Khi chỉ số BMI tăng 1 điểm ở phụ nữ và nam giới, nguy cơ tử vong do bệnh truyền nhiễm của họ tăng lên lần lượt là 15% và 4%.
Trong khi tỷ lệ béo phì đã chạm tới ngưỡng tương đương một đại dịch toàn cầu, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm ra thêm nhiều tác hại mới của chất béo dư thừa. Tuần này, một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Béo phì Quốc tế chỉ ra:
Những người thừa cân hoặc béo phì ở tuổi vị thành niên có thể tự đặt mình vào nguy cơ tử vong cao hơn vì bệnh truyền nhiễm ở tuổi trung niên. Kết quả được xác nhận bởi các nhà khoa học tại Lực lượng Phòng vệ Israel, sau khi họ thu thập và nghiên cứu dữ liệu từ 2,3 triệu người.
Theo đó, thừa chỉ một thậm chí dưới 1 kg khi còn trẻ cũng có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn do các bệnh truyền nhiễm - như nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm phổi - trước tuổi 60.
Người trẻ thừa cân có thể dễ tử vong hơn vì nhiễm trùng ở tuổi trung niên
“Đã có một sự gia tăng những ca bệnh tử vong do nhiễm trùng với người trẻ, trung niên và cả người lớn tuổi ở Châu Âu và Mỹ”, bác sĩ Gilad Twig, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Ví dụ ở Mỹ, các nhà nghiên cứu phát hiện tỷ lệ tử vong hàng năm đối với các bệnh truyền nhiễm phổ biến ở phụ nữ trung niên đã tăng 0,5% sau hai thập kỷ. Bây giờ, bác sĩ Twig và các đồng nghiệp của ông nghĩ rằng một phần của xu hướng đó có thể được giải thích bởi sự gia tăng tỷ lệ béo phì.
Trong nghiên cứu của mình, họ đã khai thác một bộ dữ liệu của 2,3 triệu người Israel trong độ tuổi từ 17 tới 19. Đó là những thanh niên được tuyển chọn trước khi bắt đầu nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong giai đoạn từ năm 1967 đến 2010. Trong các tiêu chí đánh giá sức khoẻ, quân đội đã ghi lại chiều cao và cân nặng được đo cùng với thị lực, tình trạng tiểu đường, hen suyễn hoặc các nguy cơ sức khỏe khác của họ.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã liên kết tập dữ liệu này với thông tin về các ca tử vong từ Bộ Y tế Israel, tập trung đặc biệt vào mối quan hệ giữa chỉ số BMI và dữ liệu tử vong do bệnh truyền nhiễm.
Trong số 2,3 triệu người tham gia nghiên cứu, 689 người đã chết vì các bệnh truyền nhiễm ở độ tuổi trung niên. Mối quan hệ đáng kinh ngạc giữa trọng lượng cơ thể và nguy cơ tử vong được khám phá.
Theo đó, phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao gấp 7 lần so với phụ nữ bình thường. Con số tương tự cho những người đàn ông là 2,3 lần. Tính ra, khi chỉ số BMI tăng 1 điểm ở phụ nữ và nam giới, nguy cơ tử vong do bệnh truyền nhiễm của họ tăng lên lần lượt là 15% và 4%.
Mô phỏng các tế bào chất béo trong cơ thể
Tại sao chỉ số BMI cao làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh truyền nhiễm?
Khi một người bị béo phì, có rất nhiều chứ không phải chỉ một cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như bạn càng nặng bao nhiêu, hệ thống tim mạch của bạn càng khó làm việc bấy nhiêu, dẫn đến nguy cơ bị suy tim, bệnh tim và đột quỵ tăng theo.
Thừa cân đặt áp lực lên hông, chân và mắt cá, làm tăng nguy cơ phát triển các chứng đau và viêm xương khớp. Béo phì cũng liên quan đến phản ứng đề kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
Các tế bào chất béo thúc đẩy viêm và làm thay đổi một số hoocmon. Các bác sĩ nghĩ rằng điều này làm tăng nguy cơ của ít nhất 10 loại ung thư khác nhau. Béo phì thậm chí có thể ảnh hưởng vào não, khiến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cũng tăng lên.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Israel đã tìm ra mối liên quan giữa béo phì với nhiễm khuẩn huyết và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. "Chúng tôi cho rằng béo phì là một yếu tố nguy cơ gây tử vong vì bệnh truyền nhiễm, nhưng chúng tôi đã rất ngạc nhiên bởi sự ảnh hưởng này giữa nam và nữ có sự chênh lệch lớn", bác sĩ Twig nói.
Thực sự, các nhà khoa học vẫn không biết vì sao béo phì ở tuổi vị thành niên có thể ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong của một người, khi họ mắc bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn sau này của cuộc đời - đặc biệt là đối với phụ nữ. Họ chỉ có thể đưa ra một vài giả thuyết.
Khi một người bị béo phì, có rất nhiều chứ không phải chỉ một cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng
Thứ nhất, những người tăng cân có xu hướng bị đảo lộn một số hooc-môn nhất định, bao gồm estrogen và insulin. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, làm cho họ dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra, phản ứng miễn dịch đối với vắc-xin có thể bị cản trở bởi chứng béo phì. Đó là những gì mà các nhà nghiên cứu từng phát hiện trước đây trong trường hợp tiêm vắc-xin viêm gan B, vắc-xin cúm và uốn ván.
Thứ hai, béo phì cũng có liên quan đến bệnh tiểu đường, "và chúng ta biết rằng bệnh tiểu đường là yếu tố nguy cơ rất lớn đối với sự phát triển của một số bệnh nhiễm trùng", bác sĩ Twig cho biết thêm. "Vì vậy, có thể một số cái chết do nhiễm trùng thực sự có trung gian từ sự phát triển bệnh tiểu đường".
Tiểu đường có thể khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc thêm nhiều chứng bệnh nghiêm trọng khác. Trong một nghiên cứu cũng xuất bản trên tạp chí Lancet tuần này, các nhà khoa học chỉ ra mối quan hệ của gần 6% các ca ung thư mới được chẩn đoán trên toàn thế giới với bệnh tiểu đường và thừa cân.
Trong bài báo đó, họ lập luận nồng độ insulin cao trong các cơ quan của người mắc tiểu đường có thể phải chịu một phần trách nhiệm: Insulin là một hooc-môn hỗ trợ tăng trưởng, vì vậy nó có thể kích thích sự phát triển trong tế bào, bao gồm cả tế bào ung thư - giúp chúng sinh sôi nảy nở.
Thừa cân đang ảnh hưởng tới thế giới tương đương mức độ của một đại dịch
Cũng phải nói rằng, nghiên cứu của bác sĩ Twig và đồng nghiệp có tồn tại một vài hạn chế. Các nhà nghiên cứu chỉ có dữ liệu ở hai thời điểm: lúc những người tham gia nghiên cứu khám nghĩa vụ quân sự khi còn trẻ và tỉ lệ tử vong quốc gia sau đó.
Mặc dù những người thừa cân khi còn trẻ đa phần cũng sẽ tiếp tục thừa cân trong phần sau của cuộc đời, vẫn sẽ có nhiều trường hợp ngoại lệ mà các nhà nghiên cứu không thể xác định.
Cũng có một khả năng nữa là cả béo phì và tỷ lệ tử vong cao đều bắt nguồn từ một nguyên nhân lớn mà họ bỏ qua. Ví dụ như các nhà nghiên cứu không có dữ liệu về các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá hoặc chế độ ăn uống kém lành mạnh.
Vì vậy, không loại trừ rằng nhóm nghiên cứu đã bỏ sót những mối quan hệ quan trọng mà họ không có dữ liệu để đánh giá.
Cuối cùng, đây là một nghiên cứu quan sát - không phải là một cuộc thử nghiệm. Cho nên, nó không thể nói một cách chắc chắn rằng thừa cân ở tuổi 17-19 sẽ dẫn đến tử vong vì bệnh nhiễm trùng sau này.
Nghiên cứu của bác sĩ Twig chỉ mới nhóm 2 vấn đề này lại với nhau,chưa chứng minh chúng có tính nhân quả. Mặc dù vậy, các nhà khoa học sẽ còn phải tiếp tục để mắt đến vấn đề này. Bởi nếu mối quan hệ nhân quả được xác định, đó sẽ là một phát hiện lớn cho chúng ta thấy, không thể coi thường tình trạng thừa cân từ khi còn trẻ.
Tham khảo Vox
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"