong vật lý, nhưng điều quan trọng là phải biết điện trong khí quyển có ý nghĩa như thế nào", Hunting nói. "Suy nghĩ rộng hơn, liên kết sinh học và vật lý có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề khó hiểu, chẳng hạn như tại sao các hạt bụi lớn lại được tìm thấy rất xa Sahara"

    Nguồn: Livescience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ