Ngồi ké lớp học online ở Hà Nội: Giảng bài qua voice chat, gửi bài tập bằng phần mềm và lý do phương pháp này cần thời gian để áp dụng rộng rãi
Học sinh, sinh viên cả nước vẫn đang đắm chìm trong kì nghỉ Tết tưởng chừng “vô tận”, nhưng ở một ngôi trường tại Hà Nội thì lại hoàn toàn khác.
Những ngày này, trong khi học sinh, sinh viên cả nước từng ngày chờ đợi thông báo đi học lại từ Bộ GD-ĐT thì tại trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), 100% học sinh đã và đang lên lớp đều đặn theo đúng thời khóa biểu. Tuy nhiên, điều khác biệt ở đây là những lớp học được tổ chức trực tuyến, cả giáo viên và học sinh đều ngồi trước máy tính cá nhân và tương tác bằng hình ảnh, âm thanh truyền qua mạng.
Phương pháp học online được áp dụng trong mùa dịch bệnh..
Thực tế là phương pháp giảng dạy trực tuyến đã được ngôi trường này thử nghiệm, áp dụng từ lâu, và đến bây giờ, trong bối cảnh dịch bệnh nghiêm trọng thì mới trở thành ưu thế. Hiện tại, cũng mới chỉ có trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành là áp dụng phổ biến mô hình dạy học online qua máy tính.
>> Ngoài dạy học online, Việt Nam còn ứng phó với Covid-19 ra sao?
Giáo viên: Dạy học bằng slide, hỏi bài bằng voice chat, chấm điểm qua phần mềmSự khác biệt lớn nhất trong việc giảng dạy online là việc các giáo viên phải học cách dùng phần mềm, cụ thể ở đây là Microsoft Teams. Sau đó, mỗi bài giảng đều phải có thêm slide trình chiếu để gửi cho các học sinh trước tiết học . Đây cũng là lợi thế so với cách giảng bài truyền thống vì học sinh có thể nắm bắt nội dung môn học nhanh chóng, dễ dàng hơn khi đã có thêm nhiều hình ảnh minh họa.
Lớp học vắng lặng, giáo viên và học sinh cách xa nhau đến hàng cây số.
Trước mỗi tiết học, các giáo viên đều điểm danh bằng voice chat. Những em học sinh đều có thể trả lời bằng mic, hoặc không thì vẫn có thêm phần chat bằng text tích hợp sẵn trong phần mềm. Nếu có học sinh nào không điểm danh, giáo viên sẽ nhắn tin, gọi điện cho phụ huynh để kiểm tra ngay lập tức.
Mọi giáo viên đều phải sử dụng thuần thục các công cụ để hoàn thiện bài giảng.
Tất nhiên, ngoài việc giảng bài và trao đổi, mỗi giáo viên đều phải ghi lại tiến trình từng tiết học: Em nào trả lời câu hỏi số mấy, đúng hay sai, thưởng điểm, phê bình ai đều được ghi lại trong một cuốn sổ.
Thông tin của buổi học đều được giáo viên ghi chép lại.
Ứng dụng Microsoft Teams hỗ trợ chia từng môn thành một khung chat riêng. Trong đó giáo viên và các em học sinh có thể trò chuyện chung với nhau, gửi hình ảnh, video, file bài tập và chấm điểm qua lại. Nhiều giáo viên của trường nhờ đó mà có thể lồng ghép những hoạt động ngoại khóa mang tính tích cực, giúp học sinh phát triển về cả kĩ năng cá nhân, giáo dục đạo đức và tư duy trong cuộc sống hàng ngày.
Phần mềm Microsoft Teams giúp giáo viên và học sinh tương tác với nhau cả trong và ngoài giờ học.
Học sinh: Tập trung dễ hơn, tiết kiệm thời gian nhưng hơi… cô đơn
Đối với các em học sinh, việc học online qua máy tính có vẻ vừa thoải mái mà cũng có phần buồn chán. Thoải mái ở chỗ các em không phải đến trường, có thể học ngay tại nhà, giảm bớt thời gian chuẩn bị… Một số bạn thì cảm thấy hơi buồn vì không được đến trường gặp bạn bè như khi đi học bình thường.
Các bạn học sinh có thể ngồi ở nhà và nghe giảng như khi đến trường.
Theo chia sẻ của một vài học sinh, việc nghe giảng trực tuyến giúp các em tập trung dễ dàng hơn. Vì học ở nhà nên cũng ít bị phân tâm vì ồn ào hay các bạn nói chuyện riêng. Các slide trình chiếu mà giáo viên chuẩn bị cũng rất trực quan, giúp nắm bắt nội dung bài nhanh chóng. Ngoài ra, dù có dậy hơi muộn, đang ăn uống dở hay… chưa đánh răng rửa mặt thì vẫn chẳng ảnh hưởng gì đến buổi học cả, miễn là khi giáo viên hỏi vẫn biết đường trả lời.
Nhiệm vụ của các bạn vẫn là điểm danh, ghi chép đầy đủ cũng như trả lời giáo viên khi được gọi.
Một bạn học sinh còn kể là rất thích kiểu học trực tuyến này vì có thể trao đổi với giáo viên nhanh hơn, không lo làm mất phiếu bài tập vì mọi dữ liệu đều được lưu trên phần mềm rồi, lại giảm bớt các khâu ghi chép bài vào vở vì đã có sẵn file trình chiếu mà giáo viên gửi.
Học sinh có thể nhận/gửi bài tập, trò chuyện với giáo viên, thậm chí là chia sẻ ảnh, video lên phần chat của ứng dụng.
Phụ huynh: Hài lòng, quản lý con cái dễ hơn, tránh dịch bệnh
Ngoài giáo viên và học sinh, ngay cả những vị phụ huynh cũng tỏ ra hài lòng với phương pháp học mới. Việc học online giúp họ linh động thời gian hơn, có thể kết hợp các hoạt động khác trong ngày xen kẽ việc học. Ví dụ, nếu có em nào phải theo gia đình đi thăm người thân hay về quê thì chỉ cần mang theo laptop là có thể tham gia học được, không lo chậm bài vở hơn các bạn.
Việc học tại nhà cũng góp phần giúp phụ huynh quản lý con cái dễ dàng hơn.
Được biết, các lớp học online không phải là tạm thời. Trường Nguyễn Tất Thành sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp này cho toàn bộ học sinh, xen kẽ với cách dạy truyền thống. Hiệu quả của việc giảng dạy trực tuyến được trường đánh giá là tích cực, giúp các em học sinh hứng thú hơn, các bậc phụ huynh cũng hài lòng.
Hay là vậy, nhưng…
Phương pháp học trực tuyến như thế này thực tế vẫn còn gặp không ít trở ngại mà không phải trường nào cũng có thể vượt qua.
Đầu tiên là khâu đào tạo. Bởi không phải giáo viên nào cũng có đủ khả năng để sử dụng máy tính, chứ đừng nói là phải thành thạo cả bộ công cụ chuyên nghiệp, nhất là những thầy cô giáo lớn tuổi. Hơn nữa, khoản chi phí dành cho đào tạo và cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề lớn mà các trường học phải cân nhắc kĩ lưỡng để có thể áp dụng phương pháp giảng dạy mới.
Mô hình lớp học online có tiềm năng nhưng thực tế lại khó có thể phổ cập rộng rãi được.
Theo Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành,việc làm sao để điều hành, động viên cán bộ nhân viên toàn trường trong quá trình triển khai cũng là một khó khăn không hề nhỏ. Ngoài ra, cũng phải rèn luyện cho học sinh tính tự giác, dù phải online thường xuyên nhưng không được sa đà vào những thói quen xấu khi dùng máy tính.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?