Người Trung Quốc mất hoàn toàn niềm tin vào Samsung, tố cáo hãng gian dối trong vụ Note7
Nếu đúng sự thật thì Samsung sẽ khó có thể lấy lại lòng tin của thị trường Trung Quốc trong tương lai.
Zhang Sitong đang lưu số điện thoại của một người bạn trên chiếc Samsung Galaxy Note7 thì nó bắt đầu rung lên và bốc khói. Anh ném nó xuống đất và bảo bạn của mình quay phim lại.
Ngay ngày hôm sau hai nhân viên của Samsung Electronics đã có mặt tại nhà anh, Zhang kể. Họ đưa cho anh một chiếc Note7 mới và 900 USD tiền bồi thường với điều kiện anh phải giữ kín đoạn video quay cảnh chiếc Note7 bốc cháy. Zhang đã nổi giận và từ chối. Mới tuần trước thôi, Samsung ra lệnh thu hồi hơn hai triệu chiếc Note7 tại Mỹ và các quốc gia khác nhưng cam đoan với Zhang và các khách hàng tại Trung Quốc rằng Note7 là thiết bị an toàn.
"Tôi mua một chiếc Note7 của Samsung bởi họ nói rằng tại Trung Quốc smartphone này không gặp vấn đề gì", anh Zhang, cựu lính cứu hỏa 23 tuổi, chia sẻ. "Đây là một sự lừa dối. Họ đang lừa dối người tiêu dùng Trung Quốc".
Làm ăn gian dối, phân biệt đối xử
Tuần trước, Samsung đã phải ra quyết định khai tử Note7 tuy nhiên các chính sách của họ tại Trung Quốc về vấn đề Note7 đã khiến truyền thông và người tiêu dùng nước này nổi giận. Mới đây, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã chỉ trích cách Samsung thử nghiệm Note7 và cho rằng Samsung đã gian dối khi tuyên bố Note7 an toàn và đáng tin cậy tại Trung Quốc.
"Nếu Samsung tiếp tục vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng Trung Quốc cũng như tiếp tục từ chối công bố các mẫu đã được sử dụng trong quá trình thử nghiệm và chi tiết quá trình thử nghiệm thì ai có thể giúp người tiêu dùng Trung Quốc tìm ra sự thật", CCTV tuyên bố.
Samsung đã phải trả giá cho việc phân biệt đối xử với thị trường Trung Quốc. Ban đầu, Samsung tuyên bố rằng phiên bản Note7 dành cho thị trường Trung Quốc sử dụng pin khác nên an toàn và đáng tin cậy. Nhưng tuần trước, sau khi xuất hiện nhiều báo cáo về việc Note7 tại Trung Quốc phát nổ, Samsung đã phải ra tuyên bố ngừng sản xuất, và thu hồi Note7 trên toàn cầu.
"Thương hiệu này đã bị phá hỏng mất rồi", Di Jin, giám đốc nghiên cứu tại Trung Quốc của hãng IDC, chia sẻ. "Rất khó để Samsung giành lại thị phần của mình trong tương lai gần".
Trong một tuyên bố, Samsung cho biết họ "muốn xin lỗi vì đã đưa ra những thông tin không rõ ràng trong quá trình xử lý khủng hoảng Note7 khiến người tiêu dùng Trung Quốc hiểu lầm". Samsung tuyên bố rằng quá trình kiểm soát chất lượng tại tất cả các quốc gia đều giống nhau. "Với Samsung, Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất và là một điểm đến quan trọng nhất cho đầu tư nước ngoài", Samsung chia sẻ. "Samsung không bao giờ phân biệt đối xử với người tiêu dùng Trung Quốc".
Rất khó đoạt lại ngôi vương đã mất
Samsung đã từng là hãng sản xuất smartphone hàng đầu tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Samsung nổi tiếng tại Trung Quốc về chất lượng sản phẩm nổi trội so với những thiết bị giá rẻ và thương hiệu Hàn Quốc tại một đất nước thích nhạc Hàn Quốc và yêu văn hóa Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Samsung vừa trở thành thương hiệu toàn cầu mới nhất bị tổn thương do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ Trung Quốc cả về chất lượng và giá cả. Samsung mất thị phần tại Trung Quốc vào tay Huawei, OPPO, Xiaomi và các công ty địa phương khác. Những thiết bị di động của Huawei, OPPO, Xiaomi... giờ đây không chỉ rẻ mà còn đẹp và được trang bị những tính năng hiện đại nhất.
Theo IDC, thị phần của Samsung đã giảm xuống dưới mức 7% trong quý hai của năm nay. Trước đó, trong năm 2013, Samsung chiếm tới 19% thị phần thị trường di động Trung Quốc.
Đừng dại áp dụng chính sách phân biệt đối xử với người Trung Quốc
Người Trung Quốc có tinh thần dân tộc rất cao nên họ rất ghét bị phân biệt đối xử bởi các công ty nước ngoài. Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc sẵn sàng phỉ báng những chính sách phân biệt đối xử với người tiêu dùng Trung Quốc của các thương hiệu nước ngoài như McDonald, KFC, Apple và Starbucks.
"Các công ty nước ngoài áp dụng những chính sách không công bằng với người tiêu dùng Trung Quốc sẽ nhanh chóng gặp vấn đề", Mark Natkin, giám đốc của Marbridge Consulting, một công ty tư vấn tại Bắc Kinh, chia sẻ.
"Những kẻ lèo lái thành công nhất tại thị trường Trung Quốc là những kẻ hiểu rằng họ không thể chiến thắng mọi trận chiến", Mark nói. "Và đôi khi, giống như trong hôn nhân vậy, để duy trì mối quan hệ hạnh phúc, tốt hơn hết bạn chỉ nên nói: Anh xin lỗi. Anh yêu em".
Hãy khéo léo với truyền thông Trung Quốc nếu không muốn nhận trái đắng
Các phương tiện truyền thông chính thống tại Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng với cả công ty trong nước và nước ngoài khi văn hóa tiêu dùng của Trung Quốc ngày càng phát triển. Đỉnh điểm của vấn đề được đẩy lên vào tháng Ba hàng năm khi CCTV triển khai các chiến dịch nhằm hưởng ứng Ngày Quyền lợi Người tiêu dùng.
Các thương hiệu nước ngoài đã rất nhiều lần phải có những biện pháp xoa dịu chỉ trích từ các phương tiện truyền thông chính thống Trung Quốc. Apple đã từng phải đưa ra lời xin lỗi sau khi CCTV chỉ trích các chính sách bảo hành của hãng này tại Trung Quốc và sau đó tận hưởng tốc độ tăng doanh số chóng mặt. Starbucks vẫn tiếp tục phát triển nhanh bất chấp việc CCTV chỉ trích mức giá của họ cách đây ba năm. Tuy nhiên công ty mẹ của KFC, Yum Brands, đã thiệt hại khá nặng nề khi CCTV điều tra kỹ lưỡng nguồn cung cấp nguyên liệu của họ.
Anh Zhang, một nhiên viên bán hàng ở thành phố Fushun, đông bắc Trung Quốc, là người trung thành với Samsung. Anh đã sử dụng tới bốn chiếc smartphone của Samsung. Một trong những lý do thuyết phục anh sử dụng sản phẩm của Samsung chính là cây bút stylus đi kèm với dòng Note.
Sau khi từ chối thỏa thuận trái phép của Samsung, Zhang đã bỏ việc lên đường cùng Hui Renjie, người cũng có một chiếc Note7 phát nổ, tìm tới các phòng thí nghiệm để tìm nguyên nhân khiến điện thoại phát nổ. Chuyến đi này được CCTV tài trợ và cặp đôi này cũng xuất hiện trong bản tin về sự kiện Note7 mới đây của CCTV.
Trong báo cáo của mình, CCTV cho biết một phòng thí nghiệm độc lập không thể tìm ra nguyên nhân khiến chiếc Note7 của Zhang phát nổ. Trong khi đó, phòng thí nghiệm này cho biết chiếc Note7 của Hui phát nổ không phải do nguồn nhiệt bên ngoài.
Anh Hui cho biết Samsung đã nhiều lần từ chối yêu cầu điều tra nguyên nhân chiếc Note7 của anh phát nổ và thậm chí không thèm nghe điện thoại khi anh gọi tới.
Theo anh Hui, một đại diện của trang thương mại điện tử JD.com, nơi anh mua chiếc Note7, đã báo với anh rằng Samsung đề nghị bồi thường cho anh chiếc Note7 bị nổ và chiếc laptop bị phá hủy do đặt bên dưới chiếc Note7. Anh cho biết: "Tôi đã nhờ JD gửi tin nhắn này tới Samsung: "Cút đi!"".
Theo New York Times
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"