Người Việt với hàng công nghệ Việt: Như nhà tuyển dụng nóng tính với gã sinh viên không biết tự lượng sức mình

    Lê Hoàng,  

    Sự thật là ngành công nghệ cao của chúng ta đi sau Trung Quốc hàng chục năm chứ chưa nhắc tới Hàn Quốc hay Mỹ. Bạn không thể thay đổi sự thật ấy bằng những câu nói nghe có vẻ chí lí, nhưng nói ra chẳng thay đổi được gì.

    Là người từng đi tuyển dụng bằng kinh nghiệm của chính mình và dĩ nhiên cũng từng là sinh viên mới ra trường, tôi hiểu được cảm giác của cả hai bên, nhà tuyển dụng và sinh viên mới ra trường.

    Nhà tuyển dụng trước: phỏng vấn người có kinh nghiệm dễ dàng hơn sinh viên mới ra trường rất nhiều. Làm kỹ thuật, tôi chỉ cần hỏi từ 3 đến 5 câu tình huống là đoán biết được ứng viên có kinh nghiệm thực tế hay chỉ là... "chém gió", có khả năng làm việc hay chỉ là CV đẹp. Đơn giản là có những kỹ năng bạn phải đi làm mới thu nhận được, bất chấp điểm phẩy của bạn là bao nhiêu.

    Còn với sinh viên mới ra trường, chuyện các em tốt nghiệp loại giỏi nhưng đến lúc đi làm lại... kém không phải là hiếm. Tuyển dụng sinh viên mới ra trường là chấp nhận một lượng rủi ro nhất định cho công ty: trong một số trường hợp, thời gian, công sức và hy vọng bỏ ra để train các em sẽ là... công cốc.

    Chính vì điều này nên tôi có thể hiểu được vì sao một số công ty mang tư tưởng "ban ơn" mỗi lần nhận sinh viên vào làm việc. Và cũng bởi sự thiên vị đôi khi là quá đáng đối với những người đã có kinh nghiệm, tôi biết rất nhiều bạn sinh viên ra trường sẽ có cảm giác rất bức xúc.

    Quan trọng là thái độ

    Câu chuyện của nhà tuyển dụng và sinh viên mới ra trường liên quan như thế nào đến các thương hiệu công nghệ của Việt Nam?

    Hãy nghĩ như thế này: các thương hiệu tai nghe, điện thoại, ứng dụng, giày... của chúng ta giống như sinh viên mới ra trường. Ngay cả kinh nghiệm làm gia công cho nước ngoài của chúng ta cũng quá ít ỏi so với Trung Quốc, Đài Loan. Sản phẩm của các thương hiệu này, xét về mặt chất lượng và giá cả, khó lòng bắt kịp với sản phẩm của nước ngoài. Nhưng họ không có cách nào khác ngoài việc cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đã-được-chứng-minh của nước ngoài, và kết quả thường là hàng Việt Nam thua.

    Đáng buồn là cách tiếp cận của một số thương hiệu Việt với tình trạng này lại khá cực đoan. Ví dụ điển hình nhất, đáng nhớ nhất của một thương hiệu Việt nổi tiếng khi đặt chân vào thị trường smartphone. Sản phẩm mà họ tạo ra đầy lỗi nhưng vẫn bị ra mắt một cách quá vội vàng, rồi lại được chính bộ máy truyền thông của họ tâng lên tận trời xanh.

    Cũng giống như là một sinh viên mới ra trường đã vội khoe với nhà tuyển dụng: "Những thứ người ta mất 5 năm mới master được, em làm được hết. Mà em làm rất tốt".

    Một startup làm tai nghe tôi từng rất ủng hộ cũng có thái độ tương tự. Nhìn từ phản ứng của họ với người mua qua các diễn đàn, qua Facebook cá nhân, tôi có cảm giác họ đang suy nghĩ theo kiểu "Vì công ty các anh ác cảm với sinh viên nên cái gì em làm các anh cũng chê". Nói về giới âm thanh thì mọi cảm nhận đều là cá nhân, nhưng thực sự tôi và rất nhiều người tôi biết đánh giá chất âm của những chiếc tai nghe này hoàn toàn không xứng đáng với giá tiền.

    Ngụy biện "nghiêm khắc"

    Nhưng dĩ nhiên tôi không thể chỉ tuyển những người đã có kinh nghiệm. Nhân lực thị trường phần mềm rất thiếu. Giới hạn phạm vi tuyển dụng của mình chỉ duy nhất vào những người có kinh nghiệm cũng có nghĩa rằng bạn đang hướng tổ chức của mình đến với một ngày lụi bại.

    Vậy nên thực tế là tôi tuyển rất nhiều sinh viên mới ra trường. Phỏng vấn các em, tôi thường cố tìm ra 2 thứ. Thứ nhất là tiềm năng, đánh giá qua các câu hỏi logic. Thứ hai là thái độ. Chỉ cần các em thể hiện quyết tâm học hỏi là tôi sẵn sàng nhận.

    Tôi nghĩ rất nhiều mặt hàng của startup Việt đang thể hiện được 2 yếu tố đó. Cách đây vài tháng, một startup ra mắt một đôi giày tự thiết kế. Theo đánh giá cá nhân của tôi, đôi sneaker này có thiết kế đẹp và cảm giác đi khá dễ chịu. Dĩ nhiên, sản phẩm mới ra chưa thể sánh vai với ADIDAS hay Nike, nhưng vẫn là sản phẩm có tiềm năng. Giá của đôi giày này có thể co là đắt hơn 100k, 200k so với giày "fake1", nhưng đó vẫn là khoản tiền tôi sẵn sàng bỏ ra để ủng hộ startup này tiến xa hơn nữa về tương lai.

    Đáng tiếc là không phải người tiêu dùng nào cũng mang cùng một góc nhìn như tôi. Tôi dám chắc rất nhiều người chưa từng chạm tay vào đôi giày kia mà đã lớn tiếng chê bai như thể đôi giày đó là thứ tồi tệ, đắt đỏ nhất đang đem hai chữ "Việt Nam" ra cầu xin lòng thương hại của họ.

    Chứng chỉ của Microsoft

    Nhiều startup có-tiềm-năng của Việt Nam cũng đang phải gánh chịu ánh nhìn tương tự. Từ phía người tiêu dùng, họ sẽ nhận được những lời chê cũ mèm như "Đừng vin vào tên gọi Việt Nam nữa mà hãy nghiêm khắc với mình hơn để được như DAS như Nike"...

    Tôi lại xin kể một câu chuyện khác của chính mình.

    Ngày mới đi làm, tôi được nhận vào một công ty của Nhật. Họ cực kỳ nghiêm khắc với tôi. Những lời chỉ trích thậm tệ nhất, tôi đều đã nhận. Nhưng cuối cùng họ vẫn cho tôi cơ hội để tồn tại, để cố gắng. Cách nghĩ ấy của họ khác hẳn với góc nhìn cực đoan chúng ta đang dành cho các thương hiệu Việt: "nghiêm khắc" có nghĩa là "chừng nào sản phẩm của các anh phải bằng được hàng tên tuổi hàng chục năm kinh nghiệm của nước ngoài thì chúng tôi mới mua".

    Tôi không nghĩ rằng bất cứ một startup nào có thể làm được như vậy. Họ không thể tồn tại nếu cứ bỏ ra một đống tiền mua linh kiện số lượng ít, thuê nhân viên chất lượng cao và rồi cuối cùng bán sản phẩm giá rẻ cho vừa lòng thượng đế.

    Và sản phẩm Việt cũng không phải là không có tiềm năng. Họ đơn giản chỉ bị lu mờ vì hoài bão của họ xuất hiện quá muộn trên một thị trường Việt đã quá bão hòa.

    Lại một câu chuyện phần mềm khác để bạn hiểu: cách đây vài ngày, một đồng nghiệp sinh năm 94 của chúng tôi đạt được một chứng chỉ công nghệ của Microsoft. Hội "già" chúng tôi có rất nhiều chứng chỉ ấy, nhưng chắc chắn rất ít người trẻ tuổi có thể làm được điều tương tự - một sự chứng nhận về hiểu biết và năng lực thực tế trong công việc. Nhìn sang chuyện hàng Việt, chúng ta liệu có công bằng khi sớm yêu cầu các công ty Việt sản xuất được 100% các linh kiện phức tạp, bắt họ phải đưa ra giá ngang bằng hàng nước ngoài dù quy mô sản xuất nhỏ hơn hẳn?

    Và bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu như bạn là "sếp", cả công ty các lão làng có chứng chỉ Microsoft toàn là người Trung Quốc, Ấn Độ, người Việt đóng vai trò thực tập... pha trà? Tôi không biết về bạn, nhưng chắc chắn tôi sẽ thiên vị rõ ràng cho hàng Việt. Với tôi, những câu nói kiểu như "không vì hàng Việt mà thiên vị" chẳng khác gì nói ba chữ "người Việt mình" là vô nghĩa.

    Dậm chân tại chỗ

    Một lần đến Đài Loan công tác, tôi nhận thấy một điểm rất khác biệt giữa người Việt và người Đài: họ không tranh cãi quá nhiều về chuyện sản phẩm của nước họ như chúng ta. Trong văn phòng công ty đối tác, chúng tôi và các "sếp" từ công ty mẹ thì dùng nhiều nhất là iPhone. Nhưng người Đài dùng nhiều nhất là HTC.

    Câu chuyện hàng Việt của chúng ta lần nào cũng xôm, quan điểm cực đoan cũng không hề ít. Nhưng sự thật là, chừng nào một số người còn mang ác cảm tuyệt đối với hàng Việt theo kiểu "cứ nhắc đến Việt Nam là các anh đang xin lòng thương hại của tôi", chừng nào các thương hiệu Việt còn thích tự tâng bốc đến trời xanh, thích đổ lỗi và thích trốn tránh thử thách, chúng ta vẫn còn tụt hậu.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ