Người từng 10 năm là No.1 stock market timer ở Mỹ làm Huấn luyện viên Viet Solutions: Đừng mơ giấc mơ của người khác!
Bắt đầu kiếm được hàng trăm ngàn đô khi chỉ mới 16 tuổi, Michael McCarthy từng là No.1 stock market timer trong suốt 10 năm tại Mỹ. Hiện tập trung cho công việc giảng dạy tại Đại học Havard, ông nhận lời làm Huấn luyện viên cho Cuộc thi tìm kiểm giải pháp chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam (Viet Solutions).
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia để thay đổi thứ hạng Việt Nam
- Triển lãm các nền tảng số của Việt Nam: thiết bị 5G của Viettel, Vsmart, Bizfly Cloud cùng nhiều giải pháp chuyển đổi số cho mùa dịch
- BizFly Cloud có gì khi hưởng ứng Lễ phát động thúc đẩy chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông?
"Ở Mỹ có một khái niệm mà chúng tôi gọi là American Dream (Giấc mơ Mỹ). Giấc mơ Mỹ có nghĩa là nghỉ hưu sớm, với rất nhiều tiền, có thể là ngồi bên bờ biển, say xỉn và ăn chơi cả ngày" – ông Michael McCarthy nói - "Lúc đó tôi 36 tuổi, có nghĩa là tôi còn hơn 50 năm để sống. Làm sao có thể chơi bời cả 50 năm? Ít nhất với tôi, điều đó là không thể!".
Vì sao ông lại bắt đầu kinh doanh sớm như vậy, khi chỉ mới 16 tuổi?
Khi tôi mới 16 tuổi, bố tôi đã yêu cầu tôi phải tìm một công việc để thử sức. Tôi nghĩ, ổn thôi, có gì khó đâu. Nhưng sau đó, tôi đã khá sốc khi thực sự không thể tìm được việc, thậm chí là ở McDonalds. Tôi khá thất vọng, tôi cũng không thích làm ở McDonalds đâu nhưng tôi cứ nộp đơn và rồi cũng chẳng được nhận.
Sau đó, bố tôi bảo: "Ta biết là con rất buồn và chán nản. Nếu không ai thuê con thì con phải tự thuê mình thôi". Tôi hỏi: "Ý bố là sao?". Bố tôi đáp: "Tự mình kinh doanh thôi". Tôi thực sự kinh ngạc khi nghe cha tôi nói câu đó, vì tôi không biết phải bắt đầu thế nào.
Lúc đó, bố tôi đang điều hành một doanh nghiệp in ấn, và ông ấy đã nói với tôi làm thế nào để bắt đầu sự nghiệp. Cha tôi chính là người cố vấn đầu tiên của tôi. Ông ấy đã dạy tôi cách bán giấy photocopy qua điện thoại. Công việc đó thực sự nhàm chán, nhưng tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ đó. Tôi thực sự đã kiếm được khoảng 250.000 đô la Mỹ trong 3 tuần bằng việc bán giấy photo qua điện thoại. Nhưng tôi nghĩ là do may mắn thôi. Tôi ghét công việc đó lắm (cười).
Nếu bạn thực sự không thể kiếm được một công việc mà bạn cảm thấy phù hợp, hay tự kinh doanh, vì khi đó rủi ro là thấp nhất. Bạn sẽ không phải từ bỏ một công việc lương cao ngất ngưởng - như nhiều người đã làm lúc bắt đầu khởi nghiệp.
Nhiều sinh viên đến Trường kinh doanh Harvard khi họ đã ở giữa độ tuổi 30. Họ là những người thực sự tài giỏi. Họ muốn khởi nghiệp, nhưng thực tế là họ vốn dĩ đã có một công việc lương hàng trăm nghìn đô la rồi. Rồi có những người trong số họ đã kết hôn, một số người đã có con. Họ quá e ngại phải đánh đổi mức lương cao đang có, để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, nên họ từ bỏ.
Vậy nên, thời điểm tốt nhất để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng bạn là khi bạn không có gì để mất. Đặc biệt là khi bạn còn trẻ, không có quá nhiều tiền, độc thân và như tôi nói đó, chưa có quá nhiều thứ để mất. Nhưng để an toàn, nên khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ để tránh lâm vào cảnh nợ nần, vì ngành sản xuất thường sẽ cần vốn lớn.
Kiếm được 250.000 đô chỉ trong 3 tuần, có lẽ đó là một con số không tưởng với một cậu bé chỉ mới 16 tuổi. Ông đã làm điều đó thế nào?
Tôi đã rất lo lắng, dù ngay trong ngày đầu tiên, tôi đã kiếm được 100 đô la. Với một cậu nhóc 16 tuổi thì đó là rất nhiều tiền. Tôi không thể tin rằng tôi có thể làm ra tiền chỉ bằng cách nói chuyện với khách hàng và mời họ mua sản phẩm.
Nhưng 250.000 đô la kia, chúng đến từ một tập đoàn lớn. Lúc đó, họ đang có hợp đồng mua giấy photo trong 1 năm rồi. Tôi nói với đại diện công ty đó: "Hãy cho tôi biết giá mà ông đang phải trả, không cần biết giá nào, tôi sẽ bớt đi 1 cent. Ông đồng ý giao cho tôi hợp đồng này chứ?" - và ông ta đã đồng ý.
Thế là tôi quyết định bán giấy photocopy cho họ mà không thu về đồng lãi nào. Nhưng tôi tính phí vận chuyển, và kiếm 250.000 đô cho một năm vận chuyển đó. Bạn biết đấy, giấy nặng mà (cười).
Điều đáng nhớ nhất của câu chuyện đó, chính là ngay cả khi tôi bán giấy không lãi, tôi vẫn kiếm được cả đống tiền vận chuyển. Nên điều tôi khuyến khích bạn, chính là sự sáng tạo, sáng tạo trong cách kiếm tiền.
Vì sao sau đó ông lại rơi vào trầm cảm khi quyết định nghỉ việc ở công ty quản lý tiền và chuyển sang tự đầu tư?
Ở Mỹ có một khái niệm mà chúng tôi gọi là American Dream (Giấc mơ Mỹ). Giấc mơ Mỹ có nghĩa là nghỉ hưu sớm, với rất nhiều tiền, có thể là ngồi bên bờ biển, say xỉn và ăn chơi cả ngày.
Đó không phải là giấc mơ của tôi. Mà sau này tôi ngộ ra chắc chẳng ai thích điều đó, nếu như họ thử sống một cuộc sống như vậy. Tôi đã thử, và thật sự là vô cùng nhàm chán. Lúc đó tôi 36 tuổi, có nghĩa là tôi còn hơn 50 năm để sống. Làm sao có thể chơi bời cả 50 năm? Ít nhất với tôi, điều đó là không thể.
Nên tôi đã thực sự trầm cảm sau đó. Trước đó tôi cho rằng Giấc mơ Mỹ là mục tiêu cuối cùng, và thực sự, tôi đã không lắng nghe chính bản thân mình. Tôi muốn làm việc, tôi thích gặp gỡ mọi người, tôi muốn giúp đỡ mọi người, đó mới là giấc mơ của chính tôi.
Nếu có một giấc mơ, hãy mơ giấc mơ của chính bạn, đừng mơ giấc mơ của người khác. Giấc mơ về hưu sớm - của nhiều người Mỹ - không phải là giấc mơ của tôi.
Từ thời điểm nào ông bắt đầu muốn giúp các bạn trẻ khởi nghiệp? Ông tìm thấy niềm vui gì trong đó?
Tôi có rất nhiều ý tưởng, nhưng lại không có đủ thời gian để hiện thực hóa những ý tưởng đó thành một startup. Một startup đòi hỏi bạn phải làm thực sự tốt một thứ, và bạn phải dành ra hàng chục giờ đồng hồ mỗi ngày cho nó.
Tôi cảm nhận được, niềm đam mê của tôi là ý tưởng, ý tưởng và ý tưởng. Và tôi tự hỏi: Tại sao không chia sẻ các ý tưởng? Tôi bắt đầu tìm đến các startups, giúp đỡ họ tinh chỉnh, hoàn thiện, khiến cho những ý tưởng của họ tốt hơn một chút. Sau đó tôi lại chuyển sang đội tiếp theo. Tôi thất thật vui khi họ vẫn giữ liên lạc với tôi. Có những người sau một năm đã quay trở lại để báo tôi rằng họ đã ký kết được một hợp đồng lớn, kiếm được nhiều tiền hay đã được ông lớn nào đó mua lại.
Niềm vui đó giống như có con nuôi vậy. Thật hạnh phúc khi chứng kiến thành công của chúng, dù không thực sự sinh ra chúng.
Vì sao ông quyết định trở thành giám khảo của Cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam (Viet Solutions)?
Tôi rất muốn đi muôn nơi. Tôi yêu châu Á, đã từng sống ở Bắc Kinh, Thành Đô. Tôi cũng rất yêu Việt Nam và ẩm thực nơi đây. Đặc biệt là các công ty năng động. Tôi muốn giúp đỡ bất kỳ ai có niềm đam mê nhưng lại đang gặp trở ngại.
Viet Solutions có gì đặc biệt so với những cuộc thi khác khiến ông muốn tham gia?
Có hai điểm khác biệt ở đây.
Thứ nhất, Viet Solutions thực chất có rất nhiều giải thưởng. Đây không phải sân chơi nơi người chiến thắng sẽ có tất cả. Thay vì chỉ có một người chiến thắng, cuộc thi để 10 người vào chung kết và họ có thể nhận được phần thưởng xứng đáng. Như vậy chúng ta có ít nhất 10 người chiến thắng. Đây chưa kể những người tham dự cũng hưởng lợi ích không nhỏ từ việc được quảng bá đi kèm với cơ hội tìm kiếm thị trường từ cuộc thi.
Theo kinh nghiệm của tôi, người đứng đầu trong một cuộc thi thường không phải là người thành công nhất, mà thường là vị trí thứ hai hoặc thứ ba. Viet Solutions cho phép mọi người nhận được nhiều phần thưởng hơn tùy thuộc vào sự thành công của họ. Đây là một ý tưởng không tồi để khuyến khích họ.
Thứ hai, với sự dẫn dắt của các tập đoàn lớn, với hiểu biết thị trường và tập khách hàng của họ, bạn có thể hiểu rõ hơn thị trường đang cần gì, thay vì đoán mò
Hai điểm khác biệt đó sẽ khiến Viet Solutions thực sự độc đáo và lan tỏa hơn và tôi nghĩ rằng cuộc thi này sẽ thành công lớn. Tôi rất vui khi trở thành một phần của cuộc thi này.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những người chiến thắng mà không thuộc Top 10 sẽ được hưởng điều gì?
Với startup, một điều quan trọng là xây dựng networking (mạng lưới quan hệ) để được mọi người biết đến. Tại cuộc thi này, cơ hội để networking rất tốt và tham dự cuộc thi đem đến cơ hội lớn để startup có thể quảng cáo chính mình. Hãy cởi mở với cả những cơ hội được đầu tư khác mà bạn chưa nghĩ tới. Tập trung nghe lời khuyên từ cố vấn và cố gắng tìm kiếm cơ hội cả từ bên lề cuộc thi.
Ông nói là với vai trò mentor, ông không chỉ có thể giúp đội thi chiến thắng giải thưởng mà còn giúp họ trong việc sử dụng tiền thưởng thế nào sao cho hiệu quả. Ông đã từng gặp startup nào thất bại sau khi chiến thắng cuộc thi chưa?
Tôi chưa từng gặp ai thất bại hoàn toàn, nhưng có những startup tôi gặp đã chuyển hướng một chút trong công việc kinh doanh của mình khi cái cũ không hiệu quả. Startup không chỉ kiếm được tiền đầu tư từ cuộc thi, họ còn nhận được lời khuyên từ những người đã đầu tư. Tất nhiên, nhà đầu tư thì sẽ muốn sinh lời, và họ thường trở thành cố vấn miễn phí cho startup.
Vì các nhà sáng lập, đội ngũ của họ còn rất trẻ với những ý tưởng thú vị, mới mẻ, người hướng dẫn sẽ không thay đổi startup, mà giúp họ hướng tới phiên bản tốt hơn của ý tưởng cũ. Những người dẫn dắt sẽ tinh chỉnh và giúp các startup cởi mở hơn để có thể thay đổi ý tưởng ban đầu.
Nhà đầu tư cũng gần giống như ông chủ của startup, vì vậy hãy cẩn thận lựa chọn. Hãy chắc chắn rằng bạn có nhiều điểm chung với họ và chắc chắn rằng họ thực sự có thể giúp bạn kinh doanh. Chỉ cho tiền thôi thì không đủ.
Ở những năm trước, ông đánh giá thế nào về các startup Việt Nam? Họ có điểm mạnh và điểm yếu gì?
Điểm mạnh của startup Việt là kỹ thuật số. Họ đưa ra những ý tưởng trong ngành công nghiệp công nghệ. Chúng đơn giản nhưng lại rất có ý nghĩa trong cuộc sống. Có một số ý tưởng thực sự sáng tạo, nhưng vẫn giữ được sự đơn giản. Tôi thích những ý tưởng như vậy.
Về điểm yếu, tôi thấy rằng ý tưởng các startup Việt hiện đang chỉ phù hợp cho thị trường Việt Nam. Tôi có lời khuyên, hãy nhìn vào việc thực hiện ý tưởng của bạn ở Hoa Kỳ, hoặc Australia hay Anh. Hãy mở rộng tầm mắt ra các thị trường lớn hơn, bạn hãy tự hỏi liệu Google có muốn làm điều này, hay Microsoft có muốn làm điều này hay không. Tôi hướng tới việc để startup được các công ty lớn mua lại, nên tôi sẽ nhìn xa hơn chỉ một đất nước và một nền văn hóa duy nhất. Hãy tự hỏi: liệu thế giới có muốn điều bạn đang làm hay không?
Thông điệp mà ông muốn gửi tới các đội thi của Viet Solutions năm nay là gì?
Thông điệp lớn là đừng đi thi chỉ để giành chiến thắng. Chắc chắn là chiến thắng thì thật tuyệt, nhưng quan trọng hơn, hãy để tên tuổi của bạn được tỏa sáng. Bạn sẽ tìm thấy ai đó trong số khán giả muốn đầu tư riêng cho bạn. Vì vậy, Viet Solutions có thể có không chỉ một startup chiến thắng.
Quan trọng là xây dựng được networking (mạng lưới quan hệ) để được mọi người biết đến. Tại cuộc thi này, tất cả những người tham dự ở các vai trò đều đang kinh doanh thẻ. Chỉ cần đặt mã QR lên đó, để mọi người có thể liên lạc với bạn một cách dễ dàng và đem đến cơ hội mới cho bạn. Tham dự cuộc thi thực sự giống như một cơ hội lớn để startup có thể quảng cáo chính mình.
Hãy cởi mở với cả những cơ hội được đầu tư khác mà bạn chưa nghĩ tới. Tập trung nghe lời khuyên từ cố vấn và cố gắng tìm kiếm cơ hội cả từ bên lề cuộc thi.
Cảm ơn ông!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín