Người học kinh doanh, xã hội có thể tham gia sáng lập startup công nghệ không?

    Ngocmiz,  

    Vai trò của các những người không đảm nhận các vị trí IT trong các tech startup có thể bị coi nhẹ, nhưng nếu nhìn vào những trường hợp dưới đây, bạn sẽ thấy những kỹ năng như sales hay thuyết trình, gọi vốn,... cũng quan trọng ngang ngửa các kỹ năng công nghệ.

    Nếu từng đọc bài viết nói về chuyện Steve Jobs đã dự đoán đúng tương lai Apple từ cách đây 20 năm, có thể bạn, cũng như nhiều người khác, sẽ nghĩ không phải người làm kinh doanh mà chính các kỹ sư mới là người nên nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong một công ty công nghệ. Tuy nhiên, bài viết trên chỉ bàn luận trong phạm vi các công ty đã lớn đến mức thống trị thị trường, còn với startup, mọi thứ lại không hoàn toàn như vậy.

    Vai trò của các những người không đảm nhận các vị trí IT trong các tech startup có thể bị coi nhẹ, nhưng nếu nhìn vào những trường hợp dưới đây, bạn sẽ thấy những kỹ năng như sales hay thuyết trình, gọi vốn,... cũng quan trọng ngang ngửa các kỹ năng công nghệ. Nếu còn băn khoăn về việc liệu học kinh doanh có thể sáng lập startup công nghệ hay không thì bài viết này chính xác là dành cho bạn.

    Apple

     Steve Wozniak (trái) và Steve Jobs thời trẻ

    Steve Wozniak (trái) và Steve Jobs thời trẻ

    Steve Jobs là một gã cuồng tech nhưng trên thực tế, người thiết kế và xây dựng chiếc máy tính đầu tiên cho Apple lại là nhà đồng sáng lập Steve Wozniak. Wozniak chính là người đảm nhận hết các phần việc nặng nề về công nghệ. Trong khi đó, công việc của Jobs lại là thương mại hóa sản phẩm thật tốt, kêu gọi vốn đầu tư cũng như tuyển dụng những nhân tài có thể giúp công ty ra mắt công chúng hay thiết kế nên các sản phẩm có thể “phá đảo” ngành công nghiệp máy tính đương thời.

    Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2015, Steve Wozniak từng chia sẻ rằng: “Steve Jobs chẳng đóng vai trò gì trong việc thiết kế giao diện máy Apple I, Apple II và ổ đĩa mềm mà tôi đảm nhận. Ông ấy cũng không rành công nghệ, chưa từng thiết kế phần cứng và không hiểu biết nhiều về phần mềm. Ông ấy luôn muốn là người quan trọng, và người quan trọng thì thường là những người làm kinh doanh. Đây chính là thứ ông ấy muốn làm.”

    Dưới đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn trên. Steve Wozniak nói về vai trò của Jobs tại Apple từ 3:51 đến 4:15.

    Steve Wozniak nói về vai trò của Steve Jobs tại Apple

    Khi Jobs quay trở lại Apple (sau một thời gian rời đi) và nhanh chóng biến nó thành một trong những tập đoàn có giá trị nhất hành tinh, công ty được cai quản bởi “bộ ba quyền lực” là Jobs – chuyên gia diễn thuyết giới thiệu sản phẩm (“chief pitchman”), Jony Ive – thiên tài thiết kế và Tim Cook – bậc thầy quản lý chuỗi cung ứng. Tất cả họ đều không phải kỹ sư IT như nhiều người vẫn hình dung về các lãnh đạo công nghệ.

    Facebook

     Mark Zuckerberg và Chris Hughes năm 2004

    Mark Zuckerberg và Chris Hughes năm 2004

    Mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn được coi là niềm cảm hứng tràn đầy của Thung lũng Silicon. Ai cũng biết Mark Zuckerberg nổi tiếng với việc xây dựng trang thefacebook.com ngay tại phòng ký túc xá tại Harvard, thế nhưng không nhiều người biết Zuckerberg từng thừa nhận mình không phải một lập trình viên giỏi.

    Ông chủ Facebook cho biết giá trị lớn nhất của anh chính là tầm nhìn về một nền tảng có thể giúp con người ta kết nối với nhau hiệu quả hơn bất cứ thứ công nghệ nào khác trong lịch sử. Cuối cùng thì, liệu những dòng code ban đầu của Mark quan trọng đến mức nào, nếu như nhà đồng sáng lập Dustin Moskovitz sau đó đã cày code từ sách và các lớp học ở trường khi đang xây dựng những phần chính yếu cho site?

    Cuốn sách The Facebook Effect có nhắc đến thời kỳ khi thefacebook.com mới chỉ phổ biến trong cộng đồng vài nghìn sinh viên Ivy League (nhóm 8 trường đại học hàng đầu ở bờ đông nước Mỹ), Zuckerberg đã trông cậy rất nhiều vào một người bạn học chuyên ngành xã hội là Chris Hughes. Hughes được tin tưởng giao phó nhiệm vụ duyệt thiết kế bản cuối giao diện trang.

    Sự tham gia của cậu bạn này hóa ra lại đặc biệt quan trọng. Là một người học Nhân văn, Hughes có cảm quan rất tốt về phản ứng của người dùng đối với các tính năng trên site. Ngay từ khi mới tham gia làm cùng Zuckerberg, Hughes đã nhận được hàng loạt yêu cầu xem xét các tính năng cũng như phần thiết kế của page. Thậm chí ngay cả khi Hughes quay lại trường để học năm ba, “sếp” Zuckerberg cũng vẫn thường xuyên tham khảo ý kiến anh về các vấn đề đang được tranh cãi trong công ty.

    Palantir

     Alex Karp (trái) và Peter Thiel

    Alex Karp (trái) và Peter Thiel

    Nhắc đến các startup được định giá cao nhất thế giới hiện giờ, nhiều người có lẽ chỉ nghĩ đến Uber, Airbnb hay Dropbox mà không mấy ai để ý rằng công ty bí ẩn Palantir – với mức vốn hóa thị trường 20 tỷ USD vào tháng 3/2017 – đã trở thành startup có giá trị cao thứ ba tại Mỹ.

    Lý do Palantir không “nổi như cồn” là bởi các lãnh đạo công ty quyết định giữ nó trong vòng bí mật cao hết sức có thể. Palantir thuê về nhiều chuyên gia big data và machine learning hàng đầu thế giới để xây dựng các công cụ phân tích dữ liệu lớn tinh vi. Khách hàng của Palantir gồm toàn các tập đoàn tài chính phố Wall, các tổ chức lớn như CIA, NSA hay các chính phủ nhiều nước trên thế giới.

    Vậy thì những người không làm IT trong Palantir sẽ đóng vai trò gì?

    Palantir được tỷ phú Peter Thiel thành lập 3 năm sau khi ông bán công ty PayPal (cùng Elon Musk). Trong cuốn sách nổi tiếng Zero to One của mình, ông có nhắc đến cách mà công ty coi trọng các nhân viên non-tech (không làm về IT) như sau:

    “Chúng ta đều đang đánh giá thấp giá trị của quy trình phân phối, một thuật ngữ chung chung chỉ tất cả mọi thứ liên quan đến việc bán sản phẩm. Những người làm sales hay trung gian phân phối đều phải tham gia vào quy trình. Quy trình phân phối cũng nên được chảy một cách tự nhiên ngay từ giai đoạn xây dựng sản phẩm… Thực tế là nhiều kỹ sư ở Thung lũng Silicon lại đang nhiễm thói tự cao tự đại thích xây dựng những thứ hào nhoáng hơn là nghĩ đến việc bán chúng. Thế nhưng khách hàng sẽ không bao giờ đến chỉ vì bạn đã làm ra các sản phẩm đâu. Bạn phải khiến họ đến với mình. Chuyện này không đơn giản như khi nhìn từ ngoài vào.”

    Nhà đồng sáng lập Palantir với Peter Thiel là Alex Karp – người bạn học cùng khóa ở trường luật với Thiel. Và theo như chính Thiel ghi nhận, Karp đã dành “25 ngày mỗi tháng lăn lộn bên ngoài gặp gỡ, nói chuyện với các khách hàng đang dùng cũng như khách hàng tiềm năng của sản phẩm.” Các nhà sáng lập non-tech của Palantir đều trân trọng những nỗ lực không phải về mặt công nghệ như vậy.

    Uber

     Ryan Graves

    Ryan Graves

    Được biết đến trên toàn cầu với vai trò “kẻ hủy diệt taxi truyền thống”, Uber được thành lập bởi Travis Kalanick, người đã cố xoay sở cứu công ty cũ của mình sau khi toàn bộ các kỹ sư và các lãnh đạo đồng loạt rời đi. Ông đã sang Thái Lan lập một nhóm phát triển sản phẩm mới rồi bán được công ty với giá 20 triệu USD.

    Sau khi nhận ra ý tưởng về Uber, Kalanick lại bắt đầu xây dựng một nhóm lập trình viên mới nhưng cũng không quên đưa vào Ryan Graves – người đã cùng Kalanick đi khắp các thành phố và quốc gia khác nhau giúp công ty xoay sở, sống sót trước các quy định khắt khe về taxi ở mỗi nước.

    Điều thú vị là khi Kalanick “rao” tin tuyển những nhân viên đầu tiên cho Uber trên Twitter, Graves chính là người đã phản hồi và liên hệ tham gia. Nhiều tạp chí thậm chí còn bình luận rằng chính dòng tweet phản hồi Kalanick đã giúp Graves trở thành tỷ phú (hiện đang là Giám đốc Vận hành toàn cầu của Uber). Thời điểm đó, Graves mới chỉ là một nhân viên bình thường với kinh nghiệm quản lý cơ sở dữ liệu tại GE và chút kỹ năng phát triển kinh doanh thời còn đi làm không công cho startup Foursquare (khi bị công ty này từ chối thuê về làm).

     Dòng tweet tìm nhân sự của Travis Kalanick

    Dòng tweet tìm nhân sự của Travis Kalanick

     Và dòng tweet phản hồi lại của Ryan Graves

    Và dòng tweet phản hồi lại của Ryan Graves

    Không thể phủ nhận tiềm lực công nghệ đã giúp Uber vươn lên dẫn trước các đối thủ, nhưng chắc chắn việc Kalanick và các đồng sự đi gõ cửa từng nhà mời gọi sử dụng app những ngày đầu hay kiên cường “đấu tranh” giúp Uber hoạt động được ở nhiều nơi đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc hành trình đi lên vị thế hiện nay. Một trong những nét văn hóa nội bộ được startup 60 tỷ đô này chú trọng nhất hiện nay chính là tinh thần của những kẻ “hustler” – luôn biết tìm cách ứng biến với nghịch cảnh theo những cách khôn khéo và sáng tạo nhất.

    Vai trò của phân phối/bán sản phẩm

    Trong rất nhiều thương vụ sáp nhập các startup phần mềm hiện nay, đối tượng được thâu tóm luôn là những biệt đội bao gồm 2 thành tố không tách rời: Một nhóm kỹ sư giỏi được dẫn dắt bởi một lập trình viên thần sầu và một nhóm phát triển kinh doanh luôn sẵn sàng xông xáo tìm kiếm khách hàng.

    Một khi bản mẫu sản phẩm đã lên sóng, chính đội ngũ kinh doanh – những người lăn lộn ra đường tìm kiếm người dùng, đối tác, phản hồi về sản phẩm chính là thứ vũ khí mạnh mẽ giúp startup đi lên. Cho dù đó có là một vị CEO phải đi gọi từng cuộc điện thoại mời gọi khách hàng, một phó giám đốc bán hàng phải về từng khu vực để giới thiệu sản phẩm, một công ty khởi nghiệp sẽ khó lòng được biết đến nếu không có những cá nhân như vậy.

    Tham khảo Quora

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày