Người thầy có 19 học trò đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán: Nhiều người nói học Toán vô ích vì họ học chưa đủ cao và sâu!
Thầy Cẩn cho rằng: Toán học đi vào thực tiễn bằng những con đường đặc biệt và không "hữu hình" nên nhiều người không hiểu được.
Thầy Võ Quốc Bá Cẩn được biết đến là người thầy của 17 học sinh giành Huy chương Vàng trong kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng (HOMC) 2018. Đặc biệt, Em Trần Gia Huy đến từ trường Archimedes Academy nơi thầy giảng dạy cũng đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương 2018 và là học sinh quốc tế duy nhất lọt vào top 10 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi.
Học trò Đào Vũ Quang (hiện đang theo học tại trường Đại học Columbia của Mỹ) từng là thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán học Quốc tế năm 2016 và giành được Huy chương Bạc.
Trước đây, thầy Cẩn là học sinh lớp chuyên Toán ở trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ. Thầy học đại học ở Cần Thơ và sau khi tốt nghiệp đã đi làm ở Sài Gòn một năm trước khi chuyển ra Hà Nội dạy học. Từ năm 2015, thầy về làm giáo viên chính thức ở trường Archimedes Academy.
Trước đó, từ năm 2013, thầy Cẩn có tham gia huấn luyện đội tuyển Toán quốc tế của Việt Nam cùng với các thầy cô khác.
Năm 2015, thầy tham gia hợp tác, bồi dưỡng đội tuyển Toán của Ả Rập Xê-út. Cũng bắt đầu từ thời gian này, hàng năm thầy cùng các thầy cô khác dẫn đoàn học sinh Việt Nam dự thi cuộc thi IMC (International Mathematical Contest) được tổ chức ở Singapore.
Thầy Võ Quốc Bá Cẩn là một người con của Cần Thơ, hiện đang giảng dạy ở Hà Nội
Thầy Cẩn có 17 học sinh giành Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng trong kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng (HOMC) 2018
Toán học là một môn học khó, theo thầy, học sinh nên làm gì để học tốt môn này?
Chú trọng lý thuyết! Các thầy của mình vẫn hay dạy: Bản thân các định lý và chứng minh của chúng chính là phương pháp. Ngày trước khi dạy mình, các thầy vẫn yêu cầu phải học thuộc chứng minh các định lý để nắm rõ và vận dụng chúng được tốt hơn. Lập luận ngụy biện mình thường gặp là: "Nếu đã cho sử dụng thì cần gì phải học chứng minh?", "Đi thi có phải chứng minh lại đâu!", … Và mình phải mất khá nhiều thời gian để phân tích cho các bạn ấy hiểu vấn đề.
Tích cực tương tác với thầy cô! Mình rất hay đem những bài mình không nghĩ ra đến thầy của mình để xin ý kiến và hướng dẫn. Nhờ đó, mình có thêm nhiều ý tưởng để giải các bài toán đó và đúc kết được thêm nhiều kinh nghiệm quý báu cho bản thân.
Học không vì điểm số! Hãy học vì sự ham muốn được biết thêm kiến thức. Nhiều em học sinh vẫn vì bị áp lực điểm số mà khiến bản thân luôn trọng tình trạng căng thẳng, luôn e sợ bản thân bị so sánh với bạn bè cùng trang lứa, dẫn đến việc học không được như ý.
Cách duy nhất để học Toán là làm Toán
Thầy có bí quyết gì để truyền đam mê Toán học đến với các bạn trẻ hiện nay?
Mình luôn quan điểm rằng, muốn học sinh yêu thích môn Toán trước hết người thầy phải yêu thích và say mê nó trước đã. Người thầy chính là nguồn cảm hứng để học sinh noi theo. Chính vì vậy, mình vẫn luôn cố gắng tìm tòi, kích thích bọn nhỏ, phân tích để chúng nó thấy được cái hay, cái đẹp của môn Toán.
"Muốn học sinh yêu thích môn Toán thì trước hết người thầy phải yêu thích và say mê nó trước đã"
Có một câu nói mình vẫn luôn tâm đắc: "The only way to learn mathematics is to do mathematics" (Paul Halmos) - Cách duy nhất để học Toán là làm Toán. Muốn thấy được cái hay của môn Toán cũng như học được tốt môn này thì cần tích cực đọc nhiều sách vở, đào sâu, tìm hiểu các tài liệu liên quan đến chủ đề mình quan tâm, tìm các bài toán hay để thử sức, cọ xát... Vì vậy, mình vẫn thường xuyên khuyên học sinh của mình chăm đọc sách hơn.
Thậm chí, mình còn trao đổi với ban phụ huynh của lớp mình dạy ở trường để lập hẳn một tủ sách nhỏ để mình đặt những cuốn sách hay vào đó cho học sinh đọc. Các cuốn sách trong tủ sách do mình tự tay chọn và mua để cho vào.
Phong cách giảng dạy hàng ngày của thầy là gì?
Mình thích các lớp học sôi động. Ở đó học sinh được thoải mái thảo luận bài với nhau và đưa ra những ý kiến của mình về vấn đề thầy đang cho. Do đó, ở lớp học của mình học sinh thường hay đổi chỗ "khá lung tung" để xem bài trên bảng, để thảo luận bài, … Mình khuyến khích điều đó.
Thầy Cẩn cho rằng, cách duy nhất để học Toán là làm Toán
Mình không thường xuyên viết quá chi tiết trên bảng, mình thích phân tích và gợi ý tưởng để học sinh tự tìm đường giải quyết các bài toán mình cho. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là mình không viết bảng, khi học lý thuyết mới và mới lần đầu làm quen, mình điều viết rất chi tiết cũng như hướng dẫn các em cách trình bày thật cẩn thận. Nhưng mình quan niệm, nếu tiết nào cũng như thế thì giờ học sẽ rất nhàm chán và học sinh sẽ không mấy hứng thú với môn học nữa. Do đó, ở các tiết thực hành, mình viết ít lại và cho học sinh tự tìm nghiên cứu nhiều hơn (dưới sự hướng dẫn của thầy).
Thầy có chia sẻ gì với các bạn học sinh sắp thi vào lớp 10, đặc biệt là việc ôn tập và làm tốt bài thi môn Toán?
Các em cần rà soát kỹ lưỡng lại các phần kiến thức đã ôn xem mình đã nắm chắc chưa. Nên bắt đầu tập luyện đề dần và nên bấm giờ theo thời gian giống như thi thật để tập làm quen với áp lực và không khí phòng thi. Các bài làm đó nên trình bày kỹ lưỡng ra và nhờ giáo viên của mình đọc (và nhờ chấm, nếu được), xin lời khuyên để rút kinh nghiệm và cải thiện dần kỹ năng trình bày. Đặc biệt, các em nên chú ý đến phạm vi kiến thức được sử dụng trong thi vì có nhiều phần có thể các em sẽ không được phép sử dụng trực tiếp trong thi mà phải chứng minh lại.
Khi làm bài thi chính thức, các em cần chú ý đọc qua toàn bộ đề bài trước khi bắt đầu làm. Có thể phân nhóm các câu hỏi trong đề thi thành ba nhóm: dễ, trung bình và khó. Các em nên làm ngay các câu dễ trước và thậm chí làm ngay vào giấy thi mà không cần nháp để tiết kiệm thời gian. Chú ý kiểm tra kỹ các tính toán, làm câu nào chắc câu đó. Đặc biệt chú ý khâu điều kiện ở các bài đại số, nhiều bạn quá mải mê giải bài mà lại quên đặt điều kiện xác định lại bị mất điểm đáng tiếc.
Thầy Cẩn rất gần gũi và gắn bó với học sinh của mình
Tiếp theo đó, các em có thể làm các câu trung bình và khó. Tập trung suy nghĩ và tìm hướng giải quyết các vấn đề. Cố gắng suy nghĩ thật đơn giản, đừng phức tạp hóa vấn đề. Đề thi đã được biên soạn kỹ lưỡng và các thầy ra đề cũng đã cân nhắc nhiều để học sinh có thể làm được trong thời gian quy định, vì thế lời giải chắc chắn sẽ không quá phức tạp!
Ở câu hình, các em nên nháp qua cấu hình của bài trong nháp để xem có vấn đề khó khăn khi vẽ hình không, cách dựng hình như thế nào cho hợp lý trước khi bắt tay vẽ vào bài thi và làm bài. Nên chú ý đến kết luận của các câu hỏi vì nhiều khi đó chính là những gợi ý để chúng ta vẽ hình đúng cho những trường hợp hình vẽ khó.
Hãy học đủ cao, đủ sâu trước khi bàn về ứng dụng của Toán!
Nhiều người chia sẻ rằng học Toán không ứng dụng được vào thực tế vì kiến thức học quá sâu, quá rộng, trong khi ra đời chỉ cần cộng trừ nhân chia, thầy nghĩ gì về vấn đề này?
Toán học không giống như vật lý, hóa học hay sinh học. Những ứng dụng của nó không hiện hữu ngay trước mắt bạn như các ngành khác. Toán học giúp chúng ta đi tìm về cội nguồn, hiểu về bản chất của các vấn đề và lý giải chúng. Nó đi vào thực tiễn bằng những con đường đặc biệt và không "hữu hình".
Chẳng hạn, lý thuyết mật mã khóa công khai trong Toán học: Người ta hằng ngày dùng điện thoại di động để nói đủ thứ chuyện, đôi khi là để nói về cái sự vô ích của Toán học. Người ta hằng ngày dùng thẻ tín dụng để chuyển tiền, rút tiền. Nhưng ít ai biết rằng sẽ không có điện thoại thông minh, không có thẻ tín dụng nếu không có lý thuyết mật mã khóa công khai, không có Toán học. Và người ta có thể vẫn rất ngại dùng tiền đó đầu tư cho Toán học, vì họ vẫn cho rằng Toán học vô ích. Khi dùng điện thoại, khi rút tiền, không ai thấy "tích phân, vi phân, tổ hợp hay số học" trong đó. Đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ứng dụng "ẩn" của Toán mà người ta không biết được. Một lời khuyên cho các bạn nói trên là hãy học đủ cao, đủ sâu trước khi bàn về ứng dụng của Toán!
Những ứng dụng của Toán học không hiện hữu ngay trước mắt bạn như các ngành khác
Có quan điểm cho rằng: Việc bắt học sinh thi quá nhiều cuộc thi, phải chăng đó là bệnh thành tích, để thỏa mãn nguyện vọng của giáo viên mà quên mất học sinh thực sự có muốn hay không? Ý kiến của thầy ra sao?
Từng là học sinh, mình nghĩ được cọ xát sẽ là những trải nghiệm thú vị cho các em. Thế nên trong một năm học việc tham gia một vài cuộc thi (đương nhiên với tinh thần thoải mái, không ràng buộc thành tích) sẽ rất có ích và tạo động lực cho các em trong việc học. Chỉ là, không nên quá dấn thân vào quá nhiều kỳ thi, vì sẽ mất rất nhiều thời gian. Các em vẫn đang cần gây dựng kiến thức.
Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI