"Người đàn bà đẹp" Marissa Mayer - CEO "3 chìm 7 nổi" của Yahoo

    NPQM,  

    Những nét vắn tắt tiêu biểu nhất về cuộc đời của nữ doanh nhân tài năng nhưng lại chưa gặp thời của Yahoo.

    Vào thời điểm năm 2012 khi Marisa Mayer được chọn làm CEO của Yahoo, công ty dường như được thổi vào một luồng gió mới. Mọi người đều nghĩ rằng bà sẽ giúp vực dậy "gã khổng lồ" trong lĩnh vực Internet sau quá nhiều năm yên ngủ và không có nhiều thành tích đáng nể gì suốt thời gian qua.

    Thế nhưng thấm thoắt ba năm trôi qua mà những nỗ lực của Mayer chỉ được đền đáp bởi tăng trưởng lẹt đẹt cùng nhiều bất đồng quan điểm nội bộ, dẫn đến tinh thần và không khí chung trong công ty bị suy giảm trầm trọng. Chuyện vốn đã không tốt nay lại còn tệ hơn.

    Điều gì đến cũng phải đến, một vài nhà đầu tư của công ty đang đề xuất một giải pháp thay thế và sửa đổi ban lãnh đạo, liên quan đến cả vị trí của bà Mayer.

    Chúng tôi đã thu thập lại những thông tin chi tiết nhất, đồng thời tham khảo cuốn sách "Marissa Mayer and the Fight to Save Yahoo" (tạm dịch: Marissa Mayer trong công cuộc cứu vãn Yahoo) để nói lên những bước tiến và chặng đường bà Mayer đã trải qua để vươn lên nắm giữ một trong những vị trí quan trọng nhất của Thung lũng Silicon cùng những tụt dốc không đáng có trong sự nghiệp của mình.


    Sinh năm 1975, Mayer sống ở quê hương tại thị trấn nhỏ Wausau tại Wisconsin. Bố của bà là một kỹ sư, còn mẹ làm giáo viên nghệ thuật.


    Từ nhỏ bà đã chứng tỏ mình có năng khiếu trong những môn Toán và Khoa học, từ đó chiếm được nhiều cảm tình từ các giáo viên. Mặc dù tham gia khá sôi nổi trong những hoạt động diễn thuyết nhưng bạn bè của Mayer cho rằng bà không phải là một người hoàn toàn có tính cách hướng ngoại. Thực tế, chính Mayer từng thừa nhận tuổi thơ của mình là một chuỗi thời gian bà sống với một tâm trạng lúc nào cũng ngại ngùng một cách khổ sở.


    Sau khoảng thời gian đó, Mayer nộp hồ sơ vào 10 trường Đại học và đều được nhận vào, trong đó có cả những môi trường hàng đầu như Harvard, Yale và Stanford. Cuối cùng bà đã lựa chọn Stanford làm điểm đến của mình, nơi lẽ ra là nền móng để bà thực hiện ước mơ làm bác sĩ của mình.


    Nhưng một bước ngoặt đã bất ngờ làm thay đổi cuộc đời Mayer khi bà đăng ký vào lớp khoa học máy tính cơ bản mới mã CS105, dẫn đến sự thành công rực rỡ trong chuyên ngành mơ ước của nhiều người khi đó, cũng giống như xuất thân của hàng loạt các tên tuổi nổi tiếng khác thời bấy giờ như Reid Hoffman của LnkedIn, Scott Forstall của Apple, và Mike Krieger của Instagram.


    Mọi người xung quanh nói rằng Mayer không chịu chăm chút cho các mối quan hệ xã hội của mình bên ngoài khuôn khổ trường học. Tuy vậy, ngay khi mới tốt nghiệp, Mayer đã trực tiếp nhận được 12 lời mời làm việc, trong đó lời đề nghị cuối cùng đến từ Google - lúc bấy giờ mới chỉ là một công ty công nghệ nhỏ.


    Khi ấy, dự định của Mayer là vào làm việc tại hãng tư vấn quản lý McKinsey. Ngoài ra, khi tự mình thực hiện những cuộc điều tra và phân tích dựa trên kinh nghiệm cá nhân, bà nhận thấy Google chỉ có... 2% thành công trên thị trường. Nhưng bằng một cách nào đó, Mayer đã bị thu hút bởi sự nhiệt tình và cả những thử thách ở đó nữa, thứ có thể giúp mình trưởng thành hơn. Do đó, quyết định cuối cùng được dành cho Google, kèm theo 13 năm cống hiến tiếp theo trong cuộc đời.


    Quả thực Google đã không khiến Mayer phải thất vọng. Trong hai năm đầu, mỗi tuần bà làm việc 100 tiếng đồng hồ. Thậm chí Mayer còn tiếp tục công tác giảng dạy tại Stanford cùng thời điểm lúc đó.


    Càng ngày thực lực của Mayer càng được chứng tỏ, đi kèm với uy tín trong công ty. Ban đầu chỉ là một nhân viên part-time của đội ngũ phát triển giao diện người dùng, nhưng đã sớm được thăng chức lên làm quản lý sản phẩm. Năm 2003, bà đã hoàn toàn lên nắm quyền điều hành bộ phận chăm sóc và phát triển sản phẩm của Google, bao gồm cả bộ máy tìm kiếm cốt lõi của hãng.


    Cũng trong quá trình làm việc nơi đây, mối quan hệ "trên cả bạn bè" của Mayer với đồng sáng lập Google Larry Page cũng dần bị hé lộ. Họ giữ chuyện riêng của mình rất kín đáo, và tất nhiên là khi làm việc họ không hề để lộ ra điều gì trước mặt đồng nghiệp.


    Dần đần, đến năm 2005, Marissa Mayer trở thành cái tên chính thức nắm trong tay vị trí Phó chủ tịch Phát triển sản phẩm và Chăm sóc khách hàng của Google. Bà cũng là một thành viên của nhóm các nhân viên cấp cao với tên gọi "băng đảng bí mật", lập ra với mục đích viết nên một cuốn sách về Google.


    Mayer rất tinh tế trong việc ngoại giao và trả lời trước báo giới, cũng như những tình cảm mà giới truyền thông giành lại cho bà vậy. Còn có nhiều tin đồn rằng Google lúc ấy đang dự định lập ra một nhóm PR riêng cho mình Mayer. Điều đó không hoàn toàn là sự thật, nhưng thực ra vẫn đúng là có một vài người khá tâm huyết trong công cuộc quảng bá hình ảnh cho bà.


    Mayer liên tục cho thấy mình đang nắm giữ một vị trí quan trọng bằng cách trở nên nổi bật trong mắt công chúng khi mua một căn hộ áp mái hạng VIP trị giá 5 triệu USD tại khách sạn Four Season ở San Francisco, và một căn nhà nữa gần với khuôn viên Mountain View của Google. Trang phục của bà cũng được thiết kế riêng bởi nhà thiết kế Oscar de la Renta.


    Nhưng những chính sách và yêu cầu trong thói quen và phong cách liên quan đến công việc quản lý dữ liệu chi tiết của mình cũng không hẳn là không có điểm trừ, nhất là khi một vài người đã thật sự bị làm phật ý. Một nhà thiết kế nổi tiếng Doug Bowman đã nghỉ việc, cho rằng ông "quá mệt mỏi vì phải đối mặt với những quyết định nhỏ nhặt của bà".


    Dần dần vẫn tiếp tục nảy sinh thêm nhiều lục đục trong nội bộ công ty. Một trong những nhân vật khá quan trọng của Google, Amit Singhal, người đứng sau những thuật toán tìm kiếm cốt lõi, cũng không có cảm tình mấy với Mayer. Ông đã đến gặp thẳng Larry Page và yêu cầu thay thế Mayer bằng một ai đó khác trong nhóm của ông.


    Cuối cùng thì Mayer cũng phải chuyển công tác đến bộ phận phụ trách Google Maps và các sản phẩm nhỏ lẻ. Tất nhiên bà vẫn thuộc vào những nhân viên cấp cao hàng đầu của công ty, nhưng diễn biến đó quả thực không khác gì một sự "giáng chức" với Mayer, vì nhóm phụ trách bộ máy tìm kiếm mới là trái tim và bộ não lớn nhất của Google.


    Năm 2011, Mayer nói lời tạm biệt với Google, đưa tay tiếp nhận một cơ hội tiềm năng hơn khi Yahoo mong muốn bà trở thành CEO mới của mình. Trước đó, nhiều người đã dự đoán chiếc ghế trống này có thể rơi vào tay Nikesh Arora - giám đốc kinh doanh tại Google hoặc Eddy Cue - phó chủ tịch mảng dịch vụ và phần mềm Internet.


    Một vài chuyên gia nội bộ cũng khá do dự khi quyết định để Mayer nắm giữ vị trí này, vì bà chưa có nhiều kinh nghiệm lắm trong việc điều hành công việc của cả một doanh nghiệp. Thế nhưng xét cho cùng toàn bộ ban quản trị đã đồng thuận bầu cho Mayer trở thành CEO tiếp theo của Yahoo.


    Tháng 7 năm 2012 là thời điểm Mayer đặt chân chính thức vào Yahoo. Mọi kỳ vọng đều được đặt lên vai bà khi hình ảnh của Mayer còn được thiết kế mô phỏng lại mẫu poster "Hope" của Tổng thống Obama.


    Mayer nhanh chóng xem xét và sửa đổi lại toàn bộ công việc quản lý của Yahoo, đồng thời đưa vào những đồng nghiệp thân cận trước đó của mình. Năm đầu tiên, cổ phần của Yahoo tăng từ 15,74 USD/cổ phiếu lên gần 28 USD/cổ phiếu, tính đến tháng 8 năm 2013.


    Nhưng thực ra thành công đó cũng nhờ vào quyền sở hữu một phần Alibaba của Yahoo. Trước khi Alibaba được biết đến rộng rãi vào năm 2014, Mayer vẫn đang yên vị trong một "vòng an toàn" vì Yahoo đang có một công cụ hữu hiệu để đầu tư vào thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc.


    Dù sao thì phần lớn công lao vẫn thuộc về Mayer vì những ứng dụng và sản phẩm cốt lõi của Yahoo vốn cũng được bà để tâm chăm sóc rất nhiều. Mọi người đều nói rằng Mayer là một nhân tố mới mang lại những nét đột phá cho cả nội bộ lẫn thành công của Yahoo.


    Nhưng doanh số tại mảng kinh doanh chủ yếu của Yahoo lại không được như mong muốn, và tính đến những tháng cuối cùng, Mayer đã suýt bị sa thải.


    Nhiều lãnh đạo cấp cao đã rời đi, bao gồm CMO Kathy Savitt và CDO Jackie Reses (ảnh dưới). Nhiều người cũng nghi ngờ về năng lực và chiến lược của Mayer, khi bà đã tiêu tốn của công ty 3 tỉ USD mua lại những công ty khởi nghiệp nhỏ những lại không thu về kết quả nào khả quan.


    Một giám đốc quản lý quỹ của Yahoo, Eric Jackson, đã đệ lên một bản slide 99 trang giải thích lý do tại sao công ty cần một sự thay đổi, liên quan đến toàn bộ cách tổ chức và cả cả việc bỏ qua mảng đầu tư vào bộ máy tìm kiếm. Tháng 1 sau đó, hãng đầu tư Starboard cũng gửi một bức thư đề nghị Yahoo cải tổ nhân sự cũng như chiến lược của mình.


    Thậm chí, theo nhiều nguồn tin, những nhân viên của Yahoo đang dần mất niềm tin vào chính CEO của mình. Business Insider cũng được thông báo rằng công ty dự định cắt giảm 10% nhân sự vào tuần tới.


    Giờ đây, Yahoo đang dính vào tin đồn về một thương vụ giao dịch, trả giá cho chính mảng kinh doanh cốt lõi lớn nhất của mình, đi kèm cả các điều khoản nội dung trực tuyến và quảng cáo kỹ thuật số. Đồng hồ đang điểm, và Mayer hiện vẫn đang phải gồng mình lên hứng chịu mọi áp lực từ dư luận và báo chí. Hãy cùng sẵn sàng chờ đợi những thông tin cập nhật mới nhất về tình hình hiện tại của Yahoo

    .Tham khảo: BusinessInsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ