Người tạo ra ChatGPT đang khiến cả thế giới sợ hãi: Biết code từ năm 8 tuổi, có một điều giống hệt Bill Gates và Mark Zuckerberg
Cha đẻ ChatGPT từ lâu đã là một nhân vật nổi bật tại thung lũng Silicon với nhiều công ty thành công trước đó.
- ChatGPT phát đi 'Thông báo Đỏ' với Google, khiến một huyền thoại của Thung lũng Silicon phải code trở lại
- "Bắt trend" ChatGPT, một trường học ở Việt Nam mua luôn tài khoản xịn nhất cho 5.000 sinh viên sử dụng
- ChatGPT sẽ xuất hiện trên Word, Powerpoint và tất cả sản phẩm của Microsoft, thay đổi hoàn toàn cuộc chơi trước Google
Thông tin về ChatGPT - công nghệ AI nổi tiếng toàn cầu mới nhất đang là tin tức được cả thế giới quan tâm những ngày qua. Sức mạnh của ChatGPT đang là đề tài gây tranh cãi và biến OpenAI - công ty tạo ra nó thành “ngôi sao” mới trong làng công nghệ. CEO của OpenAI, hay người được gọi là “cha đẻ” của ChatGPT là một doanh nhân người Mỹ tên Sam Altman. Sự nghiệp của nhân vật này cũng có rất nhiều điều thú vị và không có gì ngạc nhiên nếu trong tương lai, anh trở thành một “Mark Zuckerberg tiếp theo”.
Khởi nghiệp ở tuổi 20
Sam Altman sinh năm 1985, lớn lên ở St. Louis, bang Missouri, Mỹ trong một gia đình gốc Do Thái. Ngay từ bé, Sam đã có sự yêu thích với máy tính. Anh học cách lập trình và tháo rời máy tính Macintosh khi mới 8 tuổi. Sam chia sẻ với The New Yorker rằng việc có một chiếc máy Mac đã giúp anh học hỏi về thế giới và cả chính mình, bao gồm việc xác định xu hướng tính dục của bản thân. Sam Altman đã kể với bố mẹ mình là người đồng tính khi anh 16 tuổi.
Thời trung học, anh theo học các trường học địa phương. Sam Altman có một trải nghiệm giống hệt với Bill Gates và Mark Zuckerberg - 2 tỷ phú công nghệ quan trọng nhất thời đại này, 2 người đã tạo ra sản phẩm thay đổi thế giới, đó là họ đều bỏ học đại học. Tuy nhiên, ngôi trường đại học mà họ sẵn sàng từ bỏ để theo đuổi đam mê công nghệ đều không phải trường thường. Nếu nhà sáng lập Microsoft và Facebook đều ngưng việc học tại ngôi trường số 1 nước Mỹ Harvard thì trường đại học mà Sam Altman được nhận vào cũng lừng danh không kém: Stanford.
Chỉ sau 2 năm theo đuổi ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford, người sáng tạo ra ChatGPT và 2 người bạn cùng lớp đã bỏ học để làm việc toàn thời gian trên ứng dụng di động của họ tên Loopt, ứng dụng chia sẻ vị trí của người dùng với bạn bè của họ.
Thành công liên tiếp trong sự nghiệp
Loopt sau đó thuộc nhóm 8 công ty đầu tiên tại chương trình tăng tốc khởi nghiệp Y Combinator. Trong chương trình này, mỗi công ty khởi nghiệp nhận được 6.000 USD cho mỗi người sáng lập và Loopt nằm trong cùng đợt với Reddit. Sau một thời gian, Loopt cuối cùng đã đạt được mức định giá 175 triệu USD. Thế nhưng nó không thu được đủ tiền lãi như dự kiến nên 3 nhà sáng lập đã bán công ty với giá 43 triệu USD vào năm 2012.
Sau khi kết thúc dự án đầu tay, Sam cũng chia tay với bạn trai 9 năm của mình Nick Sivo, người đồng thời cũng là đồng sáng lập Loopt.
Sau Loopt, Sam Altman thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm có tên là Hydrazine Capital và huy động được 21 triệu USD. Ở tuổi 31, anh được Paul Graham, người sáng lập Y Combinator vào năm 2005, chọn để kế nhiệm làm chủ tịch vào năm 2014. Năm 2015, Altman được đưa vào danh sách Forbes 30 Under 30.
Vào năm 2015, Sam Altman đã đồng sáng lập OpenAI với tỷ phú Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX vào thời điểm đó. Mục tiêu của họ đối với công ty trí tuệ nhân tạo phi lợi nhuận này là đảm bảo AI không “quét sạch” con người.
Một số tên tuổi nổi bật nhất của Thung lũng Silicon đã rót 1 tỷ USD cho OpenAI cùng với Altman và Musk, bao gồm Reid Hoffman, người đồng sáng lập LinkedIn và Peter Thiel, nhà đồng sáng lập PayPal.
Lèo lái OpenAI - công ty đồng sáng lập cùng Elon Musk
Sam Altman từ chức chủ tịch YC vào năm 2019 để tập trung vào OpenAI, kiêm nhiệm cả vị trí Giám đốc điều hành sau khi nó chuyển từ một công ty phi lợi nhuận thành một tập đoàn "lợi nhuận giới hạn".
Dưới thời của Sam Altman với tư cách là Giám đốc điều hành, OpenAI đã phát hành các công cụ AI phổ biến cho công chúng, bao gồm DALL-E và ChatGPT. Cả DALL-E và ChatGPT đều được gọi là AI "sáng tạo", nghĩa là bot tạo tác phẩm nghệ thuật và văn bản của riêng mình dựa trên thông tin mà nó đã được cung cấp. Vài ngày sau khi ra mắt ChatGPT, tức vào tháng 12/2022, Sam Altman đã đăng bài trên Twitter nhận xét rằng ChatGPT "tuyệt vời cho cảm hứng sáng tạo thú vị, nhưng không phải là một ý tưởng hay để tìm kiếm sự thật”.
Trong tháng này, Microsoft một lần nữa tuyên bố họ đang đầu tư "hàng tỷ đô la" vào OpenAI. Mặc dù chi tiết cụ thể về khoản đầu tư không được chia sẻ nhưng người ta tin rằng khoản đầu tư của Microsoft trị giá 10 tỷ USD, nâng tổng giá trị của OpenAI lên 29 tỷ USD.
Nguồn: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín