Người nổi tiếng "say quyền lực", dân mạng "say quyền trừng phạt"
Từ cá nhân có sức ảnh hưởng cho tới đám đông hàng triệu dân mạng, không ít người đang vô tình hoặc cố ý rơi vào hố sâu mang tên "ảo tưởng quyền lực", sẵn sàng rủ nhau trừng phạt bất cứ ai trên mạng xã hội. Đơn giản chỉ vì họ… muốn làm như vậy.
- "Mỗi người Việt Nam có 4 tài khoản MXH, ngăn chặn tin xấu độc thực sự khó khăn"
- Choáng với lượng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam
- Sử dụng mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em
- Mạng xã hội “trói buộc” người dùng như thế nào?
- Người dùng Facebook, YouTube, TikTok có thể sẽ phải định danh tài khoản mạng xã hội
YouTuber - Hot TikTok bị dân mạng “phong sát”
V.H.L. được người hâm mộ sắc đẹp biết đến với vai trò là một Beauty Blogger sở hữu hơn 1,9 triệu lượt theo dõi, với phong cách review mỹ phẩm khẳng định không nhận quảng cáo nên khen chê thẳng thừng. Lấn sân sang lĩnh vực đánh giá ẩm thực - vốn là mảng miếng nhạy cảm hơn, V.H.L. vẫn áp dụng phong cách chê bôi “vỗ mặt” của mình nhưng lúc này, mọi thứ không suôn sẻ như lúc cô còn làm về mảng mỹ phẩm.
Một mặt, vẫn có người trung thành với review của cô, bằng chứng là clip nào ra mắt hot clip đó. Mặt khác, cũng nhiều người đã chán ngán sự “đá ngang” của nữ YouTuber nổi tiếng, do ẩm thực là phạm trù thuộc về quan điểm cá nhân, việc chê bai đồ ăn cần phải được tiết chế do H.L là người có sức ảnh hưởng nhất định, cũng như “một mồm không đại diện cho nghìn mồm” - đánh giá tiêu cực của cô sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công việc kinh doanh của các hàng quán.
Hậu quả, hàng chục hội nhóm tập hợp những người tẩy chay V.H.L đã được lập lên với hơn 100.000 người tham gia trong vòng chưa đầy 1 tuần. Đỉnh điểm, đã có lúc V.H.L bị quay lưng trên hầu hết các nền tảng, bởi chính những người từng ủng hộ cô.
Không dừng ở đó, các hội anti H.L liên tục tấn công các nhãn hàng có hợp tác với nữ YouTuber. Một số nhãn hàng nhận thấy làn sóng tẩy chay mạnh mẽ phải chiều theo lòng người vì không thể đương đầu với những cú click chuột “hạ sao”, buộc phải xóa các hình ảnh có cô làm đại diện, hoặc hủy hợp tác với nữ YouTuber.
Sẽ không sai nếu như làn sóng phản đối dừng ở mức văn minh - không ủng hộ cá nhân có phát ngôn hay hành động thiếu chuẩn mực; bởi mất đi sự ủng hộ của công chúng đã là đòn trực phạt đau đớn nhất với những người “sống nhờ công chúng”. Nhưng việc tấn công và mạt sát những đối tác của họ và gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp chẳng quá thân thiết với cá nhân đó thì thật không nên.
… Đến cô nữ sinh bị bạo lực mạng vì đưa ra phản hồi “chưa khéo”
Gần đây, mạng xã hội quan tâm vụ việc một nữ sinh lớp 12 chụp ảnh kỷ yếu và bị thợ chụp ảnh “bóc phốt". Theo đó, N.Q - thợ chụp ảnh cho biết anh được thuê với giá 600 nghìn để chụp kỷ yếu, song khi trả ảnh nữ sinh cảm thấy không ưng ý nên muốn bồi thường. Tuy nhiên, cách nói chuyện và ứng xử của nữ sinh khiến thợ chụp ảnh không vừa lòng nên anh chàng đã quyết định "bóc phốt" cô bé.
Khi đăng tải bài viết, anh thợ chụp ảnh đã công bố ảnh chân dung, kèm theo một số thông tin cá nhân của nữ sinh khiến cô trở thành tâm điểm chế nhạo, hùa theo chỉ trích một cách nặng nề. Thậm chí, họ quay mũi dùi sang nhan sắc của cô bé và nhục mạ một cách quá đáng - dù trước đó bản chất của vấn đề là lối cư xử không hợp lý giữa cô và người nhiếp ảnh.
Phản ứng tiêu cực từ cộng đồng khiến nữ sinh này phải khóa Facebook. Rất nhiều tài khoản giả nữ sinh được lập ra trong 1 đêm với mục đích câu view.
Một cô bé chỉ mới chớm 18 tuổi - với mong ước đơn giản là có một bộ ảnh đẹp ghi lại khoảnh khắc trọng đại của cuộc đời, tuy có phần ứng xử chưa đủ khéo léo bỗng trở thành tội đồ đáng bị trừng phạt của toàn thể cõi mạng.
Và cũng chẳng biết dựa vào điều gì mà người thợ chụp quyết định công khai hình ảnh, thông tin khách hàng trên mạng xã hội, để cả cộng đồng mạng tấn công, dùng hình ảnh cô bé và chế giễu như một cách trả đũa đầy thâm sâu.
Nhón một chân bước vào đời, sự việc mà cô bé phải đối diện chắc chắn sẽ trở thành nỗi ám ảnh dài lâu. Không rõ đòn đau này có khiến cô bé trở nên phải phép hơn không, nhưng kỷ niệm thời đi học thì bị hủy hoại là điều dễ thấy.
Trên mạng xã hội, cư dân mạng đang thể hiện sự say mê quyền lực bằng những đòn trực phạt ngay lập tức. Nạn nhân có thể là bất cứ ai, nghệ sĩ, KOL, KOC, dân thường. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội cùng cách đưa tin rời rạc không toàn vẹn khiến người dùng khó có thể hình dung bức tranh toàn cảnh sự việc để đưa ra “phán quyết” chính xác.
Ví như trường hợp của Trương Nhã Dinh - cô nàng KOC sở hữu hơn 2,5 triệu lượt theo dõi trên TikTok cũng nhận sự quay lưng từ cộng đồng mạng dù sự việc xảy ra với cô chưa rõ ràng đúng - sai. Chỉ từ một bài đăng tố cô nàng livestream hàng kém chất lượng, chẳng cần biết rõ ngọn ngành trong sự việc ấy là gì, dân mạng đã tấn công Nhã Dinh từ TikTok, Facebook, YouTube,... thậm chí đến cả người thân của cô.
“Họ nói: ‘Em có cha mẹ sinh nhưng nhưng không có cha mẹ dạy’, thậm chí họ còn gọi cho mẹ em nói rằng em bị công an bắt rồi. Trong hoảng loạn, em xóa hết ảnh gia đình mình trên trang cá nhân”, Trương Nhã Dinh bật khóc chia sẻ những lời nói công kích cô trên mạng xã hội.
“Say” quyền lực trở thành hội chứng đáng quan ngại của số đông cư dân mạng. Bởi với 1 cú click chuột thôi, họ hoàn toàn có khả năng đánh giá một sự việc. Nhân bản lên với hàng triệu người dùng cùng 1 góc nhìn chưa toàn cảnh, sức mạnh ấy đạt quy mô hàng lũy thừa.
Với những người nổi tiếng, việc dùng sức ảnh hưởng của mình đánh giá sản phẩm ngoài mặt lợi là mang lại doanh thu và một lượt khách hàng ổn định. Còn có mặt hại là khiến cho thị trường mất cân bằng chuẩn mực. Doanh nghiệp bị phụ thuộc vào chất lượng lại phụ thuộc vào người nổi tiếng.
Cộng đồng mạng bị “say quyền lực” cũng đã gây ra nhiều hệ luỵ không kém. Họ dùng sức mạnh đám đông áp lực những người trong cuộc mặc kệ đúng - sai. Người bị hướng mũi dùi phải đối mặt với không chỉ vài, mà là hàng nghìn, hàng chục nghìn, trăm nghìn người, nhiều người không đủ cứng rắn rất dễ rơi vào trạng thái tâm lý hủy hoại. Cho đến cùng, sự trừng phạt cho sai lầm bỗng chốc trở thành án tử nặng nề - nghĩa bóng cho sự nghiệp và nghĩa đen cho cuộc đời.
Trương Nhã Dinh cho biết, cô bị hơn 3.000 người xem livestream công kích khiến bản thân tự ti, mặc cảm, dù là người đang sở hữu hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội và có tài nói trước đám đông, cô vẫn phải đầu hàng dân mạng khi họ buông lời xúc phạm cả người thân.
“Hơn 3 nghìn người xem liên tục công kích và chửi bới em. Sau khi tắt livestream em cảm thấy rất tồi tệ và kinh khủng. Họ phẫn nộ cũng phải, họ là người dùng. Nhưng khi sự việc còn chưa được sáng tỏ, chỉ mới từ một phía mà họ đối xử với em quá tàn nhẫn. Thời gian đó, em không ra đường, em cứ luôn có cảm giác người ta nhìn mình và xì xầm, mặc cảm”, Trương Nhã Dinh nói.
Thời điểm lúc bấy giờ, số lượt phẫn nộ trên trang cá nhân chính là thành tố giúp những người chưa biết “theo phe” nào quyết định rằng họ có công kích cô nàng này không.
Người dùng mạng thường xem lượt phẫn nộ và lượt yêu thích quan trọng hơn sự thật hay tính chất của thông tin, thậm chí khi họ nhìn thấy số lượng phẫn nộ càng nhiều thì họ càng khẳng định là nhân vật trong câu chuyện sai, cứ như thế số đông là phía chiến thắng chỉ cần một cú click chuột.
Người nổi tiếng không thể bị say đắm quyền lực nếu nhưng không có một đại bộ phận người hâm mộ luôn ủng hộ họ. Và một cộng đồng không thể “say quyền trừng phạt” khi xung quanh không có nhiều người muốn trừng phạt người khác như họ. Tất cả đều xuất phát từ hiệu ứng đám đông - thứ hiệu ứng bắt nguồn từ bản năng của tổ tiên loài người.
Hiệu ứng đám đông đã góp phần hình thành nên các thói quen tốt, điều chỉnh hành vi, các chuẩn mực cư xử của con người. Nếu không có hiệu ứng đám đông, xã hội sẽ không có sức mạnh liên kết thực sự, thôi thúc, động viên, khích lệ con người vươn lên, tạo ra những hành vi, những kết quả tốt đẹp hơn.
Thế nhưng vượt ra ngoài những chuẩn mực tốt đẹp, con người bị đám đông chi phối cả về đạo đức.
Không khó để tìm thấy một vụ việc nhờ số đông lên tiếng thì sự thật mới được sáng tỏ, hay một luật định tốn nhiều thời gian và tiền bạc của những người nghiên cứu, phân tích nhưng chỉ cần bị số đông phản bác đã thành “công dã tràng”. Số đông gần như đã quyết định chân lý mà trong câu chuyện ấy, trí tuệ bị lu mờ và trở thành một hạt cát giữa sa mạc.
Như chúng ta đều đã biết, tất cả các cuộc thi sắc đẹp hiện tại đều có một giải “bình chọn” hoặc “thí sinh yêu thích nhất". Ban Giám Khảo cho rằng thí sinh được yêu thích nhất là thí sinh có số lượt chia sẻ, thả tim bình chọn nhiều nhất.
Những tưởng câu chuyện bị một cộng đồng tẩy chay vốn đã lỗi thời nhưng nó vẫn còn nhan nhản trong đời sống thậm chí còn phát triển mạnh mẽ dưới nền công nghệ 4.0. Như câu chuyện xót xa về một nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An tự tử, trên các diễn đàn không ngừng bàn luận về nguyên nhân cái chết đầy oan uổng. Gia đình nữ sinh cũng cho rằng, em bị đám đông bạo lực từ đời sống lên đến mạng xã hội nên đã nghĩ dại.
Hay câu chuyện mà chúng ta đề cập ở trên về TikToker Trương Nhã Dinh - một người có thể đã sở hữu sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, bỗng trở thành nạn nhân, rơi vào trầm cảm do bị đám đông công kích kịch liệt.
“Em có đọc được bình luận của một số người, họ nói: “Trước đây rất thích em nhưng giờ thì không thích nữa”, cùng lúc đó nhiều người vào thể hiện sự đồng tình với bình luận ấy”, Trương Nhã Dinh nói về sự việc của mình.
Hiệu ứng đám đông không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà tại một số nước trên thế giới hiệu ứng này cũng tồn tại dưới nhiều tên gọi. Điển hình trong giới KPOP - hiệu ứng này còn có tên là “Black Ocean” - cụm từ dùng để chỉ hành động phản đối mạnh mẽ của người hâm mộ đối với thần tượng. Cụ thể, trong đêm nhạc, để thể hiện sự tẩy chay, khán giả sẽ tắt lightstick (đèn cổ vũ) và tạo ra một “biển đen” phía dưới.
Năm 2012, T-ARA đã phải đối diện với ác mộng "biển đen". Cụ thể, khi nhóm đang biểu diễn trên sân khấu, người hâm mộ bên dưới đã tắt hết tất cả đèn và tiếng cổ vũ. Nguyên nhân được cho là do T-ARA vướng phải scandal ức hiếp cựu thành viên. Nhiều năm sau đó, mặc dù T-ARA chứng minh sự trong sạch trong scandal này. Tuy nhiên, "black ocean" vẫn là nỗi ám ảnh đáng buồn sự nghiệp của T-ARA.
Không chỉ T-ARA, năm 2008, tại Dream Concert, nhóm nhạc Girls’ Generation (SNSD) đã vướng phải sự phản đối đến từ cộng đồng người hâm mộ KPOP, các cô gái phải đối mặt với “biển đen” im lặng và biểu diễn gần 10 phút trong bóng tối mà không hò reo, cổ vũ phía dưới.
Không chỉ T-ARA, SNSD, BTS cũng từng đối mặt với ác mộng “black ocean". Nguyên nhân là do người hâm mộ của BTS có hiềm khích với người hâm mộ của một nhóm nhạc nam khác, mâu thuẫn xảy ra khiến trào lưu “black ocean" được thể hiện phổ biến.
“Black Ocean” cũng từng được đám đông “mang về” Việt Nam khiến những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng MTP biểu diễn nhiều phút liền trong “biển đen im lặng” không đèn và không một lời cổ vũ.
Tâm lý đám đông là một hiện tượng khách quan, nó không xấu cũng không tốt. Tâm lý này tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào việc chúng ta biết khai thác nó ở khía cạnh nào, nhằm mục đích gì?
Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp hành động của số đông bị cuốn theo hiệu ứng “tâm lý đám đông” với sự lan truyền nhanh chóng mà người trong cuộc không đủ tỉnh táo để chẩn đoán tình hình và điều chỉnh hành vi của chính mình. Chỉ đến khi phải hứng chịu hậu quả của sai lầm thì người ta mới phản tỉnh, nhưng thường đã quá muộn, bởi “hiệu ứng đám đông” đã qua đi.
Trương Nhã Dinh - một nạn nhân của đám đông cho biết ở sự việc của cô, đám đông không cần kiểm chứng đúng sai, họ thậm chí không dành đủ thời gian để nghe sự thật: “Sự việc xảy ra, hàng trăm người biết đến và công kích em nhưng khi em cố gắng giải thích chỉ có khoảng 20 - 30 người xem được. Kể từ khi em bị công kích, cuộc sống của em thay đổi tiêu cực rất nhiều, em bị mất danh, mang tiếng, gia đình bị làm phiền, cuộc sống cũng dần khép kín hơn”.
Như đã nói, tâm lý đám đông, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu là bản năng nguyên thuỷ của con người, tuy nhiên hiện tại chúng ta không còn lối sống bầy đàn như hàng trăm triệu năm trước, mà chúng ta sống bằng tư duy, duy trì đạo đức bằng sự hiểu biết. Vì thế hãy phân định rạch ròi giữa bản năng và những chuẩn mực đạo đức, chúng ta phải duy trì bản thân giữa những phạm trù: phạm trù đạo đức, phạm trù lương tâm, phạm trù nghĩa vụ. Đừng bị người khác lợi dụng bởi sự phụ thuộc vào số đông của bản thân.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming