Người Việt làm ra chiếc máy vi tính thứ 3 trên thế giới: Ngày nay chúng ta hưởng thụ từ nhân loại quá nhiều mà cống hiến chẳng được bao nhiêu

    Bảo Bảo, Theo Trí Thức Trẻ 

    Không nhiều người biết rằng một nhóm nhà khoa học Việt Nam tuổi đời dưới 30 đã chế tạo thành công chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam, cũng là máy vi tính thứ 3 trên toàn thế giới vào thập kỷ 70s. Năm 1976, chiếc máy vi tính mang tên VT80 của Việt Nam ra đời, chỉ 1 năm sau Altair 8800 Computer - chiếc máy vi tính đầu tiên của thế giới do Mỹ chế tạo…

    Nước ta đã làm ra máy tính chỉ sau Mỹ và Pháp, chúng tôi thành công được là bởi quá nghèo, chỉ biết dấn thân không đòi hỏi vật chất

    Chương trình Cất cánh của VTV mới đây đã chào đón một nhân vật đặc biệt - một vị tiến sỹ ở độ tuổi thất thập vẫn hàng ngày miệt mài làm việc với mong muốn gìn giữ được cội nguồn cho các thế hệ sau. Ông là Tiến sỹ Nguyễn Chí Công - một trong những người chế tạo máy vi tính đầu tiên của Việt Nam.

    Người Việt làm ra chiếc máy vi tính thứ 3 trên thế giới: Ngày nay chúng ta hưởng thụ từ nhân loại quá nhiều mà cống hiến chẳng được bao nhiêu - Ảnh 1.

    Ảnh: Nguyễn Chí Công/VietTimes.

    "Năm 1995, tôi được chọn là Trưởng tiểu ban mạng (tiểu ban của Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin - PV). 2 năm sau, cùng với rất nhiều nỗ lực của Nhà nước, bạn bè, các công ty kỹ thuật, chúng tôi đã đưa được Internet vào Việt Nam. Những cái chúng ta được hưởng hôm nay bắt đầu từ năm 1997 đó", TS. Công kể.

    Năm 1976, ông Công, khi ấy 27 tuổi, cùng với các cộng sự đều là những thanh niên tuổi chưa đến 30, đã xây dựng được chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam.

    Tờ Tia sáng năm 2007 cho biết, chiếc máy vi tính này có tên VT80, giúp Việt Nam trở thành nước thứ 3 chế tạo thành công máy vi tính, chỉ sau Mỹ và Pháp.

    Người Việt làm ra chiếc máy vi tính thứ 3 trên thế giới: Ngày nay chúng ta hưởng thụ từ nhân loại quá nhiều mà cống hiến chẳng được bao nhiêu - Ảnh 2.

    Chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Chí Công.

    "Có thể nói đó là máy vi tính đầu tiên của cả Châu Á, vì lúc đó Nhật Bản cũng chưa làm ra máy vi tính, họ làm loại máy lớn", ông Công nói.

    Nhờ chiếc máy tính đó, nền công nghệ thông tin Việt Nam bắt đầu có những bước đi không chỉ trên lý thuyết, mà chuyển sang thực tế và ứng dụng.

    Ăn không đủ, quần áo không có mấy, nhưng mọi người đều dấn thân, không đòi hỏi một lợi lộc vật chất gì

    "Internet hiện nay đã len lỏi đến từng gia đình, con người. Tôi dám chắc ở đây các bạn hầu hết đều có smartphone. Nhưng có điều tôi hơi buồn là chúng ta hưởng thụ quá nhiều thành tựu của nhân loại như vậy, mà ở góc độ người Việt Nam, tôi cảm giác như chúng ta cống hiến cho nhân loại lại quá ít. Chúng ta chỉ hưởng thụ mà không có cống hiến, về lẽ tự nhiên là một sự bất công".

    "Internet là cơ hội. Internet trong thời đại ngày nay làm thay đổi toàn bộ nền giáo dục, công nghiệp, kinh tế, xã hội và nhiều lĩnh vực khác mà nếu bỏ lỡ cơ hội này, tôi nghĩ còn phải rất lâu chúng ta mới gặp lại được cơ hội đẹp như vậy", ông Công nói.

    Một trong những lý do vị tiến sỹ tròn 70 tuổi cùng cộng sự của mình thành công trong việc chế tạo máy vi tính đầu tiên của Việt Nam, ông Công cho rằng là nhờ họ ngày đó rất nghèo.

    "Không ai có xe máy. Tất cả đi làm mười mấy cây số đều đi xe đạp. Thậm chí, có người nhờ người khác chở. Ăn không đủ, quần áo không có mấy, nhưng mọi người đều dấn thân, không đòi hỏi một lợi lộc vật chất gì. Và nhóm trẻ của chúng tôi đã thành công rất nhanh", ông Công nhớ lại.

    Thời cơ có rất nhiều, nhưng cần bỏ tư tưởng phải làm "ông nọ, bà kia"

    Người Việt làm ra chiếc máy vi tính thứ 3 trên thế giới: Ngày nay chúng ta hưởng thụ từ nhân loại quá nhiều mà cống hiến chẳng được bao nhiêu - Ảnh 3.

    Ảnh cắt từ clip chương trình.

    "Thời cơ có rất nhiều. Tôi đã chừng này tuổi mà suốt chừng ấy năm tôi chưa bao giờ thấy thiếu thời cơ. Lúc nào tôi cũng có việc làm. Tôi già thế này mà hàng ngày vẫn làm vài dự án khác nhau, đều là dự án lớn", ông Công chia sẻ.

    Thời cơ không thiếu. Mà cái thiếu, theo ông Công, là 3 yếu tố sau:

    - Học hỏi hàng ngày. Phải chuẩn bị thật tốt thì mới không để lỡ cơ hội.

    - Dấn thân và chấp nhận thất bại. Khi lựa chọn, phải có một sự dũng cảm, dấn thân, chấp nhận thất bại. Thất bại thì ta lại đứng lên sửa, quan trọng là phải biết rút bài học từ sự thất bại đó.

    - Không đi theo lối mòn. Điều này cũng đòi hỏi sự dũng cảm từ các bạn trẻ. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, những người thành công đều là những người còn rất trẻ, thậm chí chưa được học hành bài bản.

    "Họ tự học rất "ghê" mà không cứ phải có bằng cấp. Chúng ta phải rời bỏ tập quán ảnh hưởng từ thời cha ông chúng ta để lại là phải đỗ đạt, phải làm "ông nọ, bà kia"", ông Công nói.

    Nhìn lại quá khứ, TS. Công chia sẻ niềm vui khi ở Việt Nam hiện nay có hàng triệu bạn trẻ làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng ông cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi chủ yếu các bạn lại làm thuê cho nước ngoài, chứ chưa tự "ra đề" cho chính mình, trong bối cảnh xã hội có rất nhiều vấn đề: Ô nhiễm môi trường, giao thông, đạo đức xuống cấp, giới trẻ giờ có sự xa cách quá khứ…

    "Chúng ta bị mất văn hóa, mất cội nguồn. Trong khi những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, họ giữ được cội nguồn, nên họ rất mạnh", ông Công nhìn nhận.

    "Các bạn có điều kiện hơn chúng tôi rất nhiều, tại sao các bạn không tự tin? Chúng ta không thua kém gì người nước ngoài cả. Lấy ví dụ cụ thể gần đây nhất là thành công của đội bóng U23 năm vừa rồi. Họ là những em được đào tạo bài bản, tự tin, đã từng thất bại, và thất bại thì đứng dậy. Như vậy phải có vai trò của người lãnh đạo. Bản thân ông HLV cũng không phải người nổi tiếng. Họ đã không chọn đi theo lối mòn và họ đã thành công".


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ