Người đàn ông Úc giữ hòn đá quý suốt nhiều năm vì tưởng là vàng, hóa ra nó là thứ khoáng vật ngoài không gian còn đáng giá hơn

    Nguyễn Đàng,  

    Người đàn ông giữ khư khư một cục đá nhiều năm trời, tưởng rằng nó là vàng. Hóa ra, nó có giá trị hơn nhiều.

    Vào năm 2015, tại một công viên khu vực tên là Maryborough nằm ở Melbourne, nước Úc, David Hole đang tìm kiếm mỏ quặng cùng chiếc máy dò kim loại đáng tin cậy trên tay của mình. Nhưng thay vì quặng, ông lại tìm được một vật rất khác thường. Một viên đá màu đỏ rất nặng nằm giữa bãi đất sét vàng.

    Ông ấy mang nó về nhà và thử mọi cách để mở nó ra, trong đầu nghĩ rằng bên trong chắc chắn có vàng. Dù sao Maryborough nằm ở vùng Goldfields, nơi mà cơn sốt vàng đã đạt đến đỉnh điểm vào thế kỷ 19.

    Hole đã dùng nhiều biện pháp để cố gắng đập mở hòn đá như cưa đá, máy mài, máy khoan và cả một bồn axit, nhưng chẳng có hiệu quả gì. Đến cả một cái búa tạ cũng không thể khiến nó sứt mẻ. Nguyên nhân là vì hòn đá mà ông ấy muốn đập mở không phải vàng. Nhiều năm sau, Hole mới phát hiện thật ra nó là một mảnh thiên thạch hiếm.

    "Nó có một vẻ ngoài chạm trổ", Dermot Henry, nhà địa chất tại Bảo tàng Melbourne nói. "Vẻ ngoài này hình thành khi chúng lao qua bầu khí quyển, phần bên ngoài tan chảy và bầu khí quyển tạo hình cho chúng".

    Mặc dù không thể mở 'hòn đá', Hole vẫn rất hứng thú với nó, ông đem mảnh thiên thạch đến viện Bảo tàng Melbourne để nhận dạng.

    "Tôi đã xem qua rất nhiều loại đá mà người ta tưởng là thiên thạch", Henry nói.

    Thật ra, trong 37 năm làm việc tại viện bảo tàng và xét nghiệm hàng ngàn loại đá, Henry giải thích rằng chỉ có hai trường hợp thật sự là thiên thạch.

    Dưới đây là một trong số hai trường hợp.

    Người đàn ông Úc giữ hòn đá quý suốt nhiều năm vì tưởng là vàng, hóa ra nó là thứ khoáng vật ngoài không gian còn đáng giá hơn - Ảnh 1.

    "Nếu bạn thấy một hòn đá như vậy trên Trái Đất và bạn cầm nó lên, nó sẽ không nặng đến thế", Bill Birch, một nhà địa chất khác tại Bảo tàng Melbourne, nói.

    Dạo gần đây, các nhà nghiên cứu đã xuất bản một bản báo cáo khoa học mô tả mảnh thiên thạch 4,6 tỷ tuổi này. Họ đặt tên nó theo thị trấn mà nó được tìm thấy là Maryborough.

    Nó nặng tới 17 kg, và sau khi dùng máy cưa kim cương để cắt ra một lát nhỏ, họ khám phá ra thành phần của nó phần lớn là sắt, xác định nó thuộc lớp thiên thạch H5 chondrite thông thường. Khi cắt ra, bạn có thể thấy được những giọt tinh thể li ti của khoáng sản kim loại khắp nơi trên bề mặt. Các nhà khoa học gọi chúng là chondrules.

    "Thiên thạch cung cấp nguồn khai phá vũ trụ với cái giá rất rẻ. Chúng đem chúng ta đi ngược dòng thời gian, cung cấp manh mối về tuổi tác, sự hình thành và hóa tính của Hệ Mặt Trời (trong đó bao gồm cả Trái Đất)", Henry giải thích.

    "Một số thiên thạch cung cấp cái nhìn thoáng qua về phần sâu thẳm bên trong hành tinh của chúng ta. Trong một số khác thì lại tồn tại 'bụi sao' lâu đời hơn cả hệ mặt trời và nó chỉ ra cho chúng ta cách mà các ngôi sao thành hình và tiến hóa để tạo ra các nguyên tố trong bảng tuần hoàn".

    "Một số thiên thạch hiếm khác chứa các phân tử hữu cơ như axit amin; thành phần cơ bản cấu tạo nên sự sống".

    Người đàn ông Úc giữ hòn đá quý suốt nhiều năm vì tưởng là vàng, hóa ra nó là thứ khoáng vật ngoài không gian còn đáng giá hơn - Ảnh 2.

    Lát cắt của mảnh thiên thạch

    Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết viên thiên thạch đến từ đâu và nó đã ở trên Trái Đất bao lâu, song họ có một vài suy đoán.

    Hệ mặt trời đã từng là một vòng xoáy chứa đầy bụi và đá chondrite. Về sau trọng lực hút những mảnh vật chất này về với nhau và tạo thành hành tinh, phần còn lại trôi nổi tạo thành các vành đai tiểu hành tinh.

    "Viên thiên thạch này chắc hẳn đến từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc. Nó đã bị đẩy ra do các tiểu hành tinh va đập vào nhau và rồi một ngày nó đáp xuống Trái Đất". Henry giải thích.

    Định tuổi bằng cacbon đề xuất rằng viên thiên thạch đã ở trên Trái Đất từ 100 đến 1000 năm. Từ 1889 đến 1951 đã có rất nhiều lần sao băng được phát hiện, một trong số đó có thể là khoảnh khắc viên thiên thạch này đâm xuống.

    Các nhà nghiên cứu tranh luận rằng viên thiên thạch Maryborough quý hiếm hơn cả vàng. Nó là một trong 17 viên thiên thạch từng xuất hiện tải tiểu bang Victoria của Úc và chứa lượng chondritic nhiều thứ hai, chỉ sau một mẫu vật nặng 55 kg được phát hiện vào 2003.

    "Đây là viên thiên thạch thứ 17 được phát hiện tại Victoria, nơi mà đã có hàng ngàn cốm vàng được tìm thấy", Henry nói. "Nhìn vào chuỗi sự kiện đã xảy ra, việc mảnh thiên thạch này được khám phá thật là một điều kỳ diệu".

    Đây không phải là mảnh thiên thạch đầu tiên mất đến vài năm mới đặt chân đến viện bảo tàng. Đã từng có trường hợp mất đến 80 năm, qua tay hai chủ nhân, một viên đá vũ trụ mới bước lên được bờ thềm viện bảo tàng.

    Bản báo cáo khoa học được xuất bản tại Biên bản Xã hội Hoàng gia Victoria.

    Theo Sciencealert


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ